Đầu tư hàng chục tỷ đô vào mảng năng lượng, Vingroup tham vọng gì?

Một trong những nội dung đáng chú ý tại Đại hội cổ đông thường niên 2025 của Tập đoàn Vingroup tổ chức hôm 24/4 là việc tập đoàn này công bố mở thêm 2 trụ cột kinh doanh mới, trong đó có mảng năng lượng.

Tham vọng điện sạch của Vingroup

Theo thông tin được công bố, Vingroup đang nghiên cứu phát triển mảng năng lượng, hướng đến mục tiêu phát triển khoảng 25,5 GW điện năng lượng tái tạo và LNG vào năm 2030, và nâng tổng công suất lên 52,5 GW vào năm 2035.

-5761-1745542882.jpg

Vingroup cho biết đang tái cấu trúc chiến lược phát triển, bổ sung thêm hai mảng lớn là hạ tầng và năng lượng xanh, bên cạnh các lĩnh vực cốt lõi hiện nay.

Trước đó, trong bản đề xuất bổ sung vào Quy hoạch điện VIII điều chỉnh gửi lãnh đạo Chính phủ hồi tháng 3, Vingroup đề xuất thực hiện các dự án năng lượng tái tạo với tổng quy mô công suất 47.500 MW trong giai đoạn 2025 - 2035, trong đó giai đoạn 2025 - 2030 sẽ triển khai khoảng 20.500 MW với tổng mức đầu tư ước tính từ 20 - 25 tỷ USD. Các dự án được tập trung triển khai tại các địa phương có tiềm năng cao về gió và bức xạ mặt trời như: Sơn La, Đắk Lắk, Ninh Thuận, Bình Phước, Đồng Nai, Trà Vinh/Sóc Trăng và Khánh Hòa.

Không chỉ dừng lại ở điện tái tạo, Vingroup cũng đề nghị bổ sung dự án nhà máy nhiệt điện LNG tại Hải Phòng vào Quy hoạch điện VIII điều chỉnh. Dự án này có công suất 5.000 MW, tổng mức đầu tư khoảng 5,5 tỷ USD, thời gian triển khai từ 2025 đến 2030.

Tập đoàn cho biết các dự án được đề xuất đã căn cứ theo các tiêu chí chỉ đạo của Bộ Công Thương (theo Công văn số 1649/BCT-ĐL ngày 5/3). Ngoài ra, Vingroup còn nghiên cứu thêm một số tiêu chí bổ sung để đảm bảo tính hiệu quả, như: Các tỉnh còn có tiềm năng về quỹ đất, khả năng đầu nối và gần trung tâm phụ tải lớn đề xây dựng dự án có công suất lớn, trở thành các trung tâm năng lượng quốc gia (>5.000MW); tiềm năng về gió và bức xạ tốt; lựa chọn loại hình công nghệ và vị trí để tối ưu về thời gian phát triển dự án, hiệu suất sản xuất điện và hiệu quả tài chính.

Tại đại hội cổ đông, Chủ tịch Phạm Nhật Vượng cho biết, Vingroup sẽ tham gia mạnh mẽ vào mảng năng lượng, đặc biệt là năng lượng xanh.

Ông Vượng nêu ra ba lý do. Thứ nhất, nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam làm điện năng lượng nhưng chưa thật sự “xanh”. Thứ hai, họ cho rằng Việt Nam đang thiếu điện, và khi phát triển xe điện thì tình trạng thiếu điện sẽ càng trầm trọng hơn. Vì vậy, Vingroup đặt mục tiêu không chỉ đáp ứng đủ mà còn tạo ra nguồn cung dồi dào, để không còn lo thiếu điện.

Lý do thứ ba cũng là lý do quan trọng nhất theo tỷ phú Phạm Nhật Vượng, đó là Nhà nước đang kêu gọi các doanh nghiệp trong nước cùng chung tay thực hiện các dự án lớn, góp phần xây dựng đất nước. "Là một tập đoàn lớn, chúng tôi phải có trách nhiệm, và khi đã làm thì phải làm lớn", ông Phạm Nhật Vượng nói.

Cuộc đua tỷ đô trong ngành điện sạch: Các đối thủ đã “cắm cờ” từ sớm

Trong bối cảnh Việt Nam vừa điều chỉnh Quy hoạch điện VIII và tái khẳng định cam kết trung hòa carbon vào năm 2050, lĩnh vực năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo, năng lượng xanh của Việt Nam đang trở thành “mảnh đất màu mỡ” cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Điểm mặt các “đối thủ” của Vingroup, không ít tập đoàn đa ngành trong nước đã sớm “cắm cờ” trong lĩnh vực này.

