Tuần qua, TTCK chứng kiến 2 sự kiện là ngày đáo hạn phái sinh VN30 và cơ cấu quỹ ETF cuối quý 2. Mặc dù chỉ số chung không có nhiều biến động nhưng sự phân hóa lại khá cao giữa các nhóm ngành. VN-Index đóng cửa cuối tuần ở mức 1282,02 điểm. Ông/bà có góc nhìn như thế nào về xu hướng thị trường trong tuần tới?
Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường, CTCK MBS
Tuần vừa qua, chỉ số VN-Index chỉ tăng nhẹ 2,11 điểm, chốt tuần trên ngưỡng 1.282 điểm với diễn biến đi ngang trong biên độ hẹp, thanh khoản duy trì trên ngưỡng tỷ USD (26.300 tỷ đồng/phiên) được xem là tín hiệu tích cực.
Chỉ số có thể bị “nhiễu” từ hoạt động cơ cấu danh mục của các quỹ ETF, phái sinh đáo hạn… tuy vậy, mặt bằng cổ phiếu vẫn tích cực, đà tăng tập trung ở nhóm cổ phiếu vừa vừa nhỏ, đặc biệt là cổ phiếu ở UPCoM (UPCoM -Index tăng tới 2,6%, lấy lại ngưỡng 100 điểm sau 2 năm). Điều đó cho thấy, dòng tiền nội vẫn được duy trì ở mức cao, hấp thụ tốt lượng cổ phiếu bán ròng từ khối ngoại và cơ hội tập trung ở nhóm cổ phiếu nhỏ, hoặc nhóm cổ phiếu mang tính đầu cơ cao trên UPCoM.
Về xu hướng thị trường trong tuần tới, tôi cho rằng sẽ là một tuần tích cực, tuần vừa qua thị trường cũng đã nhiều lần kiểm định ngưỡng hỗ trợ 1.270 điểm, sau đó bật tăng trở lại. Dữ liệu vĩ mô tháng 6 cũng như quý 2 cho đến hoạt động chốt NAV cho kỳ bán niên có thể là các yếu tố hỗ trợ thị trường đi lên trong tuần tới.
Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh, Giám đốc điều hành Khối Môi giới trong nước, CTCK VietCap
Quan điểm kỹ thuật: Dự báo trong những phiên tới, việc VN-Index chưa vượt thành công kháng cự MA10 có thể khiến chỉ số giảm để kiểm định lại các hỗ trợ là đường MA20 tại 1.280 điểm và đáy gần nhất tại 1.274 điểm.
Nếu lực bán gia tăng mạnh hơn khiến chỉ số vi phạm hỗ trợ nói trên, VN-Index sẽ kéo dài nhịp điều chỉnh xuống vùng hỗ trợ trung hạn tại 1.255-1.260 điểm. Ngược lại, nếu kháng cự MA10 tại 1.287 điểm sớm được chinh phục, tín hiệu ngắn hạn của chỉ số sẽ được cải thiện.
Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh |
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)
Thị trường đã trụ khá vững vàng sau hai phiên đáo hạn phái sinh và cơ cấu quỹ ETF vừa qua cho thấy dòng tiền nâng đỡ thị trường khá tốt. Hỗ trợ mạnh bên dưới hiện tại quanh 1.255 điểm, tuy nhiên khả năng thị trường rơi về ngưỡng này khá thấp và trong kịch bản nếu có rung lắc vì vùng tích luỹ thị trường có thể nằm quanh 1.270 nơi lực mua sẽ gia tăng mạnh mẽ bất chấp lực bán ròng khối ngoại liên tục trong mấy tháng qua.
Tuần tới, thị trường chưa có nhiều thông tin mới hấp dẫn tuy nhiên nhà đầu tư đã hướng đến mùa báo cáo bán niên, vì vậy khả năng dòng tiền sẽ gia tăng tích luỹ ở một số dòng cổ phiếu đặc biệt. Chỉ số VN-Index có thể không biến động quá nhiều nhưng xu hướng chung sẽ tích cực hơn tuần trước đó.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, CTCK Yuanta Việt Nam
Tôi cho rằng thị trường có thể sẽ tiếp tục đi ngang trong tuần giao dịch tới với thanh khoản vẫn duy trì ở mức thấp và thị trường có thể sẽ tiếp tục phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu.
Bức tranh lợi nhuận quý II/2024 của DNNY được dự báo sẽ tiếp tục duy trì được đà tăng và cũng là một trong những yếu tố “trợ lực” cho TTCK trong giai đoạn này. Nhóm DN nào được kỳ vọng và nhóm có nhiều mảng sáng trong bức tranh quý II/2024, theo các ông/bà?
Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường, CTCK MBS
Tôi cho rằng các nhóm cổ phiếu như: Bán lẻ, Vật liệu xây dựng, Logistics, Công nghệ/viễn thông… sẽ có kết quả kinh doanh quý II hết sức tích cực.
Bên cạnh đó, có thể kể đến nhóm cổ phiếu chứng khoán (thanh khoản quý II cao hơn quý I khoảng 4%, đạt mức bình quân gần 26.000 tỷ đồng/phiên) hay nhóm sản xuất điện, ngân hàng…
Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh, Giám đốc điều hành Khối Môi giới trong nước, CTCK VietCap
Nhóm cổ phiếu được kỳ vọng là nhóm có kết quả kinh doanh tốt, chia cổ tức cao hoặc cổ phiếu thuộc nhóm ngành được hưởng lợi như ngành hàng không với lượng khách nội địa và quốc tế tăng mạnh vượt mức trước đại dịch, ngành phân bón được hưởng lợi từ chính sách hạn chế xuất khẩu của Trung Quốc và Nga, chính sách thuế VAT sẽ điều chỉnh; ngành điện với giá điện tăng, nhu cầu tăng trưởng cao; ngành logistics với giá cước tăng và nhu cầu vận chuyển hàng xuất khẩu tăng.
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)
Ông Nguyễn Hồng Khanh |
Một số nhóm doanh nghiệp đã rơi mạnh trong năm qua dự kiến có lợi nhuận khá trong quý II nối tiếp đà lợi nhuận quý I có thể kể đến nhóm hàng không, thép, công nghệ, dệt may, chứng khoán. Một số nhóm ngành khác cũng kỳ vọng có lợi nhuận đột phá trong quý này như vận tải biển, dầu khí, bán lẻ nhờ lợi thế của ngành và sự phục hồi chung của nền kinh tế.
Nhìn chung, hoạt động của doanh nghiệp trên sàn đặc biệt là ở các nhóm ngành lớn sẽ có nhiều điểm sáng hơn so với năm trước.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, CTCK Yuanta Việt Nam
Tôi cho rằng kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp có thể sẽ có bức tranh tích cực hơn, đặc biệt là ở nhóm phi tài chính như nhóm dịch vụ dầu khí, công nghệ, sản xuất thực phẩm, hóa chất, bán lẻ và vận tải.
Đồng thời, trong nhóm tài chính, tôi vẫn tiếp tục kỳ vọng nhóm chứng khoán sẽ tiếp tục tăng trưởng so với cùng kỳ. Trong khi đó, nhóm bất động sản khu công nghiệp được kỳ vọng tăng trưởng do hưởng lợi từ làn sóng dịch chuyển FDI.
Trên thực tế, dù thị trường không có quá nhiều biến động, thậm chí kể cả phiên điều chỉnh thì nhiều cổ phiếu vẫn vượt đỉnh lịch sử như FPT, FTR hay các nhóm cổ phiếu “họ” Viettel như VGI, VTP… Đây vẫn là những cổ phiếu nhận được sự quan tâm của thị trường. Nhưng việc “đu đỉnh” với một số cổ phiếu trên có gì cần lưu ý, theo các ông/bà?
Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường, CTCK MBS
Diễn biến thị trường cho thấy một số nhóm cổ phiếu sau khi vượt đỉnh 1.300 điểm lại chính là nhóm cổ phiếu có mức tăng tốt như: Viettel, ô tô phụ tùng, công nghệ, hóa chất, dịch vụ hàng không… đây đang là những nhóm cổ phiếu thu hút dòng tiền và các cổ phiếu liên tiếp lập các đỉnh cao mới. Do vậy, nhà đầu tư không nên đoán đỉnh, có thể lựa chọn phương pháp chặn lãi bằng cách nâng dần các ngưỡng chốt lời.
Ông Ngô Quốc Hưng |
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)
Những doanh nghiệp họ Viettel hay FPT là điểm sáng đặc biệt ở những tập đoàn lớn nhưng kinh doanh hiệu quả năm nay. Nhà đầu tư hiện tại đã hướng sự quan tâm đến nhóm các doanh nghiệp đầu ngành có lợi thế đặc biệt và lợi nhuận tăng trưởng đều đặn. Việc giá cổ phiếu đi nhanh hơn sự tăng trưởng lợi nhuận một phần thể hiện sự kỳ vọng của nhà đầu tư với tiềm năng tương lai của doanh nghiệp.
