Dòng tiền xoay tua tìm cơ hội
Kể từ đầu năm 2024 đến nay, nhóm VN30 (vốn hóa lớn) tăng gần 16%, cao hơn mức tăng 12,7% của VN-Index và nhóm VN-Midcap (vốn hóa vừa), vượt trội so với hiệu suất của VN-Small (vốn hóa nhỏ, tăng 8,3%).
Tuy nhiên, trong một tháng qua (22/4 - 23/5/2024), trái với diễn biến phân hóa ở các cổ phiếu bluechip, dòng tiền sôi động đã tiếp sức cho đà tăng giá của nhiều cổ phiếu vốn hóa vừa như TCH, HAG, LAS. Nhóm này ghi nhận tăng giá nhanh hơn trong nhịp thị trường chung phục hồi. Với nhóm cổ phiếu nhỏ (penny), một số mã có mức tăng giá cao như KSQ tăng 66,6%, DC2 tăng 38,9%, MCO tăng 35,4%, HKT tăng 31,2%, NHC tăng 29,9%...
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Phân tích, Công ty Chứng khoán Dầu khí, việc dòng tiền luân chuyển giữa các nhóm cổ phiếu là bình thường và tích cực. Nhóm cổ phiếu penny thường tăng ở cuối mỗi giai đoạn hồi phục của thị trường. Đây là nhóm cổ phiếu có mức độ biến động cao, mang tính đầu cơ, thường mang những câu chuyện tạo ra những con sóng phù hợp cho các nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro lớn.
“Trong bối cảnh rủi ro thị trường đang dần gia tăng và điều chỉnh, dòng tiền sẽ có xu hướng tìm tới những cổ phiếu có mức độ biến động lớn nhằm tìm kiếm lợi nhuận trong thời gian ngắn, sau khi đã chốt lời tại nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và lớn trước đó”, ông Nguyễn Anh Tuấn nhận định.
Trong xu hướng dài hạn của thị trường, nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ vẫn được nhìn nhận có nhiều cơ hội tăng giá trong năm 2024.
Ông Nguyễn Việt Quang, Giám đốc Kinh doanh, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho biết, nhịp hồi phục của thị trường trong tháng 5 này, thanh khoản thị trường chưa cao. Chỉ khoảng 6 - 7 phiên trở lại đây, thanh khoản mới trở lại mức tốt. Sự sôi động và lan tỏa rộng của dòng tiền giúp nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ có nhịp hồi phục tốt hơn.
“Thị trường đã trải qua một nhịp phân hóa khá mạnh, dòng tiền đảo giữa các dòng khá nhanh. Hầu hết các dòng đều có cổ phiếu mạnh vượt đỉnh, với dòng tiền tham gia tốt, nhưng sự đồng thuận chỉ xuất hiện ở một số nhóm cổ phiếu như dệt may, doanh nghiệp chăn nuôi…, trong khi vẫn có những cổ phiếu chưa hồi phục kịp theo thị trường”, ông Nguyễn Việt Quang nhận xét.
Vị chuyên gia của Chứng khoán Yuanta nhìn nhận, sự phân hoá đang diễn ra mạnh, nhà đầu tư nên lựa chọn những cổ phiếu đang thu hút được dòng tiền, thường thể hiện ở khối lượng giao dịch trung bình hàng ngày. Nhóm cổ phiếu này duy trì đà tăng, bất chấp áp lực điều chỉnh từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Tuy nhiên, chỉ số VNMidcap cũng tăng về gần mức đỉnh ngắn hạn cũ, khó có thể tránh khỏi áp lực điều chỉnh. Nhưng trong xu hướng dài hạn của thị trường, nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ vẫn được nhìn nhận có nhiều cơ hội gia tăng trong năm 2024.
Trong đợt tăng giá vừa qua, dòng tiền rất thông minh, dù phân hóa nhưng tập trung vào những nhóm cổ phiếu chất lượng. Các nhóm cổ phiếu dẫn dắt VN30 vượt đỉnh ngắn hạn đều thuộc doanh nghiệp có lợi nhuận tăng trưởng ổn định, hoặc thoát khỏi vùng đáy lợi nhuận. Diễn biến này cho thấy, những nhà đầu tư “ăn chắc mặc bền” vẫn muốn gửi gắm tài sản qua nhóm cổ phiếu lớn, nhưng nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ lại có sức hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu cơ.
Cơ hội cao, rủi ro lớn
Ở giai đoạn hiện tại, rủi ro thị trường điều chỉnh gia tăng sau khi VN-Index đã có nhịp tăng gần 1 tháng. Thực tế, chỉ số chung gặp áp lực trong một số phiên gần đây và giảm điểm khá mạnh trong phiên cuối tuần qua, từ trên 1.280 điểm xuống gần 1.260 điểm.
Đặc biệt, áp lực tập trung vào nhóm cổ phiếu thị trường, vốn là nhóm cổ phiếu có mức độ biến động lớn, có độ nhạy cảm cao đối với các diễn biến của chỉ số chung. Việc VN-Inedex hồi phục theo hình chữ V kể từ tuần cuối tháng 4 khiến nhóm cổ phiếu này tăng vọt. Do đó, thời điểm hiện tại, ông Nguyễn Anh Tuấn khuyến nghị, nhà đầu tư nên hạn chế mở vị thế mua mới khi rủi ro T+ ở mức cao. Tuy nhiên, cơ hội sẽ mở ra trong những nhịp điều chỉnh, rung lắc đối với nhóm cổ phiếu thị trường cho các nhà đầu tư ưa thích lướt sóng, vì khi thị trường chưa có dấu hiệu rõ ràng về việc đã xác lập đỉnh ngắn hạn.
Nhóm cổ phiếu thị trường có những chuyển động “không giống ai” có thể có liên quan đến thông tin của lãnh đạo một số doanh nghiệp liên quan. Trong tuần trước, thị trường đã chứng kiến nhóm cổ phiếu trong hệ sinh thái liên quan đến ông Nguyễn Đỗ Lăng như APS, API, IDJ… tăng trần 5 - 10 phiên và cổ phiếu thuộc diện bị cảnh báo. So với “thời hoàng kim” thì giá các cổ phiếu này còn cách xa, nhưng so với điểm đáy gần nhất, mức tăng đạt 30 - 50% chỉ trong 2 tuần. Thậm chí, trong phiên đảo chiều cuối tuần qua, cổ phiếu API vẫn “lội ngược dòng” khi tiếp tục ghi nhận tăng giá trần.
“Nhóm penny luôn có nhiều thời điểm tạo sóng trên thị trường, nhóm ngành này kết thúc sẽ chạy sang nhóm ngành khác. Quan trọng là sóng sẽ nằm ở nhóm ngành nào và điều này còn phụ thuộc vào độ nhạy của nhà đầu tư cũng như việc nắm bắt thông tin về doanh nghiệp”, ông Trần Khoa, một nhà đầu tư tại Hà Nội chia sẻ.
Ông Nguyễn Việt Quang nêu quan điểm, về việc chọn nhóm cổ phiếu thị trường, rủi ro lớn nhất ở thời điểm hiện tại là VN-Index vẫn đang nằm trong vùng kháng cự mạnh, chưa vượt khỏi vùng này. Yếu tố tích cực là chỉ số đã bứt phá ra khỏi nhịp điều chỉnh và tạo ra được xu hướng tăng nhỏ mới. Thông thường, về cuối sóng, nhóm đầu cơ sẽ có dấu hiệu bùng nổ như những gì đã diễn ra ở làn sóng F0 (nhà đầu tư mới) giai đoạn 2021 - 2022.