Quốc Cường Gia Lai (QCG) đã chi bao nhiêu cho thương vụ 39-39B Bến Vân Đồn?

Cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với bà Nguyễn Thị Như Loan, Tổng Giám đốc CTCP Quốc Cường Gia Lai (mã chứng khoán QCG), liên quan vụ án xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (GVR).

Động thái này được C03 đưa ra trong quá trình mở rộng điều tra vụ án Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí, xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, Công ty Cao su Đồng Nai, Công ty Cao su Bà Rịa và các đơn vị liên quan dự án khu đất 39-39B Bến Vân Đồn, quận 4, rộng hơn 6.200m2.

‘Đất vàng’ 39-39B Bến Vân Đồn khiến 17 người bị khởi tố

Dự án Bến Vân Đồn được nhắc tới liên tục trong thời gian qua khi nhiều lãnh đạo cấp cao của các tỉnh/thành và cả doanh nghiệp bị khởi tố. Đây là lô đất ban đầu thuộc sở hữu của Nhà nước.

Năm 2009, 2 doanh nghiệp Nhà nước là Công ty TNHH MTV Tổng công ty Cao su Đồng Nai và Công ty Cao su Bà Rịa cùng góp vốn thành lập Công ty TNHH Phú Việt Tín để thực hiện dự án tại lô đất 39-39B Bến Vân Đồn. Năm 2010, UBND TP HCM đã thu hồi lô đất, giao cho công ty Phú Việt Tín để đầu tư, kinh doanh.

Lô đất vàng 39-39B Bến Vân Đồn hiện nay là vị trí xây dựng dự án khu căn hộ phức hợp thương mại – văn phòng - dịch vụ có tên gọi The Tresor quận 4. Dự án được Công ty con của Tập đoàn Novaland (NVL) – Công ty Nova Phúc Nguyên – làm chủ đầu tư, gồm 2 tòa tháp cao 17 và 33 tầng.

agae
Dự án The Tresor tại lô đất 39-39B Bến Vân Đồn

Trên đường đi của lô đất vàng từ tay Nhà nước về với tư nhân, có sự hiện diện của nhiều doanh nghiệp, trong đó, bất ngờ nhất là sự xuất hiện của Quốc Cường Gia Lai. “Cú chạm tay” vỏn vẹn trong vòng mấy tháng đã mang lại cho Quốc Cường Gia Lai khoản lãi gần 400 tỷ đồng vào chục năm trước, nhưng nay lại khiến CEO Nguyễn Thị Như Loan bị khởi tố.

Chục năm trước, BCTC năm 2014 của Quốc Cường Gia Lai ghi nhận, doanh thu cả năm của công ty đạt 524 tỷ đồng, giảm 46% so với năm trước đó. Chi phí vốn lớn hơn doanh thu, khiến công ty lỗ gộp 38,2 tỷ đồng. Tuy vậy, kết quả, cả năm đó, Quốc Cường Gia Lai vẫn lãi sau thuế 32 tỷ đồng, hơn gấp 5 lần cùng kỳ.

“Cứu cánh” cho kết quả kinh doanh năm 2014 là khoản doanh thu hoạt động tài chính 386 tỷ đồng (năm 2013 doanh thu tài chính chỉ vỏn vẹn 7 tỷ đồng). Khoản doanh thu tài chính “khủng” này, có đóng góp từ gần 382 tỷ đồng là lãi từ thanh lý khoản đầu tư. Mà khoản đầu tư Quốc Cường Gia Lai nói đến này là từ việc “trao tay” cổ phần tại Công ty TNHH Phú Việt Tín.

Cái tên Phú Việt Tín xuất hiện tại BCTC Quốc Cường Gia Lai từ quý III/2014 với một lời nhắc cam kết góp vốn. Theo đó, Quốc Cường Gia Lai có một phần cam kết, và đã góp 460 tỷ đồng vào Công ty TNHH Phú Việt Tín, tương ứng tỷ lệ sở hữu 100% tại doanh nghiệp này.

