Khối tài sản ‘khủng’ của gia đình Chủ tịch OCB Trịnh Văn Tuấn và bí ẩn Công ty Hướng Việt

Ngân hàng TMCP Phương Đông (mã chứng khoán OCB) công bố báo cáo quản trị năm 2023, trong đó ghi nhận nhiều thông tin thú vị về tài sản của các “sếp” ngân hàng cùng những người liên quan.

Chủ tịch Trịnh Văn Tuấn cùng những người liên quan sở hữu 19,77% vốn điều lệ OCB

Báo cáo quản trị có ghi rõ số cổ phiếu của các lãnh đạo ngân hàng cùng người liên quan, cập nhật đến 30/6/2023. Từ sau thời điểm 30/6, các lãnh đạo và người có liên quan tại OCB không có nhiều biến động về sở hữu ngoại trừ một số trường hợp như vợ một thành viên HĐQT.

Giàu nhất OCB vẫn là Chủ tịch HĐQT Trịnh Văn Tuấn. Ông Tuấn hiện nắm giữ hơn 91,11 triệu cổ phiếu OCB, tương ứng tỷ lệ 4,43%, giá trị xấp xỉ 1.400 tỷ đồng.

Screenshot 2024-03-22 at 17.29.17

Ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT ngân hàng Phương Đông OCB

Không giữ chức vụ lãnh đạo tại OCB nhưng vợ ông Trịnh Văn Tuấn, bà Cao Thị Quế Anh, lại khá “nổi” trên thương trường. Bà Quế Anh sở hữu hơn 66 triệu cổ phiếu OCB, tỷ lệ 3,21%, giá trị khoảng 1.000 tỷ đồng.

Ái nữ của ông Tuấn, bà Trịnh Thị Mai Anh, cũng đang làm việc tại OCB ở vị trí thành viên HĐQT. Bà Mai Anh sở hữu hơn 60,4 triệu cổ phiếu OCB tương ứng tỷ lệ 2,94%, giá trị thị trường xấp xỉ 900 tỷ đồng.

Bà Mai Anh tốt nghiệp trường London School of Economics and Political Science hệ cử nhân khoa học. Theo giới thiệu, bà có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Tài chính tại các doanh nghiệp, tổ chức lớn trong và ngoài nước như: Ngân hàng HSBC London, Công ty Cổ phần Chứng khoán Quốc Tế Việt Nam, Tập đoàn VinaCapital, Tập đoàn Temasek Singapore.

Screenshot 2024-03-22 at 18.30.14

Ông Trịnh Văn Tuấn và bà Trịnh Thị Mai Anh

Ngoài cô chị Mai Anh có tên trong danh sách lãnh đạo OCB, ông Đặng Văn Tuấn còn có hai người con gái khác là Trịnh Mai Vân và Trịnh Mai Linh. Cả 2 đều là những tỷ phú trẻ tuổi khi khối tài sản nghìn tỷ.

Bà Mai Linh đang nắm giữ 87,76 triệu cổ phiếu OCB tương ứng tỷ lệ 4,27%, giá trị thị trường khoảng 1.300 tỷ đồng. Còn bà Mai Vân sở hữu 76,96 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 3,75%, tương ứng giá trị hơn 1.100 tỷ đồng.

Ông Trịnh Văn Tuấn còn có người em trai Trịnh Văn Dũng, sở hữu rất ít, 608.821 cổ phiếu, trị giá hơn 9 tỷ đồng.

Tính những bên liên quan ông Trịnh Văn Tuấn, còn có Công ty TNHH Đầu tư TQA - công ty do vợ và con gái làm lãnh đạo - sở hữu cổ phần. Theo báo cáo, TQA đang nắm tổng cộng hơn 23,27 triệu cổ phiếu OCB tương ứng tỷ lệ 1,13%.

Tính chung tổng cộng ông Trịnh Văn Tuấn và những người liên quan đang nắm giữ 19,77% vốn điều lệ ngân hàng OCB tương ứng hơn 406 triệu cổ phiếu.

