Khối ngoại xả ròng hơn 1,1 tỷ USD từ đầu năm, mã nào là tâm điểm?
Trong quý I năm 2025, thị trường chứng khoán Việt Nam trải qua nhiều biến động đáng chú ý. Mặc dù VN-Index tăng hơn 40 điểm, tương đương 3,2% từ đầu năm đến cuối tháng 3, nhưng phiên giao dịch cuối cùng của quý lại ghi nhận mức giảm gần 11 điểm, đóng cửa ở mức 1.306,86 điểm, do áp lực bán mạnh mẽ từ các cổ phiếu vốn hóa lớn như GVR, PHR và DPR.
Thống kê cho thấy nhiều quỹ đầu tư mở không đạt được hiệu suất như kỳ vọng trong quý này. Nguyên nhân chính đến từ sự sụt giảm của các cổ phiếu công nghệ, đặc biệt là FPT, khiến hiệu suất của các quỹ này bị ảnh hưởng tiêu cực.

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp.
Cổ phiếu “họ Vin” cùng nhóm ngân hàng đóng vai trò quan trọng trong sự tăng trưởng của VN-Index từ đầu năm 2025. Riêng VIC và VHM đã góp gần 29 điểm trong tổng mức tăng 40 điểm của chỉ số. Top10 cổ phiếu có tác động tích cực nhất đến VN-Index đã mang lại khoảng 59 điểm cho chỉ số chính sàn HOSE.
Ở chiều ngược lại, FPT là cổ phiếu gây áp lực lớn nhất lên thị trường khi kéo giảm VN-Index gần 11 điểm. Dù các cổ phiếu khác có mức giảm không quá đáng kể, nhưng sự suy yếu lại diễn ra trên diện rộng. Điều này phản ánh rõ tình trạng phân hóa mạnh của thị trường chứng khoán Việt Nam trong quý I/2025, khi chỉ số chung tăng nhưng nhiều cổ phiếu riêng lẻ lại giảm.
Quý đầu năm ghi nhận xu hướng bán ròng mạnh mẽ từ khối ngoại, với tổng giá trị lên tới hơn 27.500 tỷ đồng trên toàn thị trường (tương đương 1,1 tỷ USD). Đây là mức bán ròng cao nhất trong quý I kể từ khi thị trường thành lập, chỉ đứng sau kỷ lục bán ròng gần 38.000 tỷ đồng trong quý II/2024.
Trên HOSE, NĐT nước ngoài bán ròng 25.925 tỷ đồng trong quý I. Thống kê cho thấy khối ngoại bán ròng mạnh nhất cổ phiếu FPT với quy mô hơn 6.864 tỷ đồng.
Theo đó, tỷ lệ nắm giữ của nhà đầu tư nước ngoài tại cổ phiếu này đã giảm xuống gần 42,38%, chạm mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Đáng chú ý, cổ phiếu từng được săn đón vì kín room ngoại nay lại có dư địa hơn 6,6%. Xu hướng bán ròng FPT không phải mới xuất hiện mà đã diễn ra từ năm ngoái, khi mã này liên tục thiết lập các đỉnh giá mới.
Hoạt động thoái vốn của nhà đầu tư nước ngoài xuất phát từ nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm chốt lời, điều chỉnh danh mục... Ngoài ra, các quỹ đầu tư, đặc biệt là quỹ ngoại, thường ưu tiên rót vốn vào cổ phiếu có vốn hóa lớn, dẫn đến việc nhóm bluechip thường bị bán mạnh.
Sang năm 2025, đà tăng của FPT suy giảm ngay sau kỳ nghỉ Tết, một phần do tâm lý lo ngại xoay quanh DeepSeek. Sự kiện này gây ảnh hưởng mạnh đến thị trường tài chính toàn cầu, kéo theo làn sóng bán tháo cổ phiếu công nghệ tại Mỹ.
Cùng chiều, khối ngoại cũng bán ròng 2.209 tỷ đồng mã VNM của ông lớn ngành sữa. Danh mục rút ròng hàng nghìn tỷ đồng của NĐT nước ngoài còn có loạt đại diện như TPB (1.788 tỷ đồng), STB (1.384 tỷ đồng), SSI (1.372 tỷ đồng), VIC (1.351 tỷ đồng), VCB (1.283 tỷ đồng), FRT (1.198 tỷ đồng), DGC (1.159 tỷ đồng), MSN (1.135 tỷ đồng), …

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp.
Ngược lại, cổ phiếu VCI của Chứng khoán Vietcap dẫn đầu danh mục Top10 mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài. Mã này được khối ngoại mua mạnh nhất với giá trị 1.202 tỷ đồng từ đầu năm.
Đứng thứ hai trong Top mua ròng cũng là một cổ phiếu nhóm công ty chứng khoán - VIX với quy mô 632 tỷ đồng. Dòng tiền ngoại ưu tiên giải ngân vào một số mã như GVR (614 tỷ đồng), VGC (499 tỷ đồng), EIB (499 tỷ đồng), TCH (392 tỷ đồng), GEX (335 tỷ đồng), VHM (280 tỷ đồng), SIP (267 tỷ đồng), PC1 (202 tỷ đồng).
Trên sàn HNX, khối ngoại bán ròng gần 511 tỷ đồng. Cụ thể, NĐT ngoại tập trung bán ròng 392,5 tỷ đồng ở cổ phiếu PVS của Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC), theo sau là 378,5 tỷ đồng mã IDC. Ngoài ra, nước ngoài cũng rút ròng các cổ phiếu như NVB (49,2 tỷ đồng), MBS (15,1 tỷ đồng), HUT (9,4 tỷ đồng), …
Trái lại, khối ngoại rót ròng hơn 449,3 tỷ đồng gom cổ phiếu SHS của Chứng Khoán Sài Gòn Hà Nội. Cùng chiều, mã DHT và NTP cũng được mua ròng với quy mô lần lượt là 73,1 tỷ và 64,6 tỷ đồng. Danh mục mua ròng còn có sự góp mặt của IVS, PGT, … với giá trị thấp hơn.

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp.
Tại thị trường UPCoM, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng với giá trị 1.108 tỷ đồng.
Trong đó, cổ phiếu ACV của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam – CTCP dẫn đầu chiều bán ròng với quy mô hơn 505,7 tỷ đồng. Cùng chiều, nhà đầu tư nước ngoài cũng rút ròng 355,7 tỷ đồng mã QNS của Đường Quảng Ngãi. Giao dịch bán ròng với quy mô thấp hơn còn được chứng kiến ở DDV (138,6 tỷ đồng), VEA (104,7 tỷ đồng), MCH (46,4 tỷ đồng), …
Ở chiều ngược lại, nhà đầu tư nước ngoài gom ròng mạnh nhất 21,6 tỷ đồng ở cổ phiếu ABI của Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp. Theo sau là các giao dịch giải ngân vào các cổ phiếu KLB (18,1 tỷ đồng), OIL (15,8 tỷ đồng), MPC (11,4 tỷ đồng), DRI (11,2 tỷ đồng), …

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp.
Xem thêm tại vietnambiz.vn