Nâng hạng thị trường chứng khoán trong thời gian sớm nhất
Nỗ lực đưa ra những giải pháp phù hợp
Phát biểu tại Hội thảo “Tạo động lực nâng hạng thị trường chứng khoán” do Báo Lao động tổ chức, ông Nguyễn Ngọc Hiển, Tổng Biên tập Báo Lao động cho biết, chiến lược phát triển thị trường chứng khoán (TTCK) đến năm 2030 đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 nâng hạng Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi theo tiêu chuẩn phân hạng của các tổ chức quốc tế.
Việc nâng hạng thị trường luôn được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm và chỉ đạo sát sao. Khi nâng hạng thành công sẽ góp phần nâng cao uy tín và hình ảnh của doanh nghiệp trên thị trường quốc tế, thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài và tăng thanh khoản cho cổ phiếu của doanh nghiệp. Điều này được kỳ vọng sẽ lan tỏa tích cực đến các lĩnh vực khác của nền kinh tế.
Theo ông Hiển, nâng hạng thị trường không chỉ là mục tiêu cần thực hiện mà còn là động lực để các doanh nghiệp niêm yết, nhà đầu tư tham gia thị trường chung tay đóng góp, xây dựng một thị trường hấp dẫn trong mắt giới đầu tư nước ngoài.
“Phát triển TTCK là một yêu cầu khách quan, không thể tách rời với phát triển kinh tế đất nước. Nhưng để sớm tháo nút thắt nâng hạng thị trường, cần đến sự phối hợp của nhiều bộ, ngành, đặt ra các yêu cầu đối với việc thay đổi các chính sách, quy định pháp luật có liên quan”, ông Nguyễn Ngọc Hiển nhấn mạnh.
Chia sẻ tại hội thảo, ông Vũ Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết, những nỗ lực không ngừng trong việc đổi mới và hoàn thiện khung khổ chính sách và điều hành đã giúp TTCK Việt Nam khẳng định sức hút mạnh mẽ của mình sau hơn hai thập kỷ hoạt động.
Điều này được minh chứng qua chất lượng hàng hóa trên sàn, quy mô giao dịch, cũng như số lượng nhà đầu tư tham gia ngày càng tăng, với chất lượng được nâng cao liên tục. TTCK Việt Nam đã trở thành một trong những thị trường có tốc độ phát triển nhanh nhất về quy mô và thanh khoản trong khu vực.
Hàng năm, một số tổ chức xếp hạng thị trường lớn như FTSE Russell, MSCI, S&P, và Dow Jones cung cấp việc xếp hạng các thị trường tài chính toàn cầu với mục đích đánh giá sự hấp dẫn của thị trường cổ phiếu của các quốc gia cho các nhà đầu tư tham khảo.
“Tuy nhiên, do hầu hết các quỹ ETF đều theo đuổi cổ phiếu ở các thị trường mới nổi và phát triển, Việt Nam và những quốc gia vẫn nằm trong phân loại thị trường cận biên cần hành động nhanh chóng để được phân loại lại thành thị trường mới nổi nếu muốn thu hút thêm luồng vốn đầu tư từ các tổ chức đầu tư quốc tế”, ông Vũ Chí Dũng nhấn mạnh.
Theo ông Dũng, để một TTCK phát triển bền vững, đó phải là một TTCK thực sự “khỏe mạnh”, minh bạch, đảm bảo công bằng cho tất cả nhà đầu tư tham gia trên thị trường.
Với vai trò là cơ quan trực tiếp quản lý, giám sát TTCK, UBCKNN đã, đang và sẽ tiếp tục nỗ lực đưa ra những giải pháp phù hợp đáp ứng được các tiêu chí của các tổ chức đánh giá xếp hạng thị trường hướng tới mục tiêu nâng hạng TTCK Việt Nam từ cận biên lên mới nổi và đảm bảo sự vận hành liên tục, thông suốt, ổn định, minh bạch của thị trường.
Nâng hạng thị trường càng sớm càng tốt
Theo ông Nguyễn Khắc Hải, Giám đốc Khối phụ trách luật và Kiểm soát tuân thủ, Công ty Chứng khoán SSI, để nâng hạng TTCK, các công ty chứng khoán cần bổ sung nguồn lực về vốn; hệ thống quản trị rủi ro của các công ty chứng khoán phải được nâng cấp để hạn chế rủi ro thanh toán và rủi ro hoạt động; phát triển đồng bộ hệ thống vận hành và cung cấp các sản phẩm dịch vụ tới nhà đầu tư nước ngoài; các công ty chứng khoán sẽ phải nâng cấp hệ thống để kết nối trực tuyến với nhà đầu tư nước ngoài nhằm nâng cao năng lực thực thi lệnh.
Liên quan tới hệ thống vận hành và cung cấp các sản phẩm dịch vụ tới nhà đầu tư nước ngoài, theo ông Hải, một điểm trở ngại lớn đối với các nhà đầu tư nước ngoài là mức độ tiếp cận thông tin bằng tiếng Anh của các DN niêm yết theo tiêu chuẩn thế giới.
Do đó, các công ty chứng khoán cần hỗ trợ việc kết nối giữa các DN niêm yết và nhà đầu tư nước ngoài thông qua các báo cáo nghiên cứu phân tích bằng tiếng Anh và dịch vụ hỗ trợ kết nối DN.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh việc Việt Nam thống nhất mục tiêu và lợi ích của việc nâng hạng TTCK Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi.
“Mục tiêu của chúng ta là thực hiện việc nâng hạng càng sớm càng tốt, cố gắng tuân thủ lộ trình đã được phê duyệt trong quá trình phát triển của TTCK Việt Nam. Chúng ta cũng thống nhất những lợi ích cho các chủ thể tham gia thị trường, rộng nhất là lợi ích cho nền kinh tế Việt Nam, hướng tới mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, Thứ trưởng nói.
Theo Thứ trưởng, nâng hạng TTCK Việt Nam sẽ khẳng định vị thế, cải thiện thanh khoản, chất lượng TTCK Việt Nam trong khu vực và quốc tế. Nâng hạng thị trường giúp cho sự tín nhiệm TTCK cũng như tín nhiệm quốc gia được cải thiện, tạo thuận lợi trong phát triển kinh tế- xã hội.
Bên cạnh đó, chúng ta đã thống nhất được các tiêu chuẩn, yêu cầu, quy định quốc tế để thống nhất các bước đi tiếp theo. Đồng thời, nhận diện được các thách thức, rủi ro để các chủ thể tham gia thị trường có những biện pháp hạn chế rủi ro ở mức thấp nhất.
“Chúng ta đã xem xét thay đổi điều kiện ký quỹ của nhà đầu tư trước khi giao dịch. Điều này sẽ có rủi ro nhưng chúng ta phải đối mặt với rủi ro và tìm giải pháp”, Thứ trưởng dẫn chứng.
Đánh giá cao các chủ thể tham gia thị trường trong ý thức xây dựng thị trường minh bạch, lành mạnh, Thứ trưởng bày tỏ hi vọng tinh thần này sẽ lan tỏa mạnh hơn nữa ra toàn thị trường, nhất là đối với các công ty niêm yết.
“Để đạt được mục tiêu nâng hạng TTCK, chúng tôi sẵn sàng giữ vai trò tiên phong để thực hiện quá trình này. Cơ quan quản lý nhà nước đi đầu nhưng không đi một mình, tất cả chúng ta phải đi cùng nhau, UBCKNN, DN niêm yết, các đơn vị truyền thông… cùng hướng tới nâng hạng TTCK trong thời gian sớm nhất”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Xem thêm tại haiquanonline.com.vn