Mùa đại hội cổ đông ‘nóng’ dần: 2 ông lớn dời lịch, 5 nhà băng cùng tổ chức trong 1 ngày

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV - Mã: BID) vừa thông báo điều chỉnh thời gian tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên (ĐHĐCĐ) năm 2025. Cụ thể, đại hội sẽ diễn ra vào ngày 26/4, thay vì ngày 4/4 như thông báo trước đó.

Các nội dung khác như hình thức, địa điểm tổ chức, chương trình và tài liệu dự kiến vẫn giữ nguyên theo Nghị quyết công bố ngày 17/2/2025.

Đại hội sẽ được tổ chức tại Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, số 773 đường Hồng Hà, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Mùa đại hội cổ đông ‘nóng’ dần: 2 ông lớn dời lịch, 5 nhà băng cùng tổ chức trong 1 ngày
BIDV dời lịch họp đại hội cổ đông. Ảnh minh họa

Trước BIDV, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank - Mã: CTG) cũng rời ngày tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2025 từ ngày 1/4 sang ngày 18/4. Hình thức tổ chức, địa điểm, nội dung dự kiến và các thông tin liên quan không có sự thay đổi so với thông báo mời họp trước đó.

Như vậy, phần lớn các ngân hàng lớn sẽ tổ chức ĐHĐCĐ vào nửa cuối tháng 4. Bên cạnh VietinBank và BIDV, nhiều ngân hàng như SHB, MB, Techcombank, HDBank, Sacombank, VPBank và Vietcombank cũng lên lịch tổ chức trong khoảng từ ngày 22 đến 29/4.

Riêng ngày 26/4 sẽ chứng kiến 5 ngân hàng cùng tổ chức đại hội gồm: MB, Vietcombank, VietABank, VietBank và BIDV.

Hầu hết ngân hàng lựa chọn tổ chức đại hội tại Hà Nội và TP. HCM, trong khi một số ngân hàng tổ chức tại địa phương như BacABank (Nghệ An), LPBank (Ninh Bình) hay PVcomBank (Quảng Ninh).

Mùa đại hội cổ đông năm nay, tâm điểm sẽ xoay quanh kế hoạch kinh doanh năm 2025, phương án chia cổ tức, tăng vốn điều lệ và các vấn đề nhân sự cấp cao.

Theo Chứng khoán MBS, lợi nhuận ngành ngân hàng trong quý I/2025 có thể tăng trưởng khoảng 15% so với cùng kỳ năm trước, nhờ tín dụng khởi sắc ngay từ đầu năm. Một số ngân hàng thậm chí có mức tăng trưởng đột phá, lên đến 50%.

Tín dụng tăng tốc là động lực chính thúc đẩy lợi nhuận ngành ngân hàng. Tính đến ngày 12/3/2025, tín dụng đã tăng 1,24%, cao hơn đáng kể so với mức 0,26% cùng kỳ năm trước.

Dự báo trong quý I/2025, biên lãi thuần (NIM) sẽ đi ngang so với quý trước, nhưng vẫn thấp hơn mức trung bình năm 2024 do các ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất cho vay nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng. Chi phí trích lập dự phòng dự kiến giảm so với quý IV/2024 và duy trì ở mức tương đương cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, nhóm ngân hàng thương mại cổ phần có thể phải trích lập cao hơn do chất lượng tài sản suy giảm.

Xem thêm tại nguoiquansat.vn