Lợi nhuận ngân hàng dự báo vẫn tăng, nhưng cần lưu tâm chất lượng tài sản
Nhiều ngân hàng đồng loạt báo lợi nhuận quý II/2024 tăng mạnh. Ảnh tư liệu.

Lợi nhuận tăng, nhưng nợ xấu cũng tăng

“Mùa” báo cáo tài chính quý II/2024 đã gần qua với các con số tăng trưởng tích cực. Theo số liệu từ FiinTrade, nhóm ngân hàng tiếp tục trở thành điểm nhấn trên thị trường với tốc độ tăng trưởng lợi nhuận so với cùng kỳ đạt gần 22%. Tăng trưởng toàn ngành đến từ nhóm ngân hàng tư nhân top đầu về quy mô vốn chủ, trong khi nhóm ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước ghi nhận tăng trưởng thấp hơn so với mức chung toàn ngành.

Cụ thể, cái tên đứng “top” đầu tăng trưởng lợi nhuận là NVB, với lợi nhuận sau thuế quý II/2024 đạt 47,9 tỷ đồng, gấp gần 700% mức đạt được cùng kỳ năm 2023. Xếp sau là LPB, với lợi nhuận sau thuế quý II đạt 2.421 tỷ đồng, tăng 242% so với cùng kỳ năm 2023. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, LPB ghi nhận thu nhập lãi thuần đạt 16.216 tỷ đồng, tăng 4,1% so với năm trước và lãi sau thuế 4.720 tỷ đồng, tăng 2,4 lần so với cùng kỳ năm 2023.

Bên cạnh đó, loạt nhà băng lớn cũng đồng loạt báo lợi nhuận tăng mạnh. Trong nhóm các ngân hàng thương mại nhà nước niêm yết, lợi nhuận VCB trong quý II/2024 đạt hơn 10.116 tỷ đồng, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là con số lợi nhuận cao nhất trong nhóm ngân hàng. Trong khi đó, BID cũng đạt lợi nhuận trước thuế quý II/2024 là 8.159 tỷ đồng, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng, lãi trước thuế của nhà băng này đạt 15.549 tỷ đồng, tăng 12,1%.

Tương tự, nhóm các nhà băng tư nhân lớn cũng đồng loạt báo lợi nhuận quý II/2024 tăng mạnh như: TCB đạt 6.270 tỷ đồng, tăng 39,24%; ACB đạt 4.468 tỷ đồng, tăng 15,6%; MBB đạt lãi sau thuế 6.101,9 tỷ đồng, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là khoản lợi nhuận quý cao nhất trong lịch sử hoạt động của nhà băng này.

Tuy nhiên, bên cạnh tăng trưởng lợi nhuận thì nợ xấu cũng gia tăng. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu của các nhà băng tại ngày 30/6/2024 đồng loạt tăng so với số đầu năm. Mức tăng nợ xấu có sự phân hóa giữa các ngân hàng, thậm chí ở các ngân hàng lớn.

Triển vọng nhóm ngân hàng

Mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng năm 2024 là 15%

Tính đến ngày 30/6/2024, theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tăng trưởng tín dụng đã đạt 6% so với cuối năm 2023. Có thể thấy một vài điểm sáng, tăng cao hơn so với mặt bằng chung như lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tăng 9,88%, tín dụng cho doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 18,16%. Ngoài ra, một số gói tín dụng ưu đãi cũng đang có tốc độ giải ngân tốt.

Như vậy, tăng trưởng tín dụng toàn ngành Ngân hàng đã đạt mục tiêu Chính phủ và NHNN đưa ra trước đó (tăng trưởng tín dụng đạt 5 - 6% vào cuối quý II/2024).

Tăng trưởng tín dụng tốt sau nửa đầu năm 2024 được kỳ vọng là điểm tựa quan trọng cho kết quả kinh doanh của nhóm ngân hàng trong quý II/2024 nói riêng, cũng như cả năm nay.

