Làn sóng giải chấp nhăm nhe nhấn chìm thị trường
VN-Index hồi phục trong phiên giao dịch ngày 22/4, dù vậy đà tăng chủ yếu xuất phát từ áp lực bán được tiết chế, trong khi lực cầu tham gia khá yếu bởi tâm lý giao dịch thận trọng của bên mua.
“Call margin” trên diện rộng có thể bị kích hoạt
Trước đó, VN-Index đã khép lại một tuần giao dịch (15-19/4) đầy sóng gió với những phiên giảm mạnh và để mất 101,74 điểm (-8%), đánh dấu tuần giảm kỷ lục kể từ đầu tháng 10/2022. Theo đó, vốn hóa toàn thị trường đã "bay" tới 480.000 tỷ, giá trị chỉ còn khoảng 6,28 triệu tỷ đồng.
Thị trường đang dấy lên lo ngại tình trạng “call margin” sẽ diễn ra trên diện rộng. (Hình minh họa) |
Mặc dù cho rằng nhịp điều chỉnh của thị trường là cần thiết trong quá trình đi lên, nhất là khi VN-Index tăng gần 15% từ đầu năm mà chưa có đợt chiết khấu nào đáng kể, song hầu hết các chuyên gia đều chung nhận định áp lực margin hiện tại là rất lớn. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân làm nhịp điều chỉnh của thị trường trở nên trầm trọng hơn. Với tình trạng "căng margin" như hiện nay, nếu thị trường vẫn tiếp tục giảm có thể kích hoạt tình trạng "call margin" trên diện rộng.
Thống kê vừa được FiinGroup công bố, tính đến cuối quý I/2024, dư nợ margin tại nhóm 48 công ty chứng khoán (CTCK) hàng đầu ghi nhận quý tăng thứ năm liên tiếp kể từ cuối năm 2022, đạt hơn 191.266 tỷ đồng, tăng 60,8% so với cùng kỳ năm trước và tăng 10% so với cuối năm 2023. Đây là mức cao kỷ lục trong lịch sử chứng khoán Việt Nam, vượt cả giai đoạn quý I/2022 khi VN-Index trên đỉnh lịch sử 1.500 điểm.
Hầu hết CTCK đều chứng kiến dư nợ cho vay margin tăng trưởng nhanh trong quý đầu năm nay, dao động trên dưới 50% so với năm ngoái. Thậm chí, không ít doanh nghiệp ghi nhận dư nợ đạt kỷ lục sau đợt công bố báo cáo tài chính quý I.
Theo số liệu của FiinGroup, Chứng khoán VCBS (5.804 tỷ đồng) và BSC (5.260 tỷ đồng) đều lập kỷ lục mới về dư nợ cho vay margin. Một số CTCK có dư nợ margin tăng cao so với cùng kỳ năm 2023 gồm: Chứng khoán SSI tăng gần 55%; Chứng khoán Mirae Asset tăng 21%; VPS tăng 58%; KIS Việt Nam tăng 44%; Vietcap tăng 68%; Chứng khoán KB Việt Nam tăng 19%...
Theo quan sát, dư nợ margin của các CTCK liên tục tăng trong giai đoạn quý IV/2022 tới quý I/2024 và trùng với giai đoạn hồi phục của thị trường. Trong đó, từ ngày 15/11/2022 đến ngày 29/3/2024, chỉ số VN-Index đã tăng 40,8%, từ 911,9 điểm lên 1.284,09 điểm và thị trường chỉ trải qua nhịp rung lắc giai đoạn tháng 8 đến cuối tháng 10/2023, sau đó tiếp tục xu hướng tăng.
“Điều đáng ngại của thị trường trong ngắn hạn là áp lực margin. Khả năng thị trường sẽ phải "trả giá" cho việc margin đang trên đỉnh lịch sử và tình trạng "call margin" có thể diễn ra”, ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Chi nhánh Chứng khoán DSC lưu ý.
Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích Chứng khoán Agriseco cho rằng với tình trạng "căng margin" như hiện nay, nhịp điều chỉnh của thị trường có thể trở nên khốc liệt hơn với hiệu ứng "call margin" từ các CTCK. Chỉ trong tuần vừa qua, VN-Index đã giảm hơn 100 điểm, tương ứng với mức giảm 8%, và nhiều cổ phiếu đã giảm từ 15-20% chỉ trong 1 tuần. Nếu thị trường vẫn tiếp tục đà giảm, tình trạng "call margin" ở các CTCK sẽ diễn ra trên diện rộng và xuất hiện một nhịp giảm rũ bỏ để hạ bớt dư nợ margin ở thời điểm hiện tại.
