Doanh nghiệp niêm yết đón sức cầu hồi phục

Mở rộng năng lực sản xuất

Theo dự báo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2024 là 6%, năm 2025 sẽ ở mức 6,2%. Trong đó, các chuyên gia cho rằng, mặt bằng lãi suất của nước phát triển đã chạm đỉnh, đang trên đà giảm là cơ sở cho sự phục hồi kinh tế thế giới nói chung và nền kinh tế Việt Nam nói riêng về thu hút vốn đầu tư và gia tăng hoạt động xuất khẩu.

Tại CTCP Thép Nam Kim (mã NKG), theo kế hoạch ban đầu, Công ty sẽ xây dựng Nhà máy Thép Tấm lợp Nam Kim Phú Mỹ với công suất 1,2 triệu tấn/năm (công suất hiện tại 1 triệu tấn/năm) vào quý IV/2022 nhưng đã tạm dừng triển khai do lo ngại liên quan tới việc tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, trong năm 2024, Thép Nam Kim đã quay trở lại kế hoạch triển khai dự án bằng nhiều giai đoạn, dự kiến hoàn thành nâng công suất thêm 1,2 triệu tấn/năm vào năm 2027.

Để có thể bổ sung vốn đầu tư dự án này, Thép Nam Kim dự kiến chào bán 131,6 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, huy động 1.579,7 tỷ đồng. Trong đó, toàn bộ số tiền thu được từ đợt chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu sẽ dùng để góp vốn vào Công ty TNHH Tôn Nam Kim Phú Mỹ để đầu tư dự án Nhà máy Thép Tấm lợp Nam Kim Phú Mỹ.

Ông Hồ Minh Quang, Chủ tịch Thép Nam Kim nhấn mạnh, “năm 2024 sẽ là năm bản lề để Thép Nam Kim tiến sâu hơn nữa vào chuỗi giá trị ngành tôn mạ khi mà Công ty quyết định đầu tư dự án Nhà máy Thép Tấm lợp Nam Kim Phú Mỹ có tổng vốn đầu tư 4.500 tỷ đồng”.

Được biết, trong lĩnh vực tôn mạ mà Thép Nam Kim đang hoạt động, sức tiêu thụ có hồi phục so với đáy năm 2023 nhưng vẫn có tốc độ chậm. Trong đó, thị trường trong nước đang chịu ảnh hưởng bởi sức tiêu thụ yếu liên quan tới lĩnh vực bất động sản chưa thực sự hồi phục, đồng thời áp lực cạnh tranh từ các quốc gia lớn như Trung Quốc.

Thực tế, việc mở rộng nhà máy của Thép Nam Kim không đơn thuần là mở rộng công suất mà còn là tăng chiều sâu sản phẩm, lấn sân thêm mảng thép mạ cao cấp sử dụng trong các thiết bị điện gia dụng, đòi hỏi kỹ thuật sản xuất cao hơn so với sản phẩm tôn mạ hiện nay của Thép Nam Kim.

Tương tự, tại đại hội cổ đông năm 2024 của CTCP Tôn Đông Á (mã GDA), đơn vị này cũng thông tin về việc tiếp tục triển khai kế hoạch đầu tư nhà máy thép lá mạ với công suất 1,2 triệu tấn/năm, nâng tổng công suất toàn hệ thống lên 2 triệu tấn/năm, triển khai đầu tư trong vòng 6 đến 8 năm kể từ khi đầu tư. Trong đó, sản phẩm cuối cùng là thép lá mạ cung ứng cho ngành xây dựng, thiết bị gia dụng, ô tô.

Thực tế, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, Ban lãnh đạo Thép Nam Kim và Tôn Đông Á đều kỳ vọng về sự phục hồi nhu cầu ngành tôn thép theo cùng với sự phục hồi kinh tế và quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng của ngành bất động sản. Tuy nhiên, đó không phải lý do duy nhất, các doanh nghiệp còn chia sẻ về tham vọng tiến sâu hơn vào chuỗi giá trị ngành, cung cấp sản phẩm chất lượng cao phục vụ thị trường thiết bị gia dụng, ô tô, thay vì trước đây chỉ đơn thuần là xây dựng. Điều này cũng trùng với tham vọng của ông lớn Thép Hòa Phát khi doanh nghiệp này đang hướng tới sản xuất các loại thép chất lượng cao để gia tăng chuỗi giá trị sản xuất.

Có thể thấy, áp lực cạnh tranh vẫn còn hiện hữu giữa nhóm doanh nghiệp thép nói chung và tôn mạ nói riêng. Tuy nhiên, để tăng chiều sâu và lợi thế cạnh tranh dài hạn, các doanh nghiệp đều muốn đầu tư để tăng giá trị sản phẩm cuối cùng.

Doanh nghiệp cảng biển mở rộng cảng và đầu tư tàu mới

Bên cạnh lĩnh vực thép, lĩnh vực cảng/vận tải cũng đang chứng kiến động thái mở rộng đầu tư của các doanh nghiệp. Trong đó, theo số liệu thống kê của Cục Hàng hải Việt Nam, tổng lượng hàng hoá thông qua cảng biển Việt Nam liên tục tăng, năm 2021 là 706,1 triệu tấn, năm 2022 là 733,2 triệu tấn, năm 2023 là 756,8 triệu tấn và 5 tháng đầu năm 2024 tiếp tục tăng 17%, lên 346,5 triệu tấn.

