Khoa học và công nghệ đồng hành cùng sự phát triển của doanh nghiệp nông nghiệp

Doanh nghiệp bắt tay giới khoa học

Hiện nay, Nhà nước có nhiều chương trình khoa học công nghệ cấp quốc gia, cấp bộ ưu tiên hỗ trợ cho ngành nông nghiệp. Tại "Diễn đàn kết nối các sản phẩm khoa học và công nghệ ngành nông nghiệp với doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân", TS. Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bày tỏ mong muốn các nhà khoa học và các doanh nghiệp đồng hành ngay từ khi có ý tưởng trong nghiên cứu cho đến ra sản phẩm cuối cùng, để sau khi đề tài dự án kết thúc là sản phẩm ứng dụng thực tiễn ngay.

Tuy nhiên, để thay đổi theo hướng này, GS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam lại cho rằng thị trường chính là “bà đỡ" cho các đề tài nghiên cứu khoa học.

“Không có thị trường thì không thể đưa các nghiên cứu này ứng dụng vào sản xuất. Mỗi doanh nghiệp có một mục tiêu, định hướng riêng do đó họ mới chính là những khách hàng thiết thực”, GS.TS Nguyễn Hồng Sơn nhấn mạnh.

GS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam.

Những năm gần đây, doanh nghiệp sẵn sàng trích từ quỹ phát triển của mình để dành cho công tác nghiên cứu. Do đó, đặt hàng riêng của doanh nghiệp đối với các nhà nghiên cứu, nhà khoa học là rất quan trọng. Sự bắt tay ngay từ đầu là tiền đề tiến tới thành công.

Là đơn vị đã ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, bà Trần Kim Liên, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed) phân tích, doanh nghiệp chính là thị trường của khoa học công nghệ, bởi mục tiêu của doanh nghiệp là tìm kiếm lợi nhuận từ thị trường, do đó họ hiểu hơn hết thị trường cần cái gì. 

"Công ty của tôi đã đặt hàng các nhà nghiên cứu, nhà khoa học trong nước nghiên cứu tạo ra giống cà chua có thể trồng ngoài đồng mà vẫn bảo đảm quả cứng, cho phép vận chuyển an toàn, hay là nghiên cứu giống dưa chuột trong nước mà không cần phải nhập giống từ Hà Lan, chúng tôi sẵn sàng trả tiền để đặt hàng các nhà nghiên cứu, khoa học trong nước. Hợp tác trước mắt là chuyển giao, còn hợp tác lâu dài, đấy là đặt hàng”, bà Liên khẳng định.

Về lĩnh vực thuỷ sản, ông Lê Hữu Tình, Phó giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Đắc Lộc chia sẻ, khoa học công nghệ hiện giống như một lĩnh vực khởi nghiệp trong tất cả các ngành nghề. Việc ứng dụng khoa học công nghệ trong nuôi trồng thủy sản có ý nghĩa quan trọng.

“Công ty Đắc Lộc được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao cho đề tài cấp quốc gia về nghiên cứu nuôi con tôm hùm, sống trong điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, đưa được nó lên bờ để nuôi thành công đó là nhờ khoa học công nghệ.

Đó cũng chính là lý do giúp khu vực Đông Nam Á, Thái Lan, Indonesia có điều kiện nuôi trồng thủy sản tốt hơn Việt Nam, thế nhưng những quốc gia này lại đang phát triển kém hơn so với Việt Nam”, ông Tình cho hay.

Có thể thấy, với sự hỗ trợ của công nghệ, các doanh nghiệp có thể giải quyết được nhiều thách thức như biến đổi khí hậu, dịch bệnh và ô nhiễm môi trường. Những tiến bộ trong công nghệ nuôi trồng không chỉ giúp tăng năng suất mà còn nâng cao chất lượng sản phẩm, từ đó tạo ra lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Cần tháo gỡ điểm nghẽn trong phát triển khoa học công nghệ

Đánh giá khách quan, khoa học công nghệ đóng góp vào sự phát triển nông nghiệp của nước ta không hề nhỏ, thế nhưng hiện vẫn còn hạn chế, trong khi các nước phát triển có mức đóng góp lên tới trên 50% thì tại Việt Nam mới đạt khoảng 30%. 

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng thừa nhận, tại Việt Nam các khu công nghệ cao và các vùng công nghệ cao trong nông nghiệp dù đã được xây dựng nhưng chưa hoạt động hiệu quả và chưa thu hút được doanh nghiệp vào hoạt động, các dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp chưa thu hút được đầu tư và chưa có sự đổi mới công nghệ đáng kể. 

Ngoài ra, phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực khoa học công nghệ trong nông nghiệp vẫn chưa đạt được những thành tựu như mong đợi. Việc đưa các sản phẩm khoa học công nghệ vào thị trường đòi hỏi có mạng lưới tiếp thị và tiêu thụ sản phẩm, cần có vai trò của các doanh nghiệp rất lớn.

Bên cạnh đó, việc nắm bắt thông tin trong và ngoài nước, nhất là nhu cầu của sản xuất và của các doanh nghiệp chưa được quan tâm đúng mức để tăng tính thuyết phục của sản phẩm khoa học công nghệ.

GS.TS. Võ Đại Hải, Giám đốc Viện Khoa học Lâm Nghiệp Việt Nam cho rằng muốn kết nối sản phẩm khoa học công nghệ tốt, cần phải có nhiều sản phẩm tốt, mới. Để làm được điều này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã liên tục đổi mới khâu xác định xây dựng nhiệm vụ khoa học công nghệ. 

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết: “Trước đây, khi có một sản phẩm khoa học công nghệ, chúng ta thường tổ chức hội đồng để nghiệm thu. Tuy nhiên, từ quá trình nghiệm thu đến thực tế vẫn còn nhiều khoảng cách. Chính vì vậy, sự tăng cường trao đổi là cần thiết, nhằm đảm bảo cho các đề tài nghiên cứu không chỉ có giá trị về mặt lý thuyết, mà còn phù hợp với điều kiện thực tế với chi phí hợp lý”.

Vị tư lệnh ngành nông nghiệp cũng cho rằng, cần thiết lập các cơ chế thử nghiệm và kiểm tra thực tiễn trước khi triển khai rộng rãi. Điều này giúp giảm thiểu rủi ro và đảm bảo rằng các công nghệ mới thực sự mang lại lợi ích thiết thực. 

“Chúng ta cần tạo ra những mô hình thử nghiệm trên quy mô nhỏ trước khi mở rộng, đồng thời lắng nghe phản hồi từ người dân và doanh nghiệp để điều chỉnh và hoàn thiện sản phẩm”, Bộ trưởng chia sẻ thêm.

Ngoài ra, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng kêu gọi sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng trong việc xây dựng chính sách khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi trong việc ứng dụng khoa học công nghệ. 

Cụ thể, cần có những chính sách hỗ trợ tài chính, kỹ thuật và đào tạo để giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân dễ dàng tiếp cận và ứng dụng các công nghệ mới. Đồng thời, tạo ra các kênh thông tin và truyền thông hiệu quả để chia sẻ những kinh nghiệm và mô hình thành công. 

Muốn xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, bền vững, doanh nghiệp cần hợp sức cùng giới khoa học, lấy khoa học công nghệ làm động lực phát triển. Sự đồng lòng và phối hợp chặt chẽ là điều kiện tiên quyết để có thể vượt qua mọi thách thức và tận dụng tối đa các cơ hội, từ đó đưa nông nghiệp Việt Nam phát triển lên một tầm cao mới.

Xem thêm tại baodautu.vn