“Xanh hóa”, con đường tất yếu

Không thể đứng ngoài cuộc

Thúc đẩy tăng trưởng xanh, thông qua chuyển đổi số sẽ mang đến cho Việt Nam cơ hội đặc biệt để đạt được sự phát triển bền vững, nâng cao năng suất lao động và cải thiện chất lượng cuộc sống người dân.

Trong ngành dệt may, PGS.TS. Nông Ngọc Duy, Viện Nghiên cứu quốc gia của Úc (CSIRO, Trường Đại học Griffith) nhận định, yêu cầu ngày càng cao của thị trường xuất khẩu về sản xuất xanh và trách nhiệm xã hội đang đặt ra vấn đề cần phải giải quyết của ngành dệt may Việt Nam hiện nay. Ngành dệt may Việt Nam đang đứng trước 5 xu hướng lớn, đó là tính bền vững và thời trang tuần hoàn, số hoá, công nghiệp 4.0, vật liệu tiên tiến và biến động thương mại.

Để tăng năng suất lao động và hiệu quả chuỗi cung ứng trong bối cảnh biến động toàn cầu, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần đầu tư vào công nghệ tiến tiến và tự động hoá, tăng cường quản lý chuỗi cung ứng qua các hệ thống kỹ thuật số và phân tích dữ liệu để dự báo nhu cầu và tối ưu hoá sản xuất; đồng thời, đào tạo kỹ năng cho lao động, nhất là trong các quy trình công nghệ và kỹ thuật số.

Để hài hoà yêu cầu xanh hoá với hiệu quả kinh tế, theo ông Nông Ngọc Duy, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam có thể đầu tư vào công nghệ tiết kiệm năng lượng và tái sử dụng nước; đồng thời, triển khai các hệ thống quản lý chất lượng môi trường để giảm chi phí liên quan đến xử lý nước thải và năng lượng; áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn như sử dụng nguyên liệu tái chế và tái chế sản phẩm cũng là giải pháp tiềm năng.

Công ty cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (mã TCM) là một trong những doanh nghiệp đi đầu về tích hợp các tiêu chuẩn phát triển bền vững (ESG) vào hoạt động trong ngành dệt may. Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển kinh doanh (R&BD) ra đời nhằm phát triển vải thân thiện với môi trường, vải tái chế. Ngoài ra, Công ty còn lắp đặt hệ thống điện mặt trời tại các nhà xưởng, hay sử dụng mô hình xử lý nước thải thông qua hệ thống tuần hoàn nước. TCM đã và đang có kế hoạch thay đổi chất đốt lò hơi từ than đá sang nguyên liệu sinh khối Bio-mass, hoặc sử dụng các nồi hơi điện thay thế các lò hơi công suất thấp để giảm khí thải CO2 ra môi trường tại một số nhà máy.

ESG là viết tắt của Environmental (Môi trường), Social (Xã hội) và Governance (Quản trị doanh nghiệp). Đây là các bộ tiêu chuẩn đo lường các yếu tố liên quan đến phát triển bền vững cũng như tác động của doanh nghiệp đối với cộng đồng và môi trường. Thực thi ESG sẽ đem lại cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam khi đây đang là xu thế tất yếu của nền kinh tế toàn cầu. Thậm chí, như bà Trần Thị Thuý Ngọc, Phó tổng giám đốc Deloitte Việt Nam nhấn mạnh, “doanh nghiệp Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc chơi ESG”.

Việt Nam đang đứng trước cơ hội tăng cường hợp tác quốc tế với các quốc gia Đông Nam Á và các nước đang phát triển về các vấn đề thích ứng với biến đổi khí hậu và chuyển đổi năng lượng. Nếu không tích cực tham gia các cuộc đàm phán và đặt mục tiêu khí hậu quốc gia rõ ràng, Việt Nam có thể bị bỏ lại phía sau về tài chính khí hậu và quan hệ đối tác. Trong bối cảnh như vậy, doanh nghiệp cần xác định các mục tiêu phát triển bền vững, đưa nội dung phát triển bền vững vào chiến lược phát triển của doanh nghiệp để có sự cam kết cao nhất từ ban lãnh đạo đến nhân viên.

Giúp nâng cao năng lực cạnh tranh

Thực tế cho thấy, nếu doanh nghiệp không chuyển đổi xanh, chuyển đổi số sẽ bị giảm năng lực cạnh tranh tại thị trường quốc tế. Bà Đỗ Lê Thu Ngọc, Trưởng phòng Phát triển bao trùm, UNDP tại Việt Nam cho hay, các thị trường đang phát triển cơ chế các-bon là áp lực lớn cho doanh nghiệp khi xuất khẩu. Theo đó, doanh nghiệp phải đáp ứng các yêu cầu về báo cáo phát triển bền vững, tác động xã hội, môi trường. Nếu doanh nghiệp không thay đổi sẽ không thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ông Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, nếu doanh nghiệp chuyển đổi chậm, chi phí cho chuyển đổi số, chuyển đổi xanh càng cao hơn, đồng nghĩa với việc giảm năng lực cạnh tranh. Trong các hoạt động phát thải lớn, đứng đầu là lĩnh vực sản xuất lương thực, thứ hai là giao thông, thứ ba là xây dựng, thứ tư là dệt may, tất cả đều liên quan đến năng lượng. Đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, Việt Nam sẽ tăng sức hút với dòng vốn đầu tư nước ngoài, đón được “đại bàng” về “làm tổ”.

Khi thực hiện chuyển đổi xanh, các doanh nghiệp thường không đặt mục tiêu sẽ dẫn đầu xu thế, mà đây là một bài toán về đầu tư, tối ưu hóa nguồn lực. Bà Lê Thị Hoài Thương, Quản lý đối ngoại cấp cao, Nestlé Việt Nam cho biết, với một công ty thực phẩm, nguồn nguyên liệu từ nông nghiệp đóng vai trò rất quan trọng và cho đến nay, nhiều quốc gia quy định thêm các tiêu chí về môi trường, phát thải. Nestlé Việt Nam không chỉ thu mua nguyên liệu để sản xuất trong nước, mà còn xuất khẩu sang các thị trường lớn như châu Âu, nên nếu không chuẩn bị sớm về chuyển đổi xanh thì hoạt động kinh doanh sẽ dễ bị đứt gãy khi các quy định quốc tế được áp dụng.

TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh nhấn mạnh, Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển theo hướng xanh hoá. Đổi mới sáng tạo là cơ hội không thể bỏ lỡ để Việt Nam bứt phá, thực hiện khát vọng hùng cường. Doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động bắt nhịp xu thế chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Theo ông Arghya Mandal, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sữa TH, để đạt được mục tiêu Net Zero, với nền kinh tế phát thải thấp, phát triển bền vững thì hoạt động của các doanh nghiệp và các nhà sản xuất đóng vai trò quan trọng.

Hiện nay, doanh nghiệp lớn có khả năng tiếp cận thích ứng nhanh hơn, có nhận thức chuyển thành hành động nhanh hơn, trong khi các doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ chưa quan tâm nhiều đến vấn đề này. Để doanh nghiệp chuyển đổi xanh, thúc đẩy tăng trưởng thông qua chuyển đổi số, truyền thông cần đi sớm, doanh nghiệp đủ nhận thức và hành động thực tế.

Nhiều tổ chức quốc tế đánh giá kinh tế Việt Nam là điểm sáng trong khu vực, thể hiện khả năng phục hồi và tăng trưởng thông qua các quan hệ đối tác chiến lược và cam kết phát triển bền vững trên toàn cầu.

Xem thêm tại tinnhanhchungkhoan.vn