Cổ phiếu đáng chú ý ngày 25/7: DPR, VLB, FPT

Chứng khoán Agriseco (AGR): Khuyến nghị tăng tỷ trọng DPR

AGR khuyến nghị tăng tỷ trọng cổ phiếu CTCP Cao su Đồng Phú (DPR), giá mục tiêu 47.000 đồng/cp theo luận điểm đầu tư:

Doanh thu quý II ghi nhận 233 tỷ đồng (+60% svck) chủ yếu nhờ mảng cao su, lợi nhuận sau thuế đạt 80 tỷ đồng (+121% svck). Lũy kế 6 tháng đầu năm, DPR đạt doanh thu 419 tỷ đồng, tăng 29% svck, lãi ròng 142 tỷ đồng, tăng 45% svck.

AGR kỳ vọng kết quả kinh doanh nửa cuối năm 2024 của DPR sẽ tăng trưởng nhờ:

(1) Mảng cao su tăng trưởng cả về giá và sản lượng. Giá bán cao su nửa cuối năm 2024 dự báo tiếp tục tăng khoảng 10-15% svck theo đà tăng giá thế giới trong bối cảnh nguồn cung cao su thiên nhiên thiếu hụt. Sản lượng tiêu thụ dự báo sẽ khả quan nhờ nhu cầu tiêu thụ trong ngành sản xuất ô tô, lốp xe cải thiện, đặc biệt là ở thị trường Trung Quốc. Lĩnh vực cao su chiếm hơn 70% tổng doanh thu của DPR, kỳ vọng giá bán và sản lượng sẽ thúc đẩy tăng trưởng kết quả kinh doanh.

(2) Doanh thu thanh lý cao su dự báo tăng với diện tích cao su thanh lý khoảng 450-500ha. Diện tích thanh lý đã đạt 366ha trong 6 tháng đầu năm 2024, vượt cả năm 2023 là 234ha.

(3) Doanh thu chế biến gỗ dự báo tăng cao svck khi 6 tháng đầu năm sản lượng tiêu thụ đã bằng 92% thực hiện năm 2023, đạt gần 6.400m3 (+89% svck).

Tiềm năng dài hạn từ mảng KCN: DPR hiện đang quản lý 2 KCN Bắc Đồng Phú và Nam Đồng Phú đã lấy đầy trên 95% và có kế hoạch mở rộng 2 KCN này tổng quy mô gần 800ha. Dự án KCN Bắc Đồng Phú mở rộng đã hoàn thiện pháp lý và đang chờ chấp thuận của Chính phủ, kỳ vọng DPR sẽ ghi nhận doanh thu cho thuê KCN trong giai đoạn 2025 - 2026 nếu dự án sớm được phê duyệt chủ trương đầu tư vào cuối năm 2024. Dự án Nam Đồng Phú MR kỳ vọng sẽ hoàn thiện hồ sơ sau khi tăng vốn tại CTCP KCN Bắc Đồng Phú.

Cổ phiếu đáng chú ý ngày 25/7: DPR, VLB, FPT
Diễn biến giá cổ phiếu DPR

Chứng khoán Agriseco (AGR): Khuyến nghị tăng tỷ trọng VLB

AGR khuyến nghị tăng tỷ trọng cổ phiếu CTCP Xây dựng và Sản xuất Vật liệu xây dựng Biên Hòa (VLB), giá mục tiêu 43.000 đồng/cp theo luận điểm đầu tư:

KQKD quý II/2024 tiếp đà tăng trưởng: Doanh thu đạt 339 tỷ đồng, tăng 39% svck nhờ nhu cầu tăng từ các dự án bất động sản dân dụng và các công trình vành đai 3, sân bay Long Thành.

Hưởng lợi nhờ nhu cầu tiêu thụ đá xây dựng lớn từ các dự án đầu tư công trọng điểm tại khu vực miền Nam: Năm 2024 là năm tăng tốc đẩy mạnh triển khai các dự án công trình giao thông trọng điểm trong thực hiện kế hoạch 5 năm 2021-2025, phấn đấu đạt trên 95% kế hoạch Thủ tướng chính phủ giao, trong đó sẽ tập trung thực hiện các đại dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2, sân bay quốc tế Long Thành, Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh, Vành đai 4 Hà Nội, 3 cao tốc phía Nam do đó nhu cầu đá xây dựng là rất lớn.

VLB có lợi thế cạnh tranh hơn so với các đối thủ nhờ sở hữu các mỏ đá với trữ lượng lớn và vị trí thuận lợi: Các mỏ đá của VLB như Mỏ Tân Cang 1, Thạnh Phú 1 và Thiện Tân 2 đều nằm tại Đồng Nai, có thời gian khai thác dài và công suất lớn (tổng khoảng 4,8 triệu m3/năm) có vị trí thuận lợi gần các khu vực trọng điểm kinh tế như TP. HCM, sân bay Long Thành được kỳ vọng sẽ cung cấp đá cho các dự án trọng điểm này. Ngoài ra, mỏ Tân Cang 1 của VLB được hưởng lợi nhờ hai cụm mỏ đá Tân Đông Hiệp và Núi Nhỏ (có công suất khai thác khoảng 5 triệu m3/năm) đã đóng cửa từ cuối năm 2019 khiến nguồn cung tại phía Nam khan hiếm trong khi việc cấp phép mỏ đá mới còn nhiều khó khăn.

Chứng khoán Yuanta: Khuyến nghị mua FPT

FPT đạt mức tăng trưởng lợi nhuận quý II/2024 vững chắc. Công ty đã thành công trong việc tăng gấp đôi các thương vụ có giá trị lớn (> 5 triệu USD), đưa tổng doanh thu ký mới trong nửa đầu năm 2024 tăng 22,4% svck. Các hợp đồng quy mô lớn hơn sẽ hỗ trợ sự tăng trưởng doanh thu dịch vụ CNTT toàn cầu.

Thị trường Nhật Bản là động lực tăng trưởng chính của dịch vụ CNTT nước ngoài. FPT đã tăng gấp đôi tệp khách hàng và danh mục dịch vụ tại thị trường Nhật Bản với việc mua lại 100% cổ phần Next Advanced Communications NAC Co, Ltd (NAC), một công ty dịch vụ CNTT Nhật Bản. Thương vụ này có lẽ là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng doanh thu đạt 35,2% svck trong nửa đầu năm từ thị trường Nhật Bản.

Yuanta duy trì khuyến nghị mua với mức giá mục tiêu là 144.660 đồng/cp. FPT vẫn là cổ phiếu hàng đầu trong danh mục khuyến nghị của nhóm phân tích. Giá cổ phiếu FPT đã tăng + 54% YTD và các đợt điều chỉnh tiếp theo có khả năng sẽ xảy ra. Tuy nhiên, FPT đang giao dịch ở mức P/E 2025E là 18,9x và P/E 2026E là 14,4x, vẫn tương đối rẻ nếu xem xét CAGR lợi nhuận dự kiến là 20%. Room ngoại của FPT còn lại 54,3 triệu cổ phiếu (chiếm 3,8% số cổ phiếu đang lưu hành), tương đương khoảng 290 triệu USD vốn nước ngoài đang sẵn có tại TTCK Việt Nam.

Xem thêm tại nguoiquansat.vn