Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho NƠXH 'ế' lại chuẩn bị có thêm gói mới
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng được giao chủ trì nghiên cứu, hoàn thành gói tín dụng 30.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội trong tháng 10.
Nguồn lực của gói tín dụng này lấy từ ngân sách địa phương và khoảng 15.000 tỷ đồng phát hành trái phiếu Chính phủ. Như vậy, vốn của gói 30.000 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước, khác với nguồn lực gói 120.000 tỷ đồng do các ngân hàng thương mại tham gia hỗ trợ.
Trước đó, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội triển khai từ tháng 4/2023 với lãi suất chưa thực sự ưu đãi, áp dụng thời ngắn sau đó thả nổi nên ít người vay khiến gói vay này có nguy cơ thất bại.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, sau hơn một năm triển khai, giải ngân gói 120.000 tỷ đồng vẫn rất thấp, gần 1% tức khoảng 1.344 tỷ đồng. Trong số này, 1.295 tỷ đồng cho chủ đầu tư tại 12 dự án, còn lại là người mua nhà.
Ngoài 4 ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước, hiện có thêm TP Bank, VPBank, MBBank và Techcombank tham gia với số tiền 5.000 tỷ đồng mỗi ngân hàng, nâng tổng nguồn vốn hỗ trợ lãi suất lên 140.000 tỷ đồng.
Trước đó, ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết , Ngân hàng Nhà nước đã trình Chính phủ phương án triển khai gói tín dụng này với những thay đổi theo hướng tạo điều kiện hơn cho người mua nhà.
Cụ thể, giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng mua từ 3%/năm so với lãi suất bình quân, thời hạn kéo dài 5 năm (trước đây là 3 năm); 5 năm tiếp theo tiếp tục được giảm lãi suất tuỳ theo thời điểm, nhưng mức giảm ít nhất từ 1–2%/năm. Còn đối với khách hàng là chủ đầu tư, giữ nguyên mức hỗ trợ 1,5-2%/năm.
“Quan điểm là rất rõ ràng như vậy, chứ không phải sau 5 năm sẽ thả nổi lãi suất rồi lại đẩy lãi suất lên cao khiến người vay lo lắng”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nói.
Theo nhiều chuyên gia, việc có thêm gói ưu đãi về nhà ở xã hội chưa cần thiết trong khi gói tín dụng cũ giải ngân chậm.
Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, vốn cho nhà ở xã hội là cần thiết. Tuy nhiên, hiện gói vay cũ giải ngân chậm một phần vì lãi suất còn cao nhưng bên cạnh đó nhiều địa phương không có dự án mới.
Tại Hà Nội và TP HCM, việc xây nhà ở xã hội còn chậm, chưa tới 40% chỉ tiêu. Chẳng hạn, Hà Nội phải xây 18.700 căn đến 2025, nhưng mới có 3 dự án được khởi công (1.700 căn) và 5 dự án xây dựng xong, khoảng 5.200 căn, đạt gần 37% mục tiêu.
Theo ông Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản - Bộ Xây dựng, việc thông qua Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở 2023 và Luật Đất đai 2024 đã khơi thông nhiều cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn, cắt giảm thủ tục hành chính, tăng cường ưu đãi cho chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội. Trong đó, Luật Nhà ở được xem là một trong những căn cứ quan trọng về chiến lược phát triển nhà ở nói chung, nhà ở xã hội nói riêng.
Theo Luật Nhà ở 2023, quy hoạch quỹ đất nhà ở xã hội thuộc trách nhiệm của từng địa phương, không chỉ giải quyết được bất cập về quỹ đất phát triển nhà ở xã hội cho chủ đầu tư, mà còn có lợi cho người mua nhà. Bởi qua việc nắm rõ thông tin về nhu cầu của người dân, địa phương sẽ có chính sách phát triển nhà ở, bố trí quỹ đất thực sự phù hợp.
Bên cạnh đó, Luật cũng quy định chủ đầu tư được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với toàn bộ đất của dự án, không phải thực hiện các thủ tục liên quan đến xác định giá đất hay thủ tục xin miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất. Điều này cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục thực hiện dự án.
“Những điểm mở trong các luật mới và sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Chính phủ sẽ góp phần tích cực giúp phân khúc nhà ở xã hội đủ lực để phát triển và đạt kết quả ấn tượng trong năm 2024, khi nhu cầu đối với phân khúc này tiếp tục gia tăng”, ông Hoàng Hải cho hay.
Theo các chuyên gia, trước mắt cần đẩy nhanh pháp lý tăng nguồn cung nhà ở xã hội và sửa gói tín dụng cũ với lãi suất ưu đãi hơn thay vì xây dựng gói mới.
Xem thêm tại cafef.vn