Khối ngoại rút ròng gần 1.900 tỷ, kỷ lục 18 tháng
Lực cầu bắt đáy hoạt động khá tích cực chiều nay đã giúp thị trường tránh khỏi một đợt bán tháo. VN-Index chạm đáy lúc 1h35, bốc hơi hơn 11 điểm nhưng đóng cửa co lại còn giảm 6,26 điểm. Dòng tiền trong nước đã đối kháng khá hiệu quả trước sức ép của khối ngoại, riêng chiều nay khối này bán ròng tiếp 1.055 tỷ đồng ở HoSE và tính chung cả ngày rút ròng tới 1.872 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Số lớn cổ phiếu trong rổ VN30 chiều nay tiếp tục suy yếu, nhưng cũng có 11 mã cải thiện. Quan trọng là một số mã trụ đã khỏe hơn, VIC phục hồi 1,29% so với giá chốt buổi sáng và đóng cửa còn giảm nhẹ 0,58% so với tham chiếu. VPB tăng thêm 0,55%, mở rộng biên độ lên +1,39% so với tham chiếu. FPT có màn đảo chiều khá ngoạn mục, đóng cửa tăng 1,74%, tương đương riêng chiều nay tăng tới 1,81% so với phiên sáng…
Khả năng phục hồi ở các blue-chips là không đủ để thay đổi xu hướng, áp lực giảm giá vẫn rất rộng. VN30-Index chốt phiên giảm 0,21% với 8 mã tăng/21 mã giảm. Dù vậy việc chỉ số không tạo đáy mới và phần lớn thời gian của phiên chiều chầm chậm đi lên đã tác động khá tốt đến hoạt động đầu cơ. Nhóm cổ phiếu nhỏ phục hồi tốt. Độ rộng sàn HoSE kết phiên ghi nhận 146 mã tăng/301 mã giảm.
Có 9 cổ phiếu đóng cửa ở giá kịch trần (phiên sáng 5 mã), trong đó LHG, STK thanh khoản khá cao. Mặt bằng giá nói chung không có cải thiện rõ nét, nhưng nhiều cổ phiếu nhận được dòng tiền bắt đáy tốt đẩy giá rất mạnh: VOS thanh khoản 110,8 tỷ đồng với giá đóng cửa tăng 5,99%; VCI tăng 4,94% khớp 648,8 tỷ; POW tăng 3,66% với 314,2 tỷ; HAH tăng 2,64% với 406,8 tỷ; CSV tăng 2,12% với 112,5 tỷ; HAG tăng 1,43% với 218,2 tỷ đồng… Loạt mã giao dịch trung bình như SMC, CCL, ELC, CNG, AGR, BSI, TVS… cũng rất mạnh.
Nhà đầu tư nước ngoài chiều nay xả thêm rất nhiều ở nhóm blue-chips. Cổ phiếu trong rổ VN30 bị bán ròng tới 1.426 tỷ đồng trong tổng giá trị bán ròng 1.845 tỷ đồng ở sàn HoSE. Tính chung 3 sàn, khối này bán ròng 1.872 tỷ đồng, mức cao kỷ lục kể từ phiên ngày 13/1/2023. Phiên đó khối ngoại bán ròng hơn 3.110 tỷ đồng ở HoSE với thỏa thuận bán ròng 3.386,8 tỷ đồng cổ phiếu EIB.
Riêng rổ VN30, khối này bán ra tổng cộng 1.922 tỷ đồng giá trị cổ phiếu, tương đương hơn 20% tổng giao dịch của rổ này. Loạt cổ phiếu bị rút ròng hàng trăm tỷ đồng là FPT -260,5 tỷ, VHM -214,2 tỷ, HPG -204,2 tỷ, TCB -118,9 tỷ, VNM -107,1 tỷ, MWG -101,7 tỷ. Ngoài ra VCB, VRE, VPB, MSN, VIC, VND, CTG, DHC, VCI, CMG… cũng bị bán rất nhiều.
Việc khối ngoại bán ròng từ lâu đã được cho là không đủ nhiều để chiếm ưu thế giao dịch hàng ngày. Tuy vậy hàng chục ngàn tỷ đồng bị rút khỏi thị trường không phải chuyện đơn giản, vì sẽ phải có từng đó tiền “găm” vào cổ phiếu. Điều này làm suy yếu nguồn lực lưu động hàng ngày. Nếu quá trình rút vốn kéo dài, tổn hại là điều khó tránh. Chưa đến nửa tháng 6, khối này đã rút hơn 4.500 tỷ đồng với cổ phiếu sàn HoSE và tháng 5 vừa rồi rút đi hơn 14.800 tỷ đồng.
Dòng tiền bắt đáy chiều nay góp phần đẩy thanh khoản hai sàn tăng 8,4% so với phiên sáng, trong đó HoSE tăng 7,6%. Tuy vậy do giá đã có thêm một nhịp rơi sâu ngay đầu phiên chiều, nên quá trình phục hồi sau đó không cải thiện nhiều, chỉ có thể giúp giá bớt xấu. Sàn HoSE đóng cửa với 128 mã giảm quá 1%, nhiều hơn buổi sáng (112 mã). Thanh khoản ở nhóm này chiếm khoảng 36% tổng khớp của sàn. Nhiều trụ cũng nằm trong số giảm sâu nhất với thanh khoản rất cao như VHM giảm 1,93%, MSN giảm 1,69%, VRE giảm 1,81%. Các mã tầm trung chịu áp lực rất lớn là GEX giảm 2,72% thanh khoản 447,2 tỷ đồng; NVL giảm 3,4% với 331,4 tỷ; EIB giảm 3,07% với 295 tỷ; VSC giảm 1,48% với 253,2 tỷ; IJC giảm 4,32% với 238,7 tỷ…
Nhờ nhịp hồi lại buổi chiều giúp VN-Index điều chỉnh không mạnh và vẫn còn cơ hội để vượt đỉnh. Tuy nhiên hôm nay cũng là phiên thị trường mở rộng dao động theo hướng tiêu cực rõ nét nhất trong 6 phiên gần đây. Thậm chí các cổ phiếu đầu cơ cũng bắt đầu chịu tác động từ phía chốt lời. Đây là thay đổi đáng kể về tâm lý nắm giữ.
Xem thêm tại vneconomy.vn