Trung Nam Group là một trong những doanh nghiệp tiên phong, gắn liền tên tuổi với các dự án năng lượng quy mô, như nhà máy điện mặt trời 450MW kết hợp trạm biến áp và đường dây 500KV Trung Nam – Thuận Nam tại Ninh Thuận, dự án Điện gió Ea Nam tại Đắk Lắk, có tổng công suất 400 MW…

-6485-1745542882.png

Dự án điện mặt trời của Trung Nam tại Ninh Thuận. (Ảnh: Trung Nam Group).

Trả lời phỏng vấn trên báo chí thời gian gần đây, Tổng giám đốc Nguyễn Tâm Tiến của Trungnam Group cho biết, ngoài việc nhìn thấy tiềm năng của các dự án điện gió, mặt trời, doanh nghiệp đang hướng đến các loại hình năng lượng đang là xu thế tất yếu như hydrogen và LNG để đi tiếp.

Từ vài năm trước, Tập đoàn TT Group đã đặt nền móng cho chiến lược đầu tư vào ngành năng lượng, thông qua các công ty trong hệ sinh thái với các dự án điện mặt trời và điện gió. Hàng nghìn tỷ đồng đã được các công ty liên quan đến TT đầu tư vào các dự án điện mặt trời như Phước Ninh, Thiên Tân 1.2, Thiên Tân 1.3 và Thiên Tân 1.4,

Tháng 11/2024, TT Group ký biên bản ghi nhớ với hai doanh nghiệp Trung Quốc để nghiên cứu đầu tư nhà máy sản xuất pin lưu trữ và phát triển công nghiệp phụ trợ năng lượng tại Việt Nam. Trước đó, tháng 6/2023, TT Energy (thành viên của TT Group) và SK ES (Hàn Quốc) đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực điện khí LNG. Tháng 1 năm nay, công ty cũng ký kết hợp đồng nhượng quyền dự án điện gió Savan 1 với Chính phủ Lào - cột mốc đánh dấu bước khởi đầu trong chiến lược đầu tư năng lượng "xuyên biên giới" của doanh nghiệp.

Các tập đoàn như Bamboo Capital (BCG Energy) và Sao Mai Group cũng đang tích cực phát triển hệ sinh thái năng lượng tái tạo riêng, với nhiều dự án quy mô lớn trải dài từ điện mặt trời, điện gió đến năng lượng từ rác thải.

Bên cạnh doanh nghiệp nội địa, các tập đoàn quốc tế cũng xem Việt Nam là điểm đến chiến lược trong chuyển dịch năng lượng.

Không ngoa khi nhận định có làn sóng FDI ồ ạt đổ vào năng lượng Việt. Các tập đoàn danh tiếng như EDF Renewables, BP, Shell, TotalEnergies… đều đã hoặc đang đầu tư, hợp tác, xúc tiến đầu tư vào các dự án điện gió, điện mặt trời tại nhiều địa phương.

Gần đây nhất, chiều ngày 18/4, tại trụ sở Bộ Công Thương, Tập đoàn SK (Hàn Quốc) đã bày tỏ mong muốn được hợp tác phát triển các nhà máy điện LNG tại Việt Nam, đặc biệt tại các địa phương như Nghệ An và Thanh Hóa.

SK - Tập đoàn đa ngành lớn thứ hai tại Hàn Quốc, sở hữu khoảng 200 công ty con, đã đầu tư hơn 3,5 tỷ USD tại Việt Nam. Các lĩnh vực tập trung bao gồm năng lượng sạch (LNG, hydrogen), dược phẩm – y tế, logistics và công nghệ thông tin. Tập đoàn khẳng định cam kết đầu tư lâu dài vào các lĩnh vực công nghệ cao, năng lượng tái tạo và thân thiện môi trường tại Việt Nam.

Một cuộc đua tỷ đô đang âm thầm tăng tốc. Ai sẽ là người dẫn đầu trong kỷ nguyên điện sạch của Việt Nam vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ. Nhưng rõ ràng, năng lượng đang trở thành một “cuộc chơi chiến lược” – nơi không chỉ cần vốn lớn, mà còn đòi hỏi công nghệ và tầm nhìn dài hạn.

Đỗ Kiều

Xem thêm tại vnbusiness.vn