Doanh nghiệp cảng biển đón vận hội mới

GMD: Hệ thống cảng nhiều triển vọng

Theo số liệu Bộ Công thương, trong 6 tháng cuối năm 2023, xuất khẩu hàng hoá đều đạt kim ngạch trên 30 tỷ USD/tháng, cao hơn mức bình quân 27,45 tỷ USD/tháng của 6 tháng đầu năm 2023, cho thấy những tín hiệu khởi sắc trong xuất khẩu và giúp rút ngắn đà suy giảm so với cùng kỳ năm trước.

Nhiều đơn vị nghiên cứu thị trường giữ quan điểm tích cực đối với tăng trưởng hoạt động thương mại của Việt Nam. Theo Công ty chứng khoán VNDirect, hoạt động xuất nhập khẩu sẽ tăng trưởng lần lượt 8% và 6% trong năm 2024 so với năm 2023.

Theo đó, trong năm 2023, sản lượng container thông qua cảng tại Việt Nam giảm 4,6% so với năm 202. Tuy nhiên, dự báo hoạt động thương mại phục hồi có thể sẽ hỗ trợ cho khả năng phục hồi của sản lượng container với mức tăng 4,5% trong năm 2024.

Đáng chú ý, giá xếp dỡ container sẽ tăng sau Tết Giáp Thìn 2024. Cụ thể, ngày 25/12/2023, Bộ Giao thông - Vận tải đã ban hành Thông tư 39/2023/TT-BGTVT về việc tăng giá sàn xếp dỡ container. Thông tư có hiệu lực từ ngày 15/2/2024.

Giá dịch vụ xếp dỡ container tại cảng biển đã được điều chỉnh tăng so với Thông tư 54/2018 tại một vài khu vực, đặc biệt là khu vực cảng nước sâu với mức tăng trung bình 10% kể từ ngày 15/2/2024.

Thông tư 39/2023 sẽ tăng giá sàn xếp dỡ container tại các cảng container thuộc khu vực loại I (Hải Phòng) và khu vực loại III (TP. HCM). Thêm vào đó, khung giá tại các cảng nước sâu (Lạch Huyện - Cái Mép) sẽ tăng khi tiếp nhận tàu có trọng tải lớn.

Có thể thấy, quy định mới mang đến nhiều thuận lợi cho các doanh nghiệp sở hữu hệ thống cảng container lớn. Trong đó, Công ty cổ phần Gemadept (mã GMD) được cho là hưởng lợi nhiều nhất do các dự án trọng điểm của Công ty đều thuộc khu vực được đề xuất tăng giá và có nhiều triển vọng như cảng Nam Đình Vũ (khu vực loại I) và Gemalink (khu vực cảng nước sâu). VNDirect dự phóng doanh thu khai thác cảng của Gemadept sẽ tăng 17% trong năm 2024 so với năm 2023.

Trong quý III/2023, Gemadept ghi nhận doanh thu 998 tỷ đồng. Trong đó, hoạt động khai thác cảng đóng vai trò mảng kinh doanh cốt lõi với 780 tỷ đồng, đóng góp 78% cho tổng doanh thu của Công ty. Lũy kế 9 tháng đầu năm, Gemadept ghi nhận doanh thu 2.812 tỷ đồng, giảm nhẹ 1% so với cùng kỳ năm trước, nhưng lợi nhuận sau thuế đạt 2.310 tỷ đồng, tăng tới 145%.

Sản lượng hàng qua các cảng Gemadept có xu hướng tăng đều qua các tháng trong năm 2023, cho dù có một số thời điểm thấp hơn cùng kỳ năm trước.

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), xu hướng phục hồi kinh doanh của Gemadept kỳ vọng tiếp tục duy trì trong thời gian tới bởi một số lý do. Thứ nhất, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam vẫn giữ được đà tăng cho dù chậm, động lực chính đến từ phục hồi nhu cầu tiêu dùng từ Mỹ và châu Âu trong năm 2024, kéo theo nhu cầu vận chuyển hàng hóa tăng (theo báo cáo của Công ty Vận tải toàn cầu Maersk), từ đó tác động tích cực lên những doanh nghiệp cảng biển như Gemadept.

Thứ hai, Gemadept liên tục có các tuyến tàu mới qua cảng, trong 3 quý đầu năm 2023 đã khai thác thêm tuyến dịch vụ TPA của Evergreen cập cảng Gemalink, tuyến Kaguya của MSC cập cảng Nam Đình Vũ...

Thứ ba, với những lợi thế nhất định đang ngày càng được củng cố như dẫn đầu xu hướng cảng xanh, logistics xanh và năng lực làm tàu lớn nhất tại Việt Nam với cảng nước sâu Gemalink (mới đây, Gemalink đã lập kỷ lục xếp dỡ cùng lúc 2 tàu lớn với tổng sản lượng xếp dỡ lên tới 30.000 TEU), Gemadept có thể tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút được nhiều đối tác mới.

