Doanh nghiệp đau đầu gọi “vốn xanh”
Doanh nghiệp, nhất là ngành dệt may, rất mong được ưu đãi tín dụng để đầu tư sản xuất xanh. Ảnh: Đức Thanh |
Đói nguồn vốn rẻ để xanh hóa
Ông Trần Như Tùng, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công cho hay, hiện nay, các khách hàng nhập khẩu có xu hướng yêu cầu hàng hóa xanh, sạch hơn, trong khi giá nhập khẩu lại không tăng.
“Đây là áp lực kép đối với doanh nghiệp xuất khẩu ngành dệt may. Chúng tôi buộc phải đầu tư nhà máy xanh, sạch và chịu áp lực rất lớn về tiêu chuẩn ESG (môi trường - xã hội - quản trị), điện mặt trời, giảm phát thải, sử dụng nguyên liệu tái chế… để đáp ứng yêu cầu của các nhà mua hàng ở châu Âu hiện nay và Hàn Quốc, Mỹ... trong thời gian tới. Chi phí đầu tư cho giảm tác động môi trường rất cao, biên lợi nhuận của doanh nghiệp dệt may thấp, nên rất mong các tổ chức tín dụng có những gói lãi suất ưu đãi cho doanh nghiệp vay đầu tư xanh hóa”, ông Tùng kiến nghị.
Trong khi đó, ông Đặng Quốc Hùng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thủ công mỹ nghệ gỗ Liên Minh cũng cho rằng, nếu không có sự hỗ trợ từ Chính phủ và ngành ngân hàng trong chuyển đổi xanh, đầu tư công nghệ xanh, thì các doanh nghiệp Việt sẽ đứng trước nguy cơ mất thị trường, bởi hiện nay, sự cạnh tranh giữa các nước xuất khẩu rất gay gắt.
Theo ước tính của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), nhu cầu vốn để chuyển đổi xanh của Việt Nam rất lớn, khoảng 20 tỷ USD mỗi năm. Trong đó, tín dụng đóng vai trò quan trọng nhất. Tuy nhiên, tín dụng xanh của nước ta còn nhỏ bé.
Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho biết, bình quân 7 năm qua (2017-2023), tín dụng xanh tăng 22%/năm, nhưng mới đạt gần 621.000 tỷ đồng, chỉ chiếm 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế, tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm tỷ trọng gần 45%) và nông nghiệp xanh (gần 30%).
Đặc biệt, theo phản ánh của các doanh nghiệp, mặc dù lãi suất cho vay với tín dụng xanh khá ưu đãi so với mặt bằng chung thị trường, song vẫn khá cao so với khả năng chịu đựng của doanh nghiệp, bởi đầu tư chuyển đổi công nghệ xanh cần chi phí lớn, thời gian thu hồi vốn dài.
Ngân hàng cũng khó
Trong khi doanh nghiệp phàn nàn thiếu nguồn vốn ưu đãi, thì ngân hàng cũng gặp khó trong thúc đẩy tín dụng xanh. Bà Phùng Thị Bình, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) cho rằng, triển khai thành công chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và bền vững cần sự tham gia đồng bộ của tất cả các ban ngành, từ Trung ương đến địa phương, nếu chỉ một mình hệ thống ngân hàng tham gia thì không khác gì vỗ tay bằng một bàn tay.
Theo các ngân hàng thương mại, thời gian qua, các ngân hàng rất tích cực huy động nguồn vốn ưu đãi từ quốc tế để tài trợ vốn cho các dự án xanh. Dù vậy, muốn lãi vay tín dụng xanh thấp như kỳ vọng của doanh nghiệp (3-4%/năm), cần có thêm sự hỗ trợ của Chính phủ. Ngoài ra, thúc đẩy tín dụng xanh cũng cần sự đổi mới về cơ chế, hành lang pháp lý, cũng như các giải pháp thúc đẩy phát triển thị trường carbon.
Bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho hay, một trong những khó khăn lớn nhất của ngành ngân hàng hiện nay trong thúc đẩy tín dụng xanh là chưa có danh mục phân loại xanh quốc gia. Điều này làm khó các ngân hàng xác định định mức, quy mô đầu tư, xây dựng và triển khai các chính sách, sản phẩm, dịch vụ ngân hàng phù hợp.
Các chuyên gia nhận định, sở dĩ số lượng dự án xanh của Việt Nam còn khiêm tốn là do các chính sách khuyến khích kinh tế xanh chưa đủ hấp dẫn để tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển dự án. Phía ngân hàng cũng còn ngại cho vay dự án xanh do quy mô lớn, thời hạn cho vay dài, có thể gặp rủi ro chính sách (ví dụ cho vay năng lượng tái tạo thời gian qua), thiếu kinh nghiệm thẩm định và phê duyệt dự án xanh…. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng chưa có cơ chế khuyến khích các ngân hàng cho vay lĩnh vực này.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, các dự án xanh cần vốn dài hạn. Vì vậy, nên khuyến khích doanh nghiệp phát hành trái phiếu xanh, thay vì chỉ dựa vào tín dụng ngân hàng.
Riêng về tín dụng xanh, Ngân hàng Nhà nước đang cùng các bộ, ngành nhận diện thực trạng, khó khăn để xây dựng chính sách, làm sao để ngân hàng và doanh nghiệp hiểu rõ về tín dụng xanh và có cơ chế, hành lang pháp lý rõ ràng, nhằm thúc đẩy lĩnh vực này.
Xem thêm tại baodautu.vn