Trong báo cáo mới nhất, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán VNDirect đưa ra dự báo, tăng trưởng lợi nhuận ròng toàn ngành Ngân hàng trong năm 2024 sẽ đạt khoảng 23,8% so với cùng kỳ. Theo đó, sau một thời gian tăng giá do chính sách tiền tệ nới lỏng và môi trường lãi suất thấp, cổ phiếu ngân hàng được VNDirect đưa ra dự báo sẽ tiếp tục phân hóa và điều chỉnh dựa trên hiệu suất kinh doanh.

Chuyên gia của VNDirect đánh giá, đây là thời điểm tốt để tiếp tục tích lũy các cổ phiếu ngân hàng một cách có chọn lọc dựa trên triển vọng tăng trưởng. Quan điểm này dựa trên cơ sở sự phục hồi rõ rệt của nền kinh tế thực vào quý II/2024, làm giảm bớt những lo ngại liên quan đến chất lượng tài sản của hệ thống ngân hàng.

Ngoài ra, áp lực tỷ giá giảm khi lãi suất Mỹ giảm, và môi trường kinh tế tổng thể ổn định hơn sẽ giảm bớt áp lực thanh khoản cho hệ thống. Ngành Ngân hàng sẽ là ngành đầu tiên hưởng lợi từ sự phục hồi kinh tế. Tỷ lệ P/B (giá trên giá trị sổ sách) của ngành Ngân hàng thấp hơn so với trung bình 5 năm. Áp lực bán từ các nhà đầu tư nước ngoài đang dần giảm.

Chất lượng tài sản sẽ là vấn đề cần quan tâm khi cuối thời điểm quý II/2024 ghi nhận nợ xấu tại nhiều nhà băng tăng mạnh. Dù vậy, theo quan điểm từ các chuyên gia của Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), tình hình nợ xấu sẽ được cải thiện hơn so với năm 2023 nhờ Thông tư sửa đổi Thông tư 23/2023/TT-NHNN dự kiến sẽ được gia hạn đến hết năm 2024; chính sách hỗ trợ của các ngân hàng thông qua lãi suất; tháo gỡ những vấn đề pháp lý để các doanh nghiệp tiếp tục triển khai mở rộng hoạt động kinh doanh - sản xuất.

Theo ông Barry Weisblatt David - Giám đốc Khối phân tích, Công ty CP chứng khoán VNDIRECT, thị trường hiện tại nhiều nhóm ngành sẽ mang lại cơ hội đầu tư tốt cho thời gian còn lại của năm 2024, trong đó có nhóm ngành ngân hàng.

“Mặc dù phải thừa nhận chất lượng tài sản đã suy giảm trong thời gian gần đây, nhưng chúng tôi tin rằng, chất lượng tài sản sẽ phục hồi trong những tháng tới khi nền kinh tế Việt Nam được cải thiện. Hơn nữa, các luật liên quan tới thị trường bất động sản mới sẽ giúp các ngân hàng dễ dàng hơn trong việc ghi nhận giá trị từ tài sản thế chấp. Quan trọng hơn, chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ, vượt mục tiêu 15% của NHNN sẽ thúc đẩy thu nhập” - ông Barry Weisblatt David cho hay.

Khi USD suy yếu sẽ giảm áp lực cho chính sách tiền tệ

“Đồng USD suy yếu sẽ giảm bớt sức ép phải có hành động thắt chặt chính sách, nhằm hỗ trợ tỷ giá từ phía Ngân hàng Nhà nước, từ đó giảm nguy cơ khiến mặt bằng lãi suất tăng cao, điều vốn có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng tín dụng. Hơn nữa, các ngân hàng hiện đang giao dịch ở mức P/B hấp dẫn là 1,7 lần, thấp hơn một chút so với mức trung bình 5 năm” - ông Barry Weisblatt David.