Giá vàng miếng SJC lại vượt mốc 90 triệu đồng/lượng

Giá vàng trong nước tiếp tục tăng ngay sáng 28/5. Đến cuối phiên sáng, tại Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC), vàng miếng SJC hiện giao dịch ở mức 88,5 triệu đồng/lượng (mua vào) và 90,5 triệu đồng/lượng (bán ra), tăng 600.000 đồng mỗi lượng ở cả hai chiều. Hầu hết các cửa hàng vàng khác cũng đang thu mua vàng miếng SJC quanh vùng giá 88,3 - 88,5 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, với mức chênh lệch chỉ 1,55-1,7 triệu đồng/lượng, hầu hết các hãng vàng đều bán ra với giá thấp hơn tại SJC, nhưng vẫn vượt 90 triệu đồng/lượng.

Trong khi đó, giá vàng nhẫn cũng tăng nhưng chỉ nhích nhẹ. Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) tăng thêm 150.000 đồng mỗi lượng vàng, lên mức 75 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và 76,6 triệu đồng/lượng chiều bán ra. Vàng nhẫn tròn trơn của Bảo Tín Minh Châu cũng tăng thêm gần 200.000 đồng/lượng. Giá bán ra tiến sát mốc 77 triệu đồng/lượng.

Khoảng cách giữa giá vàng miếng SJC và giá vàng thế giới quy đổi hiện vẫn quanh 17 triệu đồng/lượng. Giá vàng giao ngay giao dịch tại 2.337 USD/ounce. Tuy nhiên, giá vàng tương lai giao tháng 6/2024 trên sàn Comex New York tăng khá (hơn 17,6 USD/ounce), lên 2.352 USD/ounce.

Giá vàng miếng SJC cuối phiên sáng 28/5. Nguồn: Giavang

Nhằm can thiệp kịp thời, xử lý ngay và luôn tình trạng giá vàng miếng trong nước và giá vàng thế giới chênh lệch ở mức cao theo định hướng của Chính phủ, nhiều biện pháp đã được thực hiện trong thời gian qua, bao gồm đấu thầu vàng. Tuy nhiên, trong thông báo phát ra chiều tối qua, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ “đổi chiến thuật” điều hành thị trường vàng từ tuần tới.

Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước dừng đấu thầu bán vàng miếng và sẽ triển khai phương án bình ổn thay thế trong thời gian sớm nhất, dự kiến bắt đầu từ ngày 3/6/2024. Phương thức cụ thể chưa được nêu rõ nhưng mục đích sẽ vẫn nhằm xử lý tình trạng chênh lệch cao giữa giá vàng miếng SJC trong nước và giá thế giới.

Kể từ khi bắt đầu triển khai đấu thầu bán vàng miếng từ tuần cuối tháng 4/2024, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức tổng cộng 9 phiên đấu thầu. Trong đó, 6 phiên đấu thầu thành công với tổng khối lượng trúng thầu là 48.700 lượng, 3 phiên còn lại không thành công do không có đủ số lượng thành viên đặt cọc và bỏ thầu. Phiên đấu thầu gần nhất vào ngày 23/5 có tổng khối lượng trúng thầu cao nhất, lên tới 13.400 lượng vàng, tương đương gần 80% lượng vàng đấu thầu trong phiên (16.800 lượng vàng).

Dù vậy, chênh lệch so với giá vàng thế giới quy đổi vẫn vẫn rất lớn, có thời điểm nới rộng ra gần 20 triệu đồng/lượng, cho thấy việc thực hiện đấu thầu vàng chưa đem lại kết quả. Theo ý kiến chuyên gia từ Công ty Chứng khoán SSI, trong điều kiện nguồn cung bị hạn chế (Nghị định 24/2012/NĐ-CP chưa được sửa đổi và việc tăng nhập khẩu vàng cũng sẽ ảnh hưởng lớn tới tỷ giá), việc xử lý yếu tố đầu cơ cần phải được thực hiện mạnh mẽ, trong đó có thể cần đưa ra một mức mục tiêu cụ thể đối với mức độ chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới. 

Cùng với hoạt động đấu thầu vàng, Ngân hàng Nhà nước thời gian gần đây vẫn đang thực hiệp nghiệp vụ bán can thiệp nhằm đáp ứng nhu cầu về ngoại tệ từ phía các ngân hàng thương mại với khối lượng tương đối lớn. Cơ chế tỷ giá trung tâm với mức trần tối đa +5% vẫn đang là công cụ ghìm chân đà tăng của tỷ giá tại các ngân hàng thương mại. Hầu hết nhà băng đều yết tỷ giá bán ra cao kịch trần.

Ngân hàng Nhà nước sáng nay 28/5 công bố tỷ giá trung tâm ở mức 24.256 VND/USD, giảm 12 đồng so với phiên trước, đánh dấu phiên điều chỉnh đầu tiên sau chuỗi tăng 6 phiên liên tiếpa. Chỉ số US Dollar Index (DXY) đo sức mạnh của đồng bạc xanh với rổ 6 tiền tệ mạnh sau một thời neo khá sát quanh mốc 105 điểm đã giảm còn 104,4 điểm.

Với biên độ +/-5% theo quy định, tỷ giá trần hiện còn 25.468,8 VND/USD. Tại Vietcombank, tỷ giá đang yết ở mức 25.268 VND/USD (mua chuyển khoản) và 25.468 VND/USD, giảm 13 VND/USD so với cuối tuần trước. Khảo sát một số cửa hàng, giá USD trên thị trường tự do nhích lên, đang được thu mua ở mức 25.760 đồng trong khi bán ra khoảng 25.840 đồng.

Xem thêm tại baodautu.vn