Screenshot 2024-03-22 at 11.21.54

Mới đây Luật các tổ chức tín dụng 2024 đã được thông qua, trong đó đáng chú ý nhất là việc điều chỉnh tỷ lệ sở hữu tại ngân hàng. Theo Luật mới, cổ đông và người có liên quan không được sở hữu quá 15%. Tỷ lệ này trước đây là 20%.

Bí ẩn Công ty Hướng Việt và những khoản cho vay thế chấp tại OCB

Nhắc đến gia đình ông Trịnh Văn Tuấn, không thể không nhắc tới bà Cao Thị Quế Anh. Dù không giữ chức vụ lãnh đạo tại OCB, nhưng trên thương trường bà Quế Anh và “gia đình vợ” lại rất nổi tiếng.

Bà Quế Anh hiện đang là Chủ tịch HĐQT của CTCP Thực phẩm Xanh - doanh nghiệp đang có khoản vay 12,9 tỷ đồng tại OCB. Bà Quế Anh tiếp nhận vị trí Chủ tịch HĐQT của Thực phẩm Xanh từ năm 2021 khi ông Trần Bình Ổn rời nhiệm.

Ngoài ra, bà Quế Anh còn là thành viên HĐQT độc lập của CTCP Sợi Thế Kỷ - một doanh nghiệp có cổ phiếu STK niêm yết trên HoSE. Sợi Thế Kỷ đang có khoản nợ vay hơn 97 tỷ đồng tại OCB.

Bên cạnh 2 doanh nghiệp xuất hiện trên báo cáo của OCB, bà Quế Anh trên thường trường “gắn” với rất nhiều doanh nghiệp khác. Bà hiện là Chủ tịch HĐQT của CTCP Bất động sản Quốc Tế.

Ngoài ra, cũng thông tin trên báo cáo quản trị thể hiện công ty TQA là bên có liên quan với ông Trịnh Văn Tuấn thông qua bà Quế Anh và bà Mai Anh.

CTCP Đầu tư TQA tiền thân là Công ty TNHH MTV Đầu tư TQA, thành lập tháng 5/2016, do bà Quế Anh là Chủ tịch; vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng.

Công ty liên tục điều chỉnh vốn điều lệ trong năm 2016, giảm về 499,88 tỷ đồng rồi tăng trở lại lên 700 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông do bà Cao Thị Quế Anh góp 71,41% và bà Trịnh Thị Mai Anh góp 28,59%.

Cuối năm 2020, TQA bất ngờ tiến hành tăng vốn khủng từ 700 tỷ đồng lên 1.400 tỷ đồng, cơ cấu sở hữu có thay đổi. Số tiền góp thêm 700 tỷ đồng (50%) thuộc về CTCP Tư vấn Đầu tư Hướng Việt; 700 tỷ đồng còn lại vẫn của bà Quế Anh (tỷ lệ 35,706%) và bà Mai Anh (tỷ lệ 14,294%) sở hữu.

Năm 2020 cũng là thời điểm công ty Hướng Việt phát hành lô trái phiếu đúng 700 tỷ đồng, đáo hạn vào tháng 11/2024. Tuy vậy công ty đã mua lại trước hạn toàn bộ lô trái phiếu này vào cuối 2023.

Công ty Hướng Việt thành lập tháng 7/2009, ban đầu do bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, sinh năm 1986 làm Giám đốc, vốn điều lệ 100 tỷ đồng, ông Cao Quế Lâm làm Chủ tịch. Ông Cao Quế Lâm được biết đến là em bà Cao Thị Quế Anh. Tháng 10/2016 công ty Hướng Việt tăng vốn hơn gấp 5 lần, lên 550 tỷ đồng và tăng lên thành 1.000 tỷ đồng vào tháng 6/2017.

Tại OCB, Đầu tư Hướng Việt được biết tới là doanh nghiệp chuyên mang cổ phiếu của các công ty khác đến thế chấp tại ngân hàng này cho các khoản vay.

