Sau 3 phiên điều chỉnh nhẹ cuối tuần trước, thị trường đã sớm tìm lại sắc xanh trong phiên sáng ngày 15/7. Tuy nhiên, giao dịch vẫn ảm đạm bởi tâm lý thận trọng của cả bên mua và bán khiến thị trường chung phân hóa, chỉ số VN-Index khó bật cao và tạm khép lại phiên sáng chỉ tăng nhẹ hơn 3 điểm.
Bước sang phiên giao dịch chiều, dòng tiền vẫn tham gia khá nhỏ giọt, trong khi áp lực bán có dấu hiệu gia tăng, đã khiến VN-Index dần chuyển qua trạng thái rung lắc nhẹ. Mặc dù có thời điểm, lực bán dâng cao hơn khiến sắc đỏ chiếm áp đảo trên bảng điện tử và thị trường lùi sâu hơn, nhưng VN-Index vẫn khá vững vàng trên đường MA20, tương đương vùng giá 1.260 – 1.270 điểm.
Thị trường khép lại phiên đầu tuần vẫn trong kịch bản cũ, ghi nhận phiên giảm nhẹ thứ 4 liên tiếp với thanh khoản ở mức thấp, điều này cũng phần nào cho thấy áp lực bán không quá lớn và tín hiệu tiêu cực chưa được xác nhận.
Chốt phiên, sàn HOSE có 167 mã tăng và 262 mã giảm, VN-Index giảm 0,93 điểm (-0,07%), xuống 1.279,82 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 573,5 triệu đơn vị, giá trị 14.235 tỷ đồng, giảm 5,4% về khối lượng và 6,68% về giá trị so với phiên cuối tuần qua ngày 12/7. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 99,13 triệu đơn vị, giá trị 2.929,55 tỷ đồng.
Nhóm VN30 kém lạc quan khi đóng cửa giảm xấp xỉ 4 điểm, với 10 mã tăng và 16 mã giảm. Trong đó, cổ phiếu PLX tiếp tục là điểm sáng ngược dòng thị trường chung khi nới rộng biên độ trong phiên chiều, kết phiên tăng 3,7% lên mức giá cao nhất ngày 48.000 đồng/CP, tương ứng tăng hơn 41% kể từ đầu năm và đây cũng là mức giá cao nhất trong hơn 2 năm qua của cổ phiếu này.
Mới đây, Bộ Công thương và Bộ Tài chính điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu theo chu kỳ điều chỉnh 7 ngày. Đây là lần tăng giá thứ 4 liên tiếp kể từ giữa tháng 6, phản ánh đà tăng của giá dầu Brent. Điều này sẽ có tác động tích cực đáng kể đến các thương nhân đầu mối/phân phối xăng dầu như PV OIL (OIL – UPCoM) và Petrolimex (PLX – sàn HOSE), cho phép công ty đạt lợi nhuận gộp cao hơn trên mỗi lít bằng cách trang trải tốt hơn chi phí vận hành thực tế. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính tiếp sức cho đà tăng mạnh của cặp đôi này trong thời gian gần đây.
Ngoài PLX, trong nhóm VN30 còn có BCM và VJC cũng tăng tốt trong phiên chiều, tương ứng tăng 3,4% và 2,2%, lần lượt đóng cửa tại mức giá 67.200 đồng/CP và 104.200 đồng/CP.
Trái lại, các mã lớn như VHM, VIC, FPT đang là sức ép chính lên chỉ số chung, khi mỗi mã lấy đi trên dưới 0,5 điểm.
Xét về nhóm ngành, nhóm chăm sóc sức khỏe vẫn ghi nhận mức tăng tốt nhất đạt hơn 2,7%, với sự đóng góp lớn của các cổ phiếu dược phẩm, như IMP và DHT đều đóng cửa tăng kịch trần, DHG, TNH và DMC cùng tăng hơn 1%, VDP tăng 6,6%...
Tiếp theo là nhóm bán lẻ và nhóm dịch vụ lưu trú, ăn uống, giải trí đều tăng hơn 2%.
Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán lại không mấy khả quan khi đảo chiều điều chỉnh nhẹ trong phiên chiều.
Ở nhóm ngân hàng, sắc đỏ chiếm ưu thế với các mã lớn như VCB, TCB, BID đều giảm nhẹ; ngoại trừ một số mã như SHB, MSB, MBB, LPB, CTG thoát hiểm với mức tăng cũng chỉ trên dưới 0,5%. Trong đó, SHB vẫn giữ mức tăng nhẹ 0,8% với thanh khoản sôi động nhất thị trường, đạt 23,88 triệu đơn vị, khi Ngân hàng chuẩn bị thực hiện chốt quyền chia cổ tức 5% bằng tiền mặt, dự kiến vào ngày 18/7 tới đây.