Bên cạnh đó, mảng logistics của Gemadept kỳ vọng sẽ duy trì đà tăng trưởng cả về kết quả kinh doanh và lợi nhuận trong giai đoạn tới do ít chịu ảnh hưởng bởi giá cước vận tải giảm vì tỷ trọng doanh thu từ tàu tự vận hành thấp, các hợp đồng thuê tàu đã ký vẫn ổn định. Gemadept đang tập trung đẩy mạnh các hoạt động logistics có biên lợi nhuận gộp cao như kho bãi, khai thác kho lạnh (CJ Gemadept đầu tư nâng cấp hệ thống kho bãi, áp dụng mô hình quản lý Serial End-To-End tối ưu hóa hiệu quả hoạt động… và trong quý III/2023, CJ Gemadept đã trở thành đối tác chiến lược của 2 “ông lớn” ngành điện máy thế giới là Beko và Hitachi).

HAH: Mở rộng đội tàu

Một doanh nghiệp vận tải - cảng biển khác cũng được đánh giá tích cực là Công ty cổ phần Vận tải và Xếp dỡ Hải An (mã HAH). Đây là một trong số ít doanh nghiệp logistics tại Việt Nam có cả năng lực vận hành cảng biển và vận chuyển, giúp Công ty linh hoạt và hiệu quả hơn trong việc phục vụ khách hàng.

Hoạt động vận tải biển đóng vai trò động lực tăng trưởng chính của HAH trong những năm gần đây, với doanh thu thuần đóng góp bình quân khoảng 80%/năm. Tổng đội tàu container của Công ty là 11 tàu với sức chở gần 16.000 TEU, hiện đang phục vụ các tuyến vận tải chính của thị trường nội địa Việt Nam. Năm 2022, Công ty bắt đầu thâm nhập thị trường nội Á bằng các tuyến vận tải quan trọng như Hải Phòng - Khâm Châu hay Hải Phòng - Quảng Châu.

Đáng chú ý, việc mở rộng đội tàu vẫn đang diễn ra. HAH đã hạ thủy thành công tàu container HCY-265 tại nhà máy đóng tàu Huanghai vào ngày 23/7/2023. Tàu container vẫn tạm thời neo đậu ở đó cho đến đầu tháng 11/2023 và dự kiến bắt đầu hoạt động từ quý I/2024 với tên là Haian Alfa.

Tháng 11/2023, HAH đã sửa đổi kế hoạch năm 2023 để phát hành trái phiếu chuyển đổi 500 tỷ đồng (với yêu cầu thời gian nắm giữ 1 năm đối với nhà đầu tư tổ chức) để huy động một phần vốn cho 2 tàu mới: HCY-266 và HCY-268.

Về vận hành cảng biển, HAH đang vận hành cảng Hải An tại TP. Hải Phòng, nhưng mảng này hiện chỉ đóng góp gần 7% vào tổng doanh thu. Cảng Hải An hoạt động chủ yếu để hỗ trợ đội tàu của Công ty.

Tuy nhiên, trong tháng 12/2023, HAH đã mua 4.638.600 cổ phiếu, tương đương 51,5% vốn của Công ty cổ phần Dịch vụ cảng Lưu Nguyễn Cái Mép, giá trị thương vụ là 124,4 tỷ đồng, qua đó đưa Công ty Lưu Nguyễn Cái Mép trở thành công ty con của HAH. Đây là bước tiến mới trong việc mở rộng dịch vụ logistics và cảng biển tại khu vực Cái Mép - Thị Vải.

Theo kết quả kinh doanh mới nhất được công bố, 9 tháng đầu năm 2023, doanh thu của HAH giảm 17,5% so với cùng kỳ năm trước do hoạt động vận tải giảm 21,5% và khai thác cảng giảm 11,6% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, có nhiều lý do để nhà đầu tư đặt kỳ vọng vào doanh nghiệp đầu ngành vận tải - cảng biển này.

Ngoài hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trên đà phục hồi, HAH còn được hưởng lợi từ việc Trung Quốc nới rộng chính sách tài khóa trong năm 2024, giúp tuyến nội Á của HAH trở nên sôi động hơn. HAH có 2 tàu - tương đương với 20% công suất đội tàu, đang hoạt động trên tuyến nội Á hàng tuần. Tuyến vận tải này được hưởng lợi trong bối cảnh khả quan của hoạt động xuất khẩu Việt Nam sang Trung Quốc, với mức tăng 6,2% trong 11 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm trước, lên mức 57 tỷ USD .

Với việc mở rộng đội tàu, tổng cộng đội tàu của HAH sẽ đạt công suất 21.300 TEU vào cuối năm 2024, tăng 33,8% so với hiện tại.

Xem thêm tại www.tinnhanhchungkhoan.vn