'Gợi mở' chuyện tín dụng nhóm ngân hàng: Những cái tên nào sẽ ‘tăng tốc’?

Theo báo cáo chiến lược nửa cuối năm 2024, Chứng khoán VNDirect (VND) nhận định sự phục hồi của tăng trưởng tín dụng kể từ quý III sẽ giúp các ngân hàng có khả năng chuyển phần tăng chi phí vốn cho khách hàng. Biên lãi ròng (NIM) trung bình của ngành dự kiến sẽ duy trì ổn định trong năm nay ở mức khoảng 4%.

Tín dụng sẽ tăng tốc từ quý III, dự báo tăng trưởng 15% trong năm 2024

VNDirect dự báo tăng trưởng tín dụng sẽ đạt 15% so với cùng kỳ trong năm 2024. Luận điểm cho kết quả dự báo đến từ thị trường bất động sản đang phục hồi và sự phục hồi của nền kinh tế. Cụ thể, Luật Đất đai mới có hiệu lực từ tháng 8 được kỳ vọng sẽ giải quyết các vấn đề pháp lý và tăng cường nguồn cung nhà ở.

'Gợi mở' chuyện tín dụng nhóm ngân hàng: Những cái tên nào sẽ ‘tăng tốc’?
VNDirect kỳ vọng tăng trưởng tín dụng sẽ đạt được mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước (Nguồn: VNDirect)

Ngoài ra, chuyên gia cũng nhận thấy một số dấu hiệu phục hồi vững chắc của nền kinh tế, bao gồm tăng trưởng GDP là 6,93% so với cùng kỳ trong quý II/2024 và Chỉ số Sản xuất Công nghiệp (IIP) của tháng 6 tăng 10,9% so với cùng kỳ, mức cao nhất trong 5 tháng qua.

Đặc biệt, VPBank (VPB), HDBank (HDB), MBBank (MBB) được dự đoán sẽ có mức tăng trưởng tín dụng vượt trội nhờ tham gia vào việc tái cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu kém và có danh mục cho vay cân bằng giữa khách hàng doanh nghiệp và cá nhân.

Techcombank (TCB) và LPBank (LPB) cũng sẽ được hưởng lợi từ tỷ trọng cao trong cơ cấu cho vay lĩnh vực Bất động sản và vay mua nhà.

Biên lãi ròng (NIM) sẽ duy trì tương đối ổn định, ở mức khoảng 4%

'Gợi mở' chuyện tín dụng nhóm ngân hàng: Những cái tên nào sẽ ‘tăng tốc’?
Chỉ một số ngân hàng (HDBank, TPBank, Techcombank, LPBank) sẽ có sự cải thiện NIM trong năm nay (Nguồn: VNDirect)

VNDirect kỳ vọng lãi suất tiền gửi sẽ tăng nhẹ từ mức đáy gần đây thêm khoảng 0,5% đến 0,75% vào cuối năm 2024. Do đó, chi phí vốn (CoF) sẽ chịu ảnh hưởng rõ rệt hơn trong quý IV/2024 vì CoF trong toàn ngành thường trễ so với xu hướng lãi suất từ ba đến sáu tháng.

Ngoài ra, sự phục hồi của tăng trưởng tín dụng kể từ quý III/2024 sẽ giúp các ngân hàng có khả năng chuyển phần tăng chi phí vốn cho khách hàng. Nhìn chung, biên lãi ròng (NIM) trung bình của ngành dự kiến sẽ duy trì ổn định trong năm nay ở mức khoảng 4%.

Chuyên gia tin rằng sự phục hồi kinh tế nhanh hơn bắt đầu từ quý II/2024 sẽ giúp nhóm ngân hàng bán lẻ đạt được NIM tốt hơn so với quý I/2024, điển hình như: VPBank (VPB), VIB, ACB, TPBank (TPB).

Chất lượng tài sản dự kiến sẽ ổn định so với nửa đầu năm

'Gợi mở' chuyện tín dụng nhóm ngân hàng: Những cái tên nào sẽ ‘tăng tốc’?
Chuyên gia kỳ vọng chất lượng tài sản ngành ngân hàng sẽ cải thiện trong nửa cuối năm 2024 (Nguồn: VNDirect)

VNDirect chỉ ra, trong quý I/2024 Vietcombank (VCB) và ACB hầu như không thực hiện việc xử lý nợ xấu (write off) nào. Trong khi đó, hai ngân hàng có hoạt động write off tích cực nhất là TPBank (TPB) và VPBank (VPB).

Chuyên gia tin rằng chất lượng tài sản của ngành ngân hàng sẽ cải thiện trong nửa cuối năm 2024 nhờ vào lãi suất cho vay duy trì ở mức thấp. Bên cạnh đó, sự phục hồi kinh tế giúp cải thiện thu nhập cũng giúp chất lượng tài sản cải thiện.

Ngoài ra, hoạt động thu hồi nợ (thông qua thanh lý, bán đấu giá tài sản) được tăng cường khi thị trường bất động sản dần phục hồi; Thông tư 02 được gia hạn đến hết năm 2024 và các ngân hàng sẽ tiếp tục xử lý nợ xấu (write off) cũng giúp cải thiện chất lượng tài sản của ngành.

Xem thêm tại nguoiquansat.vn