Việc nhà đầu tư tham gia ở mức giá hiện tại có thể là rủi ro trong ngắn hạn tuy nhiên nếu xét về dài hạn thì nhiều các doanh nghiệp vẫn duy trì sự tăng trưởng ổn định. Vì vậy, các nhịp điều chỉnh nếu nó ở các nhóm doanh nghiệp này thường không quá sâu và sẽ sớm quay lại đà tăng trưởng trong dài hạn.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, CTCK Yuanta Việt Nam
Nhìn chung, nhóm cổ phiếu FPT và Viettel đã có chuỗi tăng mạnh trong thời gian qua nhờ câu chuyện tăng trưởng ở hai nhóm cổ phiếu này. Sự lo ngại về định giá ở hai nhóm cổ phiếu này cũng là điều dễ hiểu khi các cổ phiếu đã có chuỗi tăng mạnh.
Tuy nhiên, tôi đánh giá các cổ phiếu trong hai nhóm cổ phiếu này phần lớn đều là các cổ phiếu tăng trưởng cho nên các nhà đầu tư có thể lưu ý hai điểm cần quan tâm để chú ý đến rủi ro tăng giá. Đầu tiên là cần chú ý đến khối lượng giao dịch, nếu khối lượng giao dịch tiếp tục suy yếu thì cũng là dấu hiệu cảnh báo rủi ro khi phần lớn nhà đầu tư đã giảm nhu cầu mua vào.
Thứ hai là đà tăng của các nhóm cổ phiếu này có sự so sánh tương quan với các nhóm cổ phiếu khác trên thị trường và cần quan sát kỹ về đà tăng ở các nhóm cổ phiếu khác vì dòng tiền có thể nhanh chóng thoát ra để tìm đến các nhóm cổ phiếu khác đang bắt đầu vào đà tăng giá.
Về cơ bản, hai nhóm cổ phiếu này vẫn đang trong đà tăng trưởng dài hạn.
Trong khi nhiều cổ phiếu đã vượt đỉnh lịch sử thì vẫn có một số cổ phiếu vẫn “đứng im” như khi chỉ số VN-Index giảm về ngưỡng 1.160 điểm. Trong một môi trường đầu tư phân hóa cao như vậy, nhà đầu tư cần chọn chiến lược như thế nào, theo các ông/bà?
Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường, CTCK MBS
Theo tôi, không có chiến lược chung cho tất cả nhà đầu tư, tùy vào khẩu vị rủi ro, tùy vào thời gian đầu tư hoặc trading để lựa chọn cổ phiếu cho phù hợp. Hiện tại, nhóm cổ phiếu đang thu hút dòng tiền vẫn cơ hội tăng tiếp.
Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh, Giám đốc điều hành Khối Môi giới trong nước, CTCK VietCap
Chiến lược hiện nay: do thị trường vẫn tiếp tục đi ngang và phân hóa giữa các nhóm ngành và cổ phiếu nên cần quan sát kỹ dòng tiền.
Đối với nhà đầu tư ngắn hạn, việc lướt sóng cũng khó khăn hơn trước do cổ phiếu tốt, dòng tiền mạnh thì vẫn tăng, không có nhịp điều chỉnh để vào; còn các cổ phiếu giá chưa tăng thì vẫn lình xình. Một lưu ý nữa là hạn chế margin thời điểm này.
Còn đối với nhà đầu tư dài hạn hơn thì vẫn giữ những cổ phiếu tốt, có tiềm năng như trên, chờ cơ hội để tái cơ cấu danh mục chuyển cổ phiếu yếu sang cổ phiếu tốt hơn.
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)
Nhà đầu tư vẫn hướng sự tập trung vào hoạt động doanh nghiệp là chính để có chiến lược đầu tư phù hợp. Những nhóm ngành hay doanh nghiệp có sự tăng trưởng thì sớm muộn giá cổ phiếu sẽ phản ánh đúng giá trị thật.
Việc nhà đầu tư lao theo sóng từng nhóm cổ phiếu theo các nhịp ngắn hạn sẽ bị rủi ro vô trễ và lợi nhuận thu được cũng sẽ không đáng kể. Các nhóm ngành nên hướng sự quan tâm nhất trong năm nay vẫn là các nhóm dự báo có sự tăng trưởng lợi nhuận tốt như dầu khí, chứng khoán, công nghệ, bán lẻ, thép, hàng không, ngân hàng.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, CTCK Yuanta Việt Nam
Ông Nguyễn Thế Minh |
Giai đoạn phân hóa là giai đoạn đòi hỏi nhà đầu tư cần có kỹ năng chọn cổ phiếu, đặc biệt các nhà đầu tư nên ưu tiên nắm giữ tỷ trọng cao ở nhóm cổ phiếu mạnh, lưu ý nên mạnh cả về cơ bản và yếu tố giá cùng với thanh khoản. Đồng thời, yếu tố tăng trưởng ngành cũng nên được chú ý trong giai đoạn kinh tế đang ở giai đoạn đầu chu kỳ hồi phục cùng với giai đoạn nới lỏng chính sách tiền tệ.