Việc lưu lượng hàng hoá qua cảng tiếp tục duy trì tăng, đồng thời các cảng hiện hữu có tỷ lệ lấp đầy cao và khả năng không đáp ứng nhu cầu, các doanh nghiệp cảng biển đang có kế hoạch mở rộng cảng hoặc M&A cảng để dự phòng lượng hàng tăng thêm khi các cảng hiện hữu lấp đầy.

Trong đó, năm 2023, CTCP Container Việt Nam (Viconship, mã VSC) đã chi khoảng 998 tỷ đồng để sở hữu 35% vốn tại tại Công ty TNHH Cảng Nam Hải Đình Vũ, đơn vị sở hữu Cảng Nam Hải Đình Vũ.

Tháng 7/2024, Viconship tiếp tục nâng sở hữu lên gần 100% vốn tại Công ty TNHH Cảng Nam Hải Đình Vũ và chính thức thâu tóm xong Cảng Nam Hải Đình Vũ (đầu năm sở hữu 35% vốn).

Trái với việc mở rộng hoạt động đầu tư cảng, Viconship đã thông qua kế hoạch thoái vốn khỏi dự án Khách sạn Hyatt Place Hải Phòng (dự án triển khai trên diện tích 2.000 m2, tổng vốn đầu tư 1.422,6 tỷ đồng) để tập trung nguồn lực cho những mảng kinh doanh cốt lõi, giảm gánh nặng tài chính.

Thêm nữa, theo đánh giá của Bộ phận Phân tích, Công ty Chứng khoán Mirae Asset, chiến lược M&A sẽ khiến cho phí phí tài chính của Viconship duy trì ở mức cao, khoảng 205 tỷ đồng trong năm 2024 (năm 2023, chi phí lãi vay của Công ty là 170,4 tỷ đồng, so với năm 2022 là 1,1 tỷ đồng).

Ngoài ra, Công ty Chứng khoán BSC cũng chia sẻ quan điểm kinh tế tăng trưởng chậm lại khiến việc liên thông hàng hoá xuất nhập khẩu giảm sút, ngoài ra rủi ro địa chính trị ở nhiều khu vực cũng khiến cho nhu cầu vận tải hàng hoá bị ảnh hưởng có thể giảm tiềm năng ngành vận tải biển nói chung và cảng biển nói riêng trong bối cảnh Viconship đang mở rộng cảng thông qua hoạt động M&A.

Tương tự, tại đại hội cổ đông năm 2024, ông Nguyễn Thanh Bình, Tổng giám đốc CTCP Gemadept (mã GMD) cho biết, hiện tại, giai đoạn 1 và 2 của cảng Nam Đình Vũ đã đạt 90% công suất và giai đoạn 1 dự án cảng Gemalink cũng sẽ đạt 90% công suất vào cuối năm 2024. Vì vậy, Công ty quyết định đầu tư dự án cảng Nam Đình Vũ - giai đoạn 3 (tổng vốn đầu từ 2.800 tỷ đồng) và dự án cảng nước sâu Gemalink - giai đoạn 2A (tổng vốn đầu tư 150 triệu USD) để đáp ứng nhu cầu trước khi công suất tại các cảng lấp đầy.

Được biết, Gemadept lên kế hoạch đầu tư tới năm 2025 với tổng giá trị đầu tư là 10.000 tỷ đồng. Trong đó, dự án cảng Nam Đình Vũ giai đoạn 3 dự kiến đầu tư từ quý II/2024 đến quý IV/2025, công suất 650.000 TEU/năm, nâng tổng công suất 3 giai đoạn là 1,75 triệu TEU/năm; dự án cảng nước sâu Gemalink – giai đoạn 2A dự kiến triển khai từ quý IV/2024 đến quý IV/2025 với công suất 600.000 TEU/năm, nâng tổng công suất toàn dự án lên 2,1 triệu TEU/năm.

Ngoài ra, tại đại hội cổ đông năm 2024 của CTCP Vận tải và Xếp dỡ Hải An (mã HAH), theo kế hoạch mở rộng đội tàu, Công ty lên kế hoạch nhận thêm 2 tàu mới đóng loại 1.800 TEU và tìm mua tàu cũ thích hợp khi có cơ hội trong năm 2024. Trong đó, tháng 7/2024, Hải An tiếp tục nhận bàn giao thêm tàu Haian Opus, nâng đội tàu lên 15 chiếc với sức chở hơn 23.000 TEU (cuối năm 2022 sở hữu 11 tàu với tổng sức chở gần 16.000 TEU).

Như vậy trong vòng gần 2 năm trở lại đây, Hải An liên tục mở rộng đội tàu trong bối cảnh giá cước vận tải tăng cao, duy trì ở mức cao, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư mở rộng công suất vận tải.

Xem thêm tại tinnhanhchungkhoan.vn