Lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh ảnh hưởng ra sao tới các nhà băng?

Nhiều ngân hàng ảnh hưởng khi lãi suất liên ngân hàng tăng vọt

Lãi suất liên ngân hàng tăng vọt trong thời gian vừa qua được một số chuyên gia phân tích cho rằng sẽ ảnh hưởng tới hoạt động của một số ngân hàng trong hệ thống.

Cụ thể, trong tháng 4 và tháng 5 vừa qua, lãi suất qua đêm VND trên thị trường liên ngân hàng đã tăng gần 4 điểm % lên mức cao nhất trong vòng một năm. Lãi suất qua đêm VND trên thị trường liên ngân hàng có lúc đã lên mức 5,1%, so với mức dưới 1% vào tháng 1.

Lãi suất liên ngân hàng tăng trong thời gian gần đây phản ánh thanh khoản thắt chặt hơn trong hệ thống sau khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) chủ động rút bớt cung tiền nhằm hạn chế biến động trên thị trường ngoại tệ.

Trong điều kiện lãi suất thấp, việc huy động liên ngân hàng giúp giảm chi phí. Tuy nhiên, việc này cũng khiến rủi ro thanh khoản của các ngân hàng ở mức cao hơn những nhà băng còn lại. 

Trong báo cáo ngành mới đây, Chứng khoán Yuanta Việt Nam cảnh báo một số ngân hàng nhỏ và vừa đang phụ thuộc lớn vào nguồn vốn liên ngân hàng và dễ gặp rủi ro thanh khoản nếu có sự thay đổi đột ngột về điều kiện thị trường, đặc biệt là trong bối cảnh xu hướng tăng lãi suất liên ngân hàng  gần đây.

Yuanta liệt kê danh sách những ngân hàng phụ thuộc đáng kể vào vốn liên ngân hàng (chiếm hơn 20% tổng nợ phải trả) bao gồm: ABBank, VPBank, Techcombank, KienlongBank, SeABank, VIB, PGBank, TPBank, MSB.

Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, VIS Ratings cho rằng các ngân hàng quy mô vừa và nhỏ phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn vốn liên ngân hàng để cho vay và đảm bảo thanh khoản nhưng ảnh hưởng của lãi suất liên ngân hàng tăng tới các ngân hàng vẫn trong vòng kiểm soát.

Theo VIS Ratings, các ngân hàng nhỏ vẫn đang hưởng lợi từ mặt bằng lãi suất huy động thấp sau khi NHNN giảm 4 lần lãi suất điều hành trong năm 2023. "Chúng tôi cho rằng các ngân hàng nhỏ vẫn còn đủ dư địa lợi nhuận để hấp thụ chi phí tăng từ nguồn vay liên ngân hàng cũng như huy động tiền gửi cao hơn".

Từ đầu tháng 5, lãi suất tiền gửi 6 tháng đã tăng 0,5 - 0,8 điểm %/năm ở các ngân hàng vừa và nhỏ và 0,1 - 0,3 điểm % ở các ngân hàng lớn do cạnh tranh về tiền gửi khi tăng trưởng tín dụng bắt đầu tăng tốc. Các ngân hàng cũng có thể sẽ chuyển một phần chi phí huy động tiền gửi cao hơn sang người đi vay.

"Các ngân hàng đã từng phải chịu chi phí huy động rất cao trong giai đoạn cuối 2022 đầu 2023 nhưng vẫn vượt qua được và chúng tôi cho rằng lãi suất liên ngân hàng sẽ dần hạ nhiệt trong giai đoạn còn lại của năm 2024 khi áp lực tỷ giá dần ổn định", VIS Ratings dự báo.

Sự điều tiết của NHNN nhờ lãi suất liên ngân hàng

Các chuyên gia của VIS Ratings dự báo rằng NHNN sẽ điều tiết lãi suất OMO song hành với lãi suất qua đêm liên ngân hàng để đảm bảo nguồn vốn OMO có thể đóng vai trò là người cho vay cuối cùng cho các ngân hàng thương mại khi cần thiết.

Đồng thời, kỳ vọng NHNN sẽ tiếp tục ưu tiên cân bằng giữa hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và rủi ro như lạm phát và tỷ giá. Lạm phát trong nước hiện tại chủ yếu chịu ảnh hưởng từ các yếu tố đầu vào và vẫn đang trong tầm kiểm soát.

NHNN cũng đã sử dụng nhiều công cụ khác nhau để kiềm chế biến động tỷ giá. Do đó, VIS Ratings kỳ vọng lãi suất sẽ vẫn được duy trì ở mức thấp trong năm 2024.

Các chuyên gia phân tích cho rằng chênh lệch âm giữa lãi suất VND và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) kể từ năm 2023 có tác động đáng kể đến tâm lý thị trường và đã dẫn đến nhu cầu nắm giữ USD nhiều hơn. Việc tăng lãi suất OMO gần đây sẽ giúp thu hẹp khoảng cách này khi thị trường đang chờ đợi tín hiệu cắt giảm lãi suất từ Fed trong thời gian tới.

Trong tháng 4 và tháng 5, hãng tín nhiệm Việt ước tính NHNN đã rút 90.000 tỷ ra khỏi thị trường thông qua việc bán hơn 3,5 tỷ USD dự trữ ngoại hối cho các ngân hàng. Vào ngày 22/5, NHNN tăng lãi suất nghiệp vụ thị trường mở (OMO) thêm 0,25% lên 4,5% cùng với đà tăng của lãi suất qua đêm VND liên ngân hàng.

Sau những động thái đó của NHNN, tỷ giá USD của hệ thống ngân hàng đã dần ổn định lại sau khi tăng 4,3% tính từ đầu năm 2024.

Xem thêm tại vietnambiz.vn