Ở nhóm chứng khoán, cổ phiếu VND cũng là thành viên duy nhất của ngành góp mặt vào top giao dịch sôi động của thị trường với thanh khoản đạt hơn 10 triệu đơn vị, nhưng kết phiên giảm 1,5% xuống mức giá thấp nhất ngày 16.200 đồng/CP.
Nhóm bất động sản cũng đảo chiều giảm nhẹ, nhưng sự phân hóa thấy rõ khi một số mã vẫn ngược dòng tăng tốt như HDG tăng 3,2%, SJS tăng 5,73%, BCM tăng 3,4%, NLG và IJC tăng gần 2%... Trong đó, cổ phiếu BCG thu hẹp biên độ và chỉ còn tăng nhẹ 0,3%, nhưng giao dịch tăng vọt khi có tới 11,85 triệu đơn vị khớp lệnh, thuộc top 5 mã có thanh khoản cao nhất thị trường.
Trên sàn HNX, sau thời gian ngắn mở cửa phiên chiều giữ sắc xanh, áp lực bán gia tăng cũng khiến HNX-Index đảo chiều giảm nhẹ.
Chốt phiên, sàn HNX có 79 mã tăng và 86 mã giảm, HNX-Index giảm 0,18 điểm (-0,07%) xuống 244,84 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 50,46 triệu đơn vị, giá trị 1.043 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 8,54 triệu đơn vị, giá trị 276,2 tỷ đồng.
Nhóm HNX30 cũng giao dịch phân hóa với số mã tăng giảm khá cân bằng (14 mã tăng và 13 mã giảm), kết phiên, chỉ số HNX30-Index tăng gần 1 điểm. Trong đó, cổ phiếu dược phẩm DHT là điểm sáng khi đóng cửa tăng kịch trần; TIG dù không tìm lại được sắc tím nhưng kết phiên vẫn tăng tốt với biên độ tăng 7,7% và thanh khoản vẫn dẫn đầu thị trường với hơn 8,93 triệu đơn vị khớp lệnh.
Một số mã đáng chú ý khác như SHS đứng giá tham chiếu và khớp 4,72 triệu đơn vị, CEO giảm 1,1% và khớp 4,33 triệu đơn vị, MBS tăng nhẹ 0,3% và khớp 2,85 triệu đơn vị.
Xét về nhóm ngành, bên cạnh DHT khoe sắc tím, ở nhóm cổ phiếu dược phẩm còn có DVM cũng ghi nhận phiên khởi sắc, đóng cửa tăng 1,6% lên mức 12.800 đồng/CP với thanh khoản khá sôi động, đạt hơn 1 triệu đơn vị.
Trên UPCoM, thị trường duy trì đà giảm nhẹ trong suốt cả phiên chiều.
Đóng cửa, UPCoM-Index giảm 0,23 điểm (-0,23%), xuống 97,92 điểm với 147 mã tăng và 128 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 38 triệu đơn vị, giá trị 714,37 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 8,82 triệu đơn vị, giá trị 279,2 tỷ đồng.
Như đã nói ở trên, cổ phiếu OIL cũng ghi nhận phiên khởi sắc, đóng cửa tăng 5,6% lên mức giá cao nhất ngày là 15.100 đồng/CP và đây cũng là mức giá cao nhất trong hơn 2 năm qua của cổ phiếu này; đồng thời, thanh khoản của OIL cũng sôi động với khối lượng giao dịch đạt hơn 4,21 triệu đơn vị.
Bên cạnh đó, BSR vẫn là tâm điểm giao dịch của thị trường khi có hơn 10 triệu đơn vị chuyển nhượng thành công, đóng cửa tăng 2,5% lên mức 24.200 đồng/CP.
Cùng trong xu hướng chung của ngành dược, cổ phiếu DVN đã có phiên giao dịch ấn tượng khi đóng cửa tăng 8,8% lên mức 26.100 đồng/CP và khớp hơn nửa triệu đơn vị.
Ngoài ra, một mã đáng chú ý khác của thị trường là TVN, cổ phiếu này tiếp tục bứt tốc trong phiên chiều, đóng cửa tăng 4,3% lên mức 12.100 đồng/CP và khớp lệnh 1,14 triệu đơn vị.
Trên thị trường phái sinh, có 3 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 giảm điểm và 1 hợp đồng tăng. Trong đó, VN30F2407 giảm 1 điểm, tương đương -0,1% xuống 1.299 điểm, khớp lệnh gần 142.680 đơn vị, khối lượng mở gần 52.300 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, mã CVHM2313 có thanh khoản cao nhất, đạt 2,8 triệu đơn vị, đóng cửa đứng giá tham chiếu 90 đồng/cq. Tiếp theo là CHPG2333 khớp 2,6 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 3,6% xuống mức 810 đồng/cq.