ĐHCĐ TTC Land (SCR): Tháng 6 sẽ ký hợp tác với Aeon Mall, định hướng công ty bất động sản khép kín

Ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Tập đoàn TTC, phát biểu tại Đại hội CTCP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (TTC Land, mã chứng khoán SCR - sàn HOSE) diễn ra ngày 23/4 trong vai trò cổ đông lớn, cho biết hoạt động đầu tư của Tập đoàn TTC khác hẳn mô hình quỹ. Quỹ đầu tư tập trung đối vốn và có quyền rút vốn bất cứ lúc nào khi đạt mục tiêu trong chu kỳ đầu tư, trong khi tập đoàn TTC luôn có trách nhiệm với mọi hoạt động của các công ty nằm trong hệ sinh thái: định hướng, giám sát, theo dõi và hỗ trợ.

Tập đoàn TTC luôn tâm niệm có trách nhiệm giám sát, nâng cao quản trị, nâng cao hiệu quả hoạt động đối với các công ty thành viên nhằm đảm bảo thực hiện đúng với chiến lược được ĐHCĐ thông qua.

Bất cứ ngành nghề nào cũng có chu kỳ đào thải. Năm 1997 là khủng hoảng tài chính châu Á, 2008 là khủng hoảng tài chính thế giới, 2019 là khủng hoảng về sự chuyển dịch kinh tế lớn giữa sự bất đồng hai cường quốc thế giới Mỹ - Trung Quốc. Năm 2020, chu kỳ 10 năm bị cộng hưởng thêm tác động của đại dịch Covid.

“Đến nay, tôi rất xót xa khi nhìn lại những thương hiệu mạnh đối diện khó khăn về dòng tiền và thanh khoản. Gần đây, các nhà đầu tư quan tâm đến cụm từ “thành phố không người ở”, từ Trung Quốc, có thể thấy phân khúc nhà ở cao cấp cung vượt cầu. Tôi thấy phân khúc này đến hết 2025 vẫn chưa tan được tảng băng. Trong khi đó, phân khúc nhu cầu ở thực dần hồi phục từ nửa cuối năm đến 2026”, ông Thành nói tại đại hội.

Với TTC Land, ông Thành chia sẻ, trong giai đoạn qua cần thận trọng, không mở rộng thêm mà củng cố dự án hiện hữu; không phát hành trái phiếu mà ưu tiên phải giữ lại lợi nhuận… Có thể tạm gọi là “ngủ đông”.

Kết quả các năm gần đây cho thấy cả ngành địa ốc khó khăn. Sau 20 năm hình thành và phát triển, tách từ công ty thuộc ngân hàng Sacombank, tới nay TTC Land có đến 36 nghìn cổ đông.

Tập đoàn sẽ tiếp tục đồng hành cùng cổ đông TTC Land để hỗ trợ vượt qua khó khăn, cứ quy luật 10 năm sẽ đào thải, nếu quản trị tốt, minh bạch, điều hành chuyên nghiệp thì DN sẽ không ảnh hưởng, còn không đảm bảo được quan điểm đó thì sẽ bị kinh tế thị trường đào thải.

Đầu tiên, Tập đoàn ủng hộ công tác nhân sự, ĐHCĐ sẽ thông qua việc miễn nhiệm của Chủ tịch Huỳnh Bích Ngọc; tiến hành bầu bổ sung HĐQT. Tập đoàn cũng có gợi ý định hướng cho SCR trở thành công ty địa ốc khép kín; hỗ trợ thanh khoản cho TTC Land trong giai đoạn khó khăn, tới nay tầm 400 tỷ đồng.

Tại ĐHCĐ, HĐQT TTC Land cũng có tờ trình hoàn đổi nợ thành cổ phần

Cụ thể, Công ty dự kiến phát hành gần 35 triệu cổ phiếu để hoán đổi nợ với giá 10.000 đồng/CP, tỷ lệ 10.000:1 (10.000 đồng nợ sẽ hoán đổi thành 1 cổ phiếu SCR phát hành mới). Cổ phiếu sẽ bị hạn chế chuyển nhượng một năm kể từ ngày kết thúc đợt phát hành. Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2024 đến quý I/2025.

Ông Thành cho biết, SCR đồng ý chuyển đổi khoản nợ này thành cổ phần. Book value hiện tại trên dưới 12.000 đồng/CP, nhưng TTC Land có rất nhiều dự án là tích sản lớn, có những dự án chịu đựng 6 - 8 năm do pháp lý và nếu định giá lại thì book value sẽ lớn hơn 12.000 đồng/CP. Thị giá hiện tại là 7.000 đồng/CP và SCR đồng ý chuyển đổi với giá 10.000 đồng/CP để TTC Land không lo lắng về khoản nợ này nữa.

“TTC Land sẽ là công ty bất động sản khép kín. Chúng tôi đang nhờ CTCK Vietcap tư vấn việc phát triển của TTC Land, có thể M&A trong hệ sinh thái, hay M&A thêm các công ty bên ngoài”, ông Thành nói và cho biết thêm, Tập đoàn cũng giới thiệu vài thành viên khác đang công tác trong tập đoàn để thực hiện được chiến lược này với tầm nhìn 2030. Đây là những sự hỗ trợ, đồng hành của Tập đoàn đối với TTC Land, giúp công ty định hình và khẳng định vị thế hơn nữa trên thị trường địa ốc.

Năm 2024, TTC Land đặt kế hoạch doanh thu thuần hợp nhất 705 tỷ đồng, tăng 90% so với thực hiện 2023; lợi nhuận trước thuế đi ngang mức 16 tỷ đồng. Trong năm nay, Công ty tập trung bán hàng và nghiên cứu các chiến lược kinh doanh các dự án trọng điểm như TTC Plaza Đà Nẵng, Panomax River Villas, Selavia Phú Quốc…

Trong chiến lược đến năm 2030, TTC Land sẽ mở rộng thêm mảng bất động sản công nghiệp và bất động sản kho vận tại khu vực phía Nam

TTC Land nhận thấy phân khúc này và hậu cần trở nên vượt trội hơn hầu hết loại tài sản khác, nhờ vào sự phát triển của ngành sản xuất và xuất khẩu, thương mại điện tử, vận tải và kho bãi kể từ năm 2018. Nhiều doanh nghiệp đang quan tâm tới Việt Nam như một điểm đến mới cho việc mở rộng sản xuất từ Trung Quốc trong khu vực Đông Nam Á và dự báo thị trường bất động sản công nghiệp sẽ tăng trưởng ít nhất 2 lần trong 10 năm.

Tỷ lệ hấp thụ nhà xưởng xây sẵn được dự báo sẽ tiếp tục tăng nhờ thị trường hưởng lợi từ việc dịch chuyển cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam. Nhu cầu thuê kho sẽ tiếp tục được duy trì bởi tiêu dùng trong nước, nền kinh tế định hướng xuất khẩu của Việt Nam và sự tăng trưởng của thị trường logistics và thương mại điện tử. Như vậy, theo định hướng chiến lược trên, bất động sản công nghiệp và bất động sản kho vận sẽ là sự cộng hưởng để TTC Land tiếp tục mở rộng phát triển.

Theo ông Thành, hiện TTC đang có quỹ đất công nghiệp khoảng 1.300 ha, và 700 ngàn m2 sàn, mục tiêu đến 2026 là 1 triệu m2 sàn.

Tại đại hội, cổ đông tiến hành miễn nhiệm thành viên HĐQT theo đơn từ nhiệm của các cá nhân ngày 12/4, gồm bà Huỳnh Bích Ngọc – Chủ tịch HĐQT, ông Hoàng Mạnh Tiến – Thành viên HĐQT, bà Trần Diệp Phượng Nhi – Thành viên HĐQT. Đồng thời, Công ty bầu bổ sung 2 thành viên HĐQT, trong đó có 1 thành viên độc lập.

Hai ứng viên được nhóm cổ đông đề cử vào HĐQT SCR gồm ông Lê Quang Vũ (do bà Huỳnh Ngọc Bích đại diện nhóm cổ đông nắm 17,39% vốn đề cử) và ông Phạm Trung Kiên (do ông Đặng Hồng Anh do nhóm cổ đông nắm 10,11% vốn đề cử).

Thảo luận tại Đại Hội

TTC Land hợp tác với Aemon để làm dự án TTC tại Đà Nẵng, tiến độ dự án ra sao?

Dự kiến tháng 6 sẽ ký hợp đồng cùng Aeon Mall và đến cuối năm 2025 sẽ đưa vào hoạt động.

Chia sẻ kỹ hơn về mảng bất động sản công nghiệp và kho vận, có vận hành trong 2024 không?

Chiến lược của TTC đến 2025 và tầm nhìn 2030 là doanh nghiệp bất động sản khép kín. Trong hệ thống TTC đang quản lý các bất động sản công nghiệp, kho vận. Hiện bất động sản khu công nghiệp trong TTC là 1.300 ha, bất động sản kho vận hơn 700 ngàn m2. Mục tiêu tiến tới 2025 đạt 2.000 ha đất khu công nghiệp, và 2025-2026 đạt 1 triệu m2 sàn kho vận.

Khi làm công nghiệp luôn đi kèm tái định cư cho dân, song song đó có phần dân dụng, khu dân cư, - cũng rất phù hợp với TTC Land, và không dừng ở thị trường Hồ Chí Minh mà còn có thể vươn ra các tỉnh thành ở miền Nam.

Mảng bất động sản công nghiệp và bất động sản kho vận cũng không gói gọn trong tập đoàn, mà có thể hợp tác cùng với các đối tác bên ngoài.

Trong 2024, Công ty có kế hoạch cụ thể triển khai bán hàng dự án nào mang lại nguồn thu cho công ty?

Bộ phận quản lý dự án xây dựng kế hoạch có TTC plaza Đà Nẵng. Năm 2024, triển khai bán hàng Panomax River Villas, dự án Selavia Phú Quốc, hoàn thiện pháp lý dự án ở TP. HCM.

Năm nay có chia cổ tức không?

Trong tình hình khó khăn chung của ngành bất động sản Việt Nam, thời gian vừa qua SCR chỉ tập trung ổn định, giữ nội lực để chuẩn bị khi thị trường trở lại sẽ có đủ nội lực bứt phá. Năm 2024, HĐQT trình đại hội không chia cổ tức để chuẩn bị nguồn lực cho kế hoạch năm nay và các năm tiếp theo.

TTC Land làm gì để thị giá cổ phiếu đừng đi lùi, định hướng ra sao để nhà đầu tư yên tâm?

Ở thị trường chứng khoán, các nhà đầu tư cá nhân có nhiều tâm tư. Như vừa qua, vợ tôi, bà Huỳnh Bích Ngọc rút về để tập trung quản lý Tập đoàn TTC. Việc cổ phiếu giảm là trong bối cảnh chung của thị trường. Bản thân tôi cũng phần nhắc nhở ban lãnh đạo SCR về trách nhiệm với 36 nghìn cổ đông trong đó có cả tôi. Chúng ta cần chấp nhận khó khăn hiện tại để có thể đi đường dài. Tôi kỳ vọng cuối năm nay và đầu năm sau tình hình thị trường bất động sản sẽ khởi sắc trở lại, trong đó dự án ở Đà Nẵng sẽ bán hàng năm nay.

Năm 2025, chúng ta sẽ thấy bảng cân đối của SCR thay đổi 180 độ, và việc SCR hướng tới khép kín (về bất động sản khu công nghiệp, kho bãi và thương mại) cũng sẽ tạo thay đổi lớn.

Xem thêm tại www.tinnhanhchungkhoan.vn