Tại BCTC năm 2014, thông tin ghi nhận, theo hợp đồng mua bán ngày 5/9/2014, Quốc Cường Gia Lai đã chuyển nhượng toàn bộ phần đầu tư tại công ty Phú Việt Tín (một khoản đầu tư mới phát sinh ngay trong năm 2014), cho CTCP Bất động sản Thịnh Vượng. Số tiền chuyển nhượng 830 tỷ đồng, và ghi nhận khoản lãi là gần 382 tỷ đồng. Tương ứng, số tiền Quốc Cường Gia Lai chi ra cho thương vụ này khoảng 448 tỷ đồng, với số lãi 382 tỷ đồng, thì tỷ suất sinh lời rất cao.

“Cú chạm tay” trong vài tháng, kiếm về khoản lãi gần 382 tỷ đồng. Thương vụ này cũng khá kín tiếng khi bản công bố thông tin của doanh nghiệp thời đó cũng không quá rõ ràng.

agae
Bà Nguyễn Thị Như Loan, CEO Quốc Cường Gia Lai

CEO Nguyễn Thị Như Loan từng khẳng định: Là bên mua ngay tình

Năm 2024, trong bối cảnh loạt lãnh đạo bị khởi tố liên quan dự án, phía Quốc Cường Gia Lai đã lên tiếng, cung cấp thông tin liên quan. Lời đầu, CEO Nguyễn Thị Như Loan khẳng định “Quốc Cường Gia Lai là bên mua ngay tình, không liên quan đến Tập đoàn Cao su”.

Trong “tâm thư”, Quốc Cường Gia Lai cho biết đã đàm phán ký kết hợp đồng hứa chuyển nhượng và đặt cọc cho CTCP Đầu tư và Thương mại Việt Tín, do ông Đặng Phước Dừa đại diện ký, về việc nhận chuyển nhượng 100% vốn góp Công ty TNHH Phú Việt Tín, là chủ đầu tư dự án 39-39B Bến vân Đồn. Tổng giá trị thương vụ chuyển nhượng này là 464,2 tỷ đồng.

Để trình bày việc không liên quan đến Tập đoàn cao su Việt Nam, Quốc Cường Gia Lai có cung cấp thông tin quá trình chuyển nhượng. Theo đó, tháng 8/2014, Quốc Cường Gia Lai nhận chuyển nhượng 79,2% vốn góp công ty Phú Việt Tín từ Công ty TNHH TMTH Việt Tín (bà Lê Y Linh làm người đại diện) và 19,8% phần vốn góp từ CTCP Đầu tư Thương mại Việt Tín (do ông Đặng Phước Dừa làm đại diện); 1% vốn góp còn lại nhận từ Công ty TNHH MTV Tổng công ty Cao su Đồng Nai (0,72%) và Công ty TNHH MTV Cao su Bà Rịa (0,28%) theo sự sắp xếp của ông Dừa và bà Linh.

Theo Quốc Cường Gia Lai, khi thực hiện giao dịch, công ty đã nghiên cứu hồ sơ công ty Phú Việt Tín cũng như pháp lý dự án. Kết quả nghiên cứu cho thấy, thời điểm làm thủ tục mua bán của Quốc Cường Gia Lai, thì công ty Phú Việt Tín do Công ty Retro Havest Finance (thành viên của Phú Việt Tín) sở hữu 80%; Công ty TNHH MTV Cao su Bà Rịa sở hữu 5,5% và Công ty TNHH MTV Tổng công ty Cao su Đồng Nai sở hữu 14,4%. Các bên cam kết ủy quyền cho ông Dừa và bà Linh chịu trách nhiệm chuyển nhượng vốn.

Lý luận của Quốc Cường Gia Lai, lý do quan trọng để khẳng định công ty không liên quan vụ án lúc đó, là Tập đoàn cao su đã có văn bản thống nhất chuyển nhượng cho Công ty TNHH TMTH Việt Tín 80% và CTCP ĐTTM Việt Tín 20%.

Xem thêm tại nguoiquansat.vn