Các CTCK vẫn còn gần 280.000 tỷ cho vay
Dù vậy, dưới góc nhìn tích cực, ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao CTCK KIS Việt Nam cho rằng sức ép margin lớn hơn nhưng không đáng lo ngại, bởi sau 2 năm, các CTCK tăng vốn lên rất nhiều. Chưa kể, các CTCK có nguồn từ ngân hàng mẹ, room cho vay còn lớn.
Trong báo cáo mới đây, SSI Research nhận xét tỷ lệ dư nợ Margin/Vốn hóa thị trường hiện tại đang ở mức cao nhưng khả năng của việc lặp lại kịch bản giải chấp mức độ rộng như giai đoạn cuối 2022 là khó có thể xảy ra nếu nhìn vào tỷ lệ Margin/Vốn chủ sở hữu (VCSH) của thị trường (được kiểm soát tốt).
Thực tế, VCSH của các CTCK cũng tăng mạnh trong quý đầu năm nhờ lợi nhuận tăng mạnh và hoạt động tăng vốn. Thời điểm 31/3/2024, tổng VCSH nhóm CTCK vào khoảng 235.000 tỷ đồng, tăng 16.000 tỷ so với đầu năm. Như vậy, tỷ lệ Margin/VCSH tại ngày cuối năm 2023 ước đạt xấp xỉ 83%, cao nhất trong vòng 6 quý.
Theo quy định, CTCK không được cho vay ký quỹ vượt quá 2 lần VCSH tại cùng thời điểm. Với tỷ lệ Margin/VCSH như hiện nay, các CTCK ước tính còn đến 277.000 tỷ đồng có thể cho nhà đầu tư vay ký quỹ trong thời gian tới. Đáng chú ý, con số này chỉ là tính toán trên lý thuyết và thực tế chưa bao giờ tỷ lệ Margin/VCSH toàn thị trường chạm đến ngưỡng 2 lần ngay cả trong giai đoạn giao dịch bùng nổ nhất.
Xét trên từng CTCK, đa phần đều còn thừa khá nhiều "room" cho vay, tỷ lệ Margin/VCSH chủ yếu nằm trong khoảng 100-140%. Đặc biệt, những cái tên thuộc top đầu về vốn chủ sở hữu như TCBS, SSI, VNDirect, VPBankS đều có tỷ lệ này dưới 80%. Trong khi đó, chỉ có một vài CTCK ở trạng thái khá "căng margin" như HSC, MBS cũng đang có kế hoạch tăng vốn trong năm nay.
Nhìn chung, nếu chỉ phục vụ hoạt động cho vay margin, các CTCK chưa quá áp lực về vốn ở thời điểm này. Tuy nhiên, để phục vụ cho tiến trình nâng hạng thị trường, trong tương lai, nhà đầu tư nước ngoài có thể không cần ký quỹ 100% trước giao dịch. Điều này đòi hỏi các CTCK có nguồn lực về vốn lớn, đủ đảm bảo vai trò hỗ trợ thanh toán. Vì thế, đa phần các CTCK đều có kế hoạch tăng vốn giai đoạn 2024-2025, trong đó một số cái tên đáng chú ý có thể kể đến: Vietcap, MBS, SSI, VNDirect…
“Cuộc đua tăng vốn được kỳ vọng sẽ tiếp tục củng cố nền tảng vốn của các CTCK thời gian tới”, SSI Research nhấn mạnh.
Với góc nhìn khác, dù không quá lạc quan, nhưng chuyên gia DSC cho rằng khả năng VN-Index giảm 15-20% rất khó xảy ra. Ngưỡng quanh MA200, tương đương với 1.170 điểm sẽ hỗ trợ mạnh cho đợt giảm giá lần này. VN-Index chỉ có thể "thủng" ngưỡng trên khi các trụ cột tăng giá trong nước bị xâm phạm rõ ràng và thị trường chứng khoán thế giới sụt giảm mạnh.
“Mặc dù vẫn còn một số yếu tố khác, nhưng không phải vấn đề quá đáng ngại. Thêm vào đó, khi các ngân hàng vẫn còn "game" tăng vốn và chia tách, cổ phiếu ngân hàng vẫn còn cơ hội hồi phục và VN-Index khó giảm sâu”, ông Huy nhận định.
Hải Giang
Xem thêm tại vnbusiness.vn