Công ty chứng khoán ngoại đứng ngoài cuộc đua tăng vốn

Trong 5 tháng đầu năm 2024, khoảng 1/3 trong số 30 công ty chứng khoán lớn nhất thị trường Việt Nam đã công bố kế hoạch tăng vốn mới, với tổng quy mô khoảng 38.000 tỷ đồng và sẽ hoàn thành trong 12 tháng tới. Theo VIS Rating, đây là kế hoạch tăng vốn rất lớn, sẽ giúp tăng tổng vốn chủ sở hữu của các công ty chứng khoán thêm khoảng 20%.

Với nguồn vốn bổ sung, các công ty có thể đẩy mạnh các hoạt động kinh doanh cốt lõi là đầu tư và cho vay ký quỹ trong năm 2024. Tăng trưởng lợi nhuận cao hơn từ các hoạt động kinh doanh này sẽ giúp các công ty tăng cường bộ đệm rủi ro.

Mặc dù vậy, trong cuộc đua tăng vốn của ngành chứng khoán năm nay, khối công ty chứng khoán ngoại tỏ ra "im ắng" khi chỉ có Chứng khoán Guotai Junan (IVS) lên kế hoạch tăng vốn.

Vào tháng 3/2024, đại hội cổ đông bất thường lần thứ nhất của IVS đã thông qua phương án chào bán 69,35 triệu cổ phần cho cổ đông hiện hữu, tỷ lệ 1:1, giá chào bán không được tiết lộ. Nếu thành công, vốn điều lệ của IVS có thể tăng gấp đôi, từ mức 693,5 tỷ đồng cuối năm 2023 lên 1.387 tỷ đồng. Nguồn 75% số tiền thu được sẽ dùng bổ sung vốn cho vay ký quỹ; 25% số vốn còn lại dùng để phát triển sản phẩm phái sinh và bổ sung nguồn vốn hỗ trợ hoạt động ngân hàng đầu tư.

IVS 1

Một chuyên gia tài chính nhận định, khi mới bắt đầu xâm nhập thị trường Việt Nam, các công ty chứng khoán ngoại tăng vốn rất mạnh, nhưng những năm gần đây, hoạt động tăng vốn tập trung chủ yếu tại công ty chứng khoán nội. Một phần nguyên nhân xuất phát từ việc các công ty chứng khoán ngoại sau giai đoạn 2022 chịu ảnh hưởng khá nhiều bởi hoạt động cho vay margin thua lỗ và hoạt động tự doanh chậm lại.

Nhóm công ty chứng khoán ngoại cạnh tranh bằng giảm phí hoặc miễn phí giao dịch, chấp nhận giảm biên lợi nhuận để cạnh tranh, trong khi các hoạt động kinh doanh khác chưa thể chiếm thị phần lớn.

VIS Rating chỉ ra rằng, việc tăng vốn của các công ty chứng khoán nước ngoài đã chậm lại trong 2 năm qua. Trên thực tế, tốc độ tăng trưởng kinh doanh của các công ty chứng khoán ngoại đã đi sau so với các công ty trong nước. Ví dụ, dư nợ cho vay ký quỹ của các công ty nước ngoài tăng 18% mỗi năm trong hai năm qua, thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng 35% của các công ty trong nước.

Cùng với việc danh mục đầu tư nhỏ hơn so với các công ty cùng ngành, tỷ lệ ROAA trung bình của các công ty chứng khoán nước ngoài là 3,7% trong giai đoạn 2020 - 2023, thấp hơn nhiều so với mức 6% của các công ty trong nước.

Xem thêm tại taichinhdoanhnghiep.net.vn