- Tháng 10/2014, Hướng Việt mang 6 triệu cổ phiếu của CTCP Đầu tư Nam Long (NLG) đến thế chấp tại Ngân hàng Phương Đông (OCB) cho khoản vay trị giá 76,5 tỷ đồng.

- Tháng 12/2014 tiếp tục mang hơn 1,2 triệu cổ phiếu VIB của Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam đi thế chấp tại OCB. (Công ty Thực phẩm Xanh liên quan bà Quế Anh cũng từng nhiều lần mang cổ phiếu VIB đến thế chấp tại OCB).

- Đến tháng 12/2015, tài sản đảm bảo mà Hướng Việt dùng là hơn 9,65 triệu cổ phiếu OCB của chính Phương Đông, đi thế chấp tại ngân hàng khác.

- Tháng 6/2016 tiếp tục mang hơn 6,4 triệu cổ phiếu OCB đi thế chấp tại ngân hàng khác. Đây là các cổ phiếu OCB do chính Hướng Việt sở hữu.

- Tháng 12/2016 Hướng Việt lại mang tiếp 990.000 cổ phiếu VIB đi thế chấp tại Ngân hàng Phương Đông cho khoản vay có giá trị hơn 23 tỷ đồng. Và mang tiếp 736.894 cổ phiếu VIB thế chấp tại OCB vào tháng 11/2017.

- Tháng 12/2017 có 95.200 cổ phiếu của CTCP Phát triển hạ tầng KCN Tây Ninh được mang đi thế chấp tại OCB.

- Tháng 7/2018 Hướng Việt còn mang hơn 12 triệu cổ phiếu STK của Sợi Thế Kỷ, nơi bà Quế Anh làm thành viên HĐQT, đi thế chấp tại OCB.

-Và gần nhất là việc mang 9 triệu cổ phần do CTCP Chứng khoán Quốc tế phát hành đi thế chấp tại OCB vào tháng 8/2018.

Đầu tư Hướng Việt còn có một “người anh em” khác là CTCP Bất động sản Hướng Việt. BĐS Hướng Việt thành lập tháng 11/2018 do ông Cao Quế Sơn làm Chủ tịch HĐQT, vốn điều lệ 190 tỷ đồng. Ông Cao Quế Sơn cũng được cho là anh em với bà Cao Thị Quế Anh.

Cơ cấu cổ đông của BĐS Hướng Việt có CTCP Đầu tư Hướng Việt sở hữu 45%; ông Cao Quế Sơn sở hữu 4,5% và bà Nguyễn Thị Thu Trang sở hữu 50,5%, trong đó bà Trang và ông Sơn có cùng địa chỉ.

Tháng 5/2020, dàn lãnh đạo BĐS Hướng Việt xuất hiện cái tên quen thuộc Trần Bình Ổn - người từng làm Chủ tịch HĐQT Thực phẩm Xanh trước khi bà Quế Anh tiếp nhận vị trí. Tháng 3/2021 công ty tăng vốn điều lệ từ 300 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng. Tháng 8/2023 tăng vốn lên thành 1.500 tỷ đồng.

Tháng 6/2021 Hướng Việt cũng từng phát hành lô trái phiếu 500 tỷ đồng với mục đích thanh toán tiền đặt cọc đảm bảo cho việc nhận chuyển nhượng toàn bộ Nhà máy điện mặt trở Hàm Kiệm 1 công suất 46MWp tại tỉnh Bình Thuận.

,Bản thân Bất động sản Hướng Việt có nhiều giao dịch đảm bảo tại ngân hàng Phương Đông OCB, trong đó đáng chú ý nhất là việc đưa cổ phần của CTCP Quốc Lộc Phát đi thế chấp.

Câu chuyện liên quan Quốc Lộc Phát lại là chuyện về dự án The Metropole Thủ Thiêm.

Xem thêm tại nguoiquansat.vn