Đo sức mạnh thanh khoản của các nhà băng

Tỷ lệ LDR thường được dùng để đo lường rủi ro thanh khoản tại các ngân hàng và theo quy định trong Thông tư 26 thì các ngân hàng phải duy trì mức tối đa là 85%.

Nếu tỷ lệ LDR vượt mức 100%, nghĩa là các ngân hàng đang cho vay nhiều hơn nguồn vốn huy động về, khả năng sinh lời của các ngân hàng này cao nhưng đồng thời rủi ro thanh khoản cũng tăng theo.

Theo các chuyên gia, những ngân hàng có tỷ lệ LDR vượt 100% có rủi ro mất thanh khoản nếu nhu cầu rút tiền của khách hàng đột ngột tăng cao. Hoặc những ngân hàng này sẽ phải chạy đua tăng lãi suất huy động để bù đắp thanh khoản bằng mọi giá.

-4618-1719374238.jpg

Đến 30/4/2024, tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi toàn hệ thống (tỷ lệ LDR) ở mức 79,15%.

Dữ liệu thống kê mới nhất của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, dư địa tăng trưởng hay sức nâng tín dụng của hệ thống nhìn chung không còn quá dồi dào. Cập nhật đến 30/4/2024, tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi toàn hệ thống ở mức 79,15%, nhưng tại cả khối NHTM cổ phần lẫn NHTM nhà nước đều khá cao, từ 82 - 83%, gần ngưỡng giới hạn 85%.

Thống kê từ báo cáo tài chính quý I/2024, Techcombank có tỷ lệ LDR là 78,5%, VIB là 71,89%, MSB là 71,9%...

Ở một chỉ tiêu khác, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn toàn hệ thống ở mức 28,28% tại thời điểm 30/4/2024, tiệm cận giới hạn tối đa 30% quy định.

Đáp ứng những giới hạn an toàn trên, điểm thuận lợi đang tập trung ở một số NHTM cổ phần lớn như Techcombank, HDBank, ACB..., khi đến cuối quý I/2024, tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi đều nằm sâu dưới ngưỡng 85%, như tại Techcombank là 78,5%, hay tại HDBank thậm chí chỉ gần 71%. Không gian tăng trưởng theo đó còn rộng lớn.

Cùng đó, những trường hợp như ACB hay HDBank, những kỳ cập nhật báo cáo tài chính gần đây đều cho thấy một cân đối nguồn thuận lợi, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn được giữ trong khoảng 20 - 25%, "tài nguyên" ở đây còn dồi dào để tạo lợi thế cho tăng trưởng.

Cũng theo cập nhật mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của các NHTM hiện đang phân hóa mạnh, chênh lệch lớn giữa các thành viên. Điều này có ảnh hưởng tới vai trò dẫn dắt tăng trưởng thời gian tới.

Cụ thể, tính đến 30/4/2024, CAR của khối NHTM nhà nước (theo Thông tư 41, Basel II) chỉ ở mức 9,87%, dù cao hơn mức quy định tối thiểu 8% nhưng bộ đệm ở đây không nhiều thuận lợi cho việc thúc đẩy tăng trưởng cao về tổng tài sản.

Trong khi đó, cũng theo dữ liệu thống kê Ngân hàng Nhà nước vừa cập nhật, tại 30/4/2024, khối NHTM cổ phần lại có tỷ lệ CAR theo Basel II vượt trội, đạt tới 12,06% bình quân những thành viên đã áp dụng Thông tư 41. Kỳ báo cáo tài chính quý I vừa qua cũng cho thấy CAR tại một số thành viên ở khối này đạt trên 13% tới hơn 15% như tại VPBank, Techcombank và HDBank.

Tại HDBank, tỷ lệ CAR cuối quý I/2024 tiếp tục tăng lên 13,8%, trong khi hiệu quả hoạt động vững vàng ở vị thế đầu ngành, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) từ hơn 24% trước đó tăng lên tới 26,7%. Hay tại Techcombank, CAR có thường giữ quanh 15% những kỳ cập nhật gần đây, tỷ lệ ROE suy giảm nhưng vẫn đạt khả quan với 15,6% và tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) vẫn đạt cao với 2,5%.

Như vậy có thể thấy, trên cơ sở các dữ liệu cập nhật ở những chỉ tiêu nền tảng trọng yếu nói trên, khối NHTM cổ phần với những thành viên hàng đầu như Techcombank, HDBank, VPBank, ACB... đều đang sở hữu không gian và động lực tăng trưởng lớn hơn so với khối NHTM nhà nước. Đây cũng chính là nhóm có điều kiện và tạo kỳ vọng sẽ dẫn dắt xu thế tăng trưởng chung trong nửa cuối năm 2024, sau khi đã cùng thể hiện các tốc độ tăng trưởng khá ấn tượng và toàn diện trong năm 2023, quý I/2024 và dự kiến sẽ tiếp tục là những điểm sáng trong mùa báo cáo tài chính quý II đang đến gần.

Thanh Hoa

Xem thêm tại vnbusiness.vn