Cổ phiếu ngân hàng 'xanh mướt' phiên 17/7: Một mã tăng gần 9%, thanh khoản MBB cao kỷ lục

Cổ phiếu ngân hàng 'xanh mướt' phiên 17/7: Một mã tăng gần 9%, thanh khoản MBB cao kỷ lục- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Sau 4 phiên giảm liên tiếp, lực cầu bắt đáy ở một số nhóm cổ phiếu giúp thị trường hồi phục và giao dịch trên mức tham chiếu trong phần lớn thời gian giao dịch phiên 17/7, VN-Index có lúc vượt qua ngưỡng 1.290 điểm và tăng trên 10 điểm. Tuy nhiên, lực bán gia tăng mạnh vào cuối phiên chiều khiến thị trường quay đầu giảm sâu, bất chấp diễn biến tích cực của nhóm cổ phiếu ngân hàng.

Đóng cửa phiên 17/7, VN-Index giảm 12,52 điểm (-0,98%) về 1.268,66 điểm. Thanh khoản trên HoSE tăng vọt so với phiên trước với giá trị khớp lệnh đạt ngưỡng 28.100 tỷ đồng. HNX-Index giảm 1,64% xuống còn 240,9 điểm, UPCoM-Index giảm 1,34% xuống 96,94 điểm.

Là trụ cột gồng đỡ các chỉ số của thị trường, cổ phiếu ngân hàng diễn biến đầy tích cực với 16/27 mã niêm yết và giao dịch trên thị trường UPCoM tăng giá. Trong đó, cổ phiếu BVB của ngân hàng Bản Việt bật tăng hơn 8,5% lên 14.000 đồng/cp. Trước đó, cổ phiếu này cũng đã tăng gần 5,7% trong phiên giao dịch hôm qua (16/7).

Liên quan đến cổ phiếu BVB, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây đã có văn bản chấp thuận cho BVBank tăng vốn điều lệ thêm tối đa hơn 1.391 tỷ đồng thông qua ba hình thức.

Cụ thể, ngân hàng được cho phép phát hành thêm gần 50,2 triệu cổ phiếu để tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu. Vốn điều lệ sẽ được tăng thêm tối đa 502 tỷ đồng. Đây là phương án tăng vốn đã được Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2023 thông qua nhưng chưa triển khai trong năm ngoái. Kế hoạch này được ĐHĐCĐ 2024 quyết định tiếp tục triển khai trong năm nay.

Bên cạnh đó, BVBank cũng được phép phát hành gần 69 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 8:1 (cổ đông sở hữu 8 cổ phiếu được quyền mua 1 cổ phiếu mới), giá trị phát hành tương ứng theo mệnh giá gần 690 tỷ đồng. Đồng thời, BVBank sẽ phát hành 20 triệu cổ phiếu cho người lao động (ESOP), giá chào bán 10.000 đồng/cổ phiếu.

Trên sàn HoSE, cổ phiếu NAB của Nam A Bank tiếp tục duy trì phong độ ấn tượng khi tăng gần 5,9% lên 15.300 đồng/cp. Tính từ đầu tuần đến nay, cổ phiếu này đã tăng tổng cộng 9,3%.

Trong dòng chảy thông tin liên quan đến cổ phiếu này, Nam A Bank mới đây đã chốt danh sách cổ đông vào ngày 12/7 để thực hiện phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu với tỷ lệ 25%. Nguồn phát hành là lợi nhuận chưa phân phối năm 2023 (sau khi đã trích các quỹ) và lợi nhuận chưa phân phối từ các năm trước. Ngoài ra, ngân hàng này cũng dự kiến lợi nhuận 6 tháng đầu năm sẽ chạm đỉnh mới hoàn thành vượt mức 50% kế hoạch năm.

Hai cổ phiếu "quốc dân" của ngành ngân hàng là TCB và MBB cũng diễn biến ấn tượng khi tăng lần lượt 4,4% và 4,0%. Đây cũng là hai mã tăng mạnh nhất trong nhóm VN30. Diễn biến tích cực trên giúp thị giá MBB chỉ còn cách đỉnh lịch sử chưa đầy 2%, trong khi TCB cũng tiến gần vùng giá 24.000 đồng/cp.

Cổ phiếu HDB của HDBank cũng bước sang phiên tăng thứ ba liên tiếp và xác lập mức đỉnh mới tại 25.200 đồng/cp. Trước đó, HDBank chốt danh sách cổ đông vào ngày 15/7 để chia cổ tức tiền mặt tỷ lệ 10%. Ngoài chia cổ tức bằng tiền mặt, HDBank cũng có kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu trong năm nay với tỷ lệ 20%, tức mỗi cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ được nhận 20 cổ phiếu phát hành thêm.

Trong những năm qua, HDBank luôn dẫn đầu thị trường về mức cổ tức chia cổ tức cho cổ đông. Tiếp nối truyền thống trả cổ tức đều đặn hàng năm với tỷ lệ cao trong ngành, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên vừa qua, ngân hàng này đã công bố kế hoạch chia cổ tức dự kiến thực hiện trong năm 2025 với tỷ lệ lên tới 30%, gồm tối đa 15% bằng tiền mặt.

Ngoài các mã nêu trên, nhiều cổ phiếu ngân hàng vốn hóa lớn khác cũng có được mức tăng tốt trong phiên hôm nay như BID (1,8%), STB (1,67%), ACB (1,66%), CTG (1,54%), VIB (1,41%), MSB (+1,37%).

Thanh khoản nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng tăng mạnh trong phiên hôm nay với khối lượng giao dịch cao đột biến tại MBB. Cụ thể, kết phiên đã có tổng cộng gần 72,4 triệu cổ phiếu MBB được trao tay trực tiếp trên sàn – khối lượng giao dịch khớp lệnh cao nhất kể từ khi niêm yết của cổ phiếu này.

Cùng với MBB, nhiều mã ngân hàng khác cũng ghi nhận thanh khoản ở mức cao như SHB (47,7 triệu cp), VPB (34,9 triệu cp), ACB (28,9 triệu cp), TCB (27,4 triệu cp), STB (25,1 triệu cp).

Xem thêm tại cafef.vn