Ngân hàng cấp tập huy động vốn dài hạn; Xác thực sinh trắc học giúp tăng tốc độ làm sạch dữ liệu

Ngân hàng chạy đua huy động vốn trung, dài hạn

Nhiều ngân hàng cho hay, tín dụng nửa đầu năm giảm một phần do áp lực vốn trung, dài hạn gia tăng nhằm đáp ứng các yêu cầu về an toàn vốn. Cũng vì vậy, từ đầu năm đến nay, các ngân hàng dồn dập phát hành trái phiếu tăng vốn cấp 2.

Bắt đầu từ cuối năm ngoái, các ngân hàng phải giảm tỷ lệ tối đa sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn xuống 30%, thay vì mức 34% trước đó. Quy định này tác động trực tiếp tới hoạt động kinh doanh của các ngân hàng.

Ngân hàng SHB cho hay, tính tới giữa tháng 6/2024, tín dụng của ngân hàng này chỉ tăng hơn 2,5%. “Một trong những nguyên nhân khiến tín dụng tăng chậm là do quy định giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn. Với quy định này, để tài trợ cho các Dự án, chúng tôi phải thu xếp nhiều vốn hơn trước”, đại diện SHB cho biết.

Trong khi đó, phía Vietcombank cũng cho hay, tín dụng trung, dài hạn của ngân hàng này giảm suốt năm 2023 và chỉ tăng trở lại ở mức 0,39% trong 5 tháng đầu năm nay.

Ngân hàng Nhà nước quy định các ngân hàng phải đáp ứng một số tỷ lệ an toàn tài chính. Theo đó, tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn là dưới 30%, tỷ lệ cho vay/tổng huy động vốn là dưới 85%, Hệ số An toàn vốn phải trên 8%...

Vài năm gần đây, lãi suất tiết kiệm thấp khiến huy động tiền gửi trung, dài hạn của các ngân hàng chậm lại. Do đó, để đáp ứng các quy định về tỷ lệ an toàn vốn, các ngân hàng cấp tập phát hành trái phiếu dài hạn để bổ sung vốn cấp 2. Năm 2023, các ngân hàng phát hành tổng cộng 196.000 tỷ đồng trái phiếu, trong đó trái phiếu tăng vốn cấp 2 đóng góp 35% tổng giá trị phát hành. Tính đến cuối năm 2023, có 72% trái phiếu tăng vốn cấp 2 đang lưu hành được phát hành bởi các ngân hàng quốc doanh.

Từ đầu năm đến nay, các ngân hàng đã phát gần 80.000 tỷ đồng trái phiếu, chiếm 64% tổng giá trị trái phiếu phát hành.

“Sở dĩ các ngân hàng đẩy mạnh phát hành trái phiếu trở lại là nhằm tăng vốn cấp 2 để đáp ứng chuẩn Basel II và Basel III”, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng nhận định.

Theo các chuyên gia phân tích FiinRatings, nhu cầu tín dụng nửa cuối năm nay sẽ tăng, để đáp ứng nhu cầu vay của doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng sẽ cần củng cố nguồn vốn trung và dài hạn, trong đó bao gồm hình thức phát hành trái phiếu để tăng vốn cấp 2. Do đó, hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng sẽ bận rộn hơn trong thời gian tới.

VIS Ratings cũng dự báo, khối ngân hàng sẽ tiếp tục tăng mạnh phát hành trái phiếu trong năm 2024. Quy định chặt chẽ hơn về tỷ lệ vốn giải ngân cho vay trung và dài hạn sẽ thúc đẩy ngân hàng phát hành trái phiếu nhiều hơn để bổ sung cơ cấu nguồn vốn dài hạn. Đồng thời, trong môi trường lãi suất thấp, ngân hàng sẽ có động lực để mua lại và phát hành trái phiếu có lãi suất hấp dẫn hơn.

So với phát hành cổ phần để tăng vốn, thì việc phát hành trái phiếu dài hạn để huy động vốn cấp 2 đơn giản hơn rất nhiều. Trái phiếu cũng có kỳ hạn dài hơn các nguồn vốn thị trường khác như vay liên ngân hàng và chứng chỉ tiền gửi, từ đó giảm khả năng dễ bị tổn thương trước rủi ro tái cấp vốn và rủi ro thanh khoản. Chưa kể, với các ngân hàng đang gặp vấn đề về rủi ro tài sản hoặc không thể huy động vốn cổ phần mới, thì phát hành trái phiếu tăng vốn cấp 2 là lựa chọn lý tưởng nhất.

Theo quy định hiện hành, giá trị mệnh giá trái phiếu tăng vốn cấp 2 đang lưu hành được ghi nhận vào vốn tự có sẽ bị khấu trừ 20% mỗi năm trong 5 năm cuối của kỳ hạn trái phiếu. Ngân hàng dồn dập phát hành trái phiếu gần đây một phần là để thay thế những trái phiếu đang bị khấu trừ hoặc bị mua lại sớm và để bù đắp sự tăng trưởng của tài sản có trọng số rủi ro.

“Chúng tôi kỳ vọng, ngành ngân hàng sẽ phát hành hơn 283.000 tỷ đồng trái phiếu tăng vốn cấp 2 trong 3 năm tới. Phần lớn trái phiếu tăng vốn cấp 2 mới sẽ do các ngân hàng quốc doanh phát hành. Trong 3 năm tới, dự báo gần 55% trái phiếu tăng vốn cấp 2 mới sẽ được phát hành bởi nhóm ngân hàng quốc doanh do trái phiếu tăng vốn cấp 2 đang lưu hành của các ngân hàng này bị giảm đáng kể do bị khấu trừ. Một vài ngân hàng tư nhân nhỏ có khả năng sinh lời yếu sẽ phát hành trái phiếu tăng vốn cấp 2 để hỗ trợ 3-4% tỷ lệ an toàn vốn. Ngoài ra, một số ngân hàng tư nhân quy mô vừa và lớn sẽ sử dụng trái phiếu tăng vốn cấp 2 để hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng tín dụng cao”, ông Nguyễn Đức Huy, chuyên viên phân tích VIS Ratings nhận định.

Ngoài phát hành trái phiếu riêng lẻ, dự đoán, các ngân hàng cũng sẽ tăng phát hành trái phiếu ra công chúng để huy động vốn. Hiện nay, đa phần trái phiếu tăng vốn cấp 2 phát hành đại chúng của ngân hàng được nhà đầu tư cá nhân nắm giữ. Nhu cầu đầu tư trái phiếu của nhà đầu tư vẫn ở mức cao do lãi suất tiết kiệm đang ở mức thấp và trái phiếu ngân hàng có tính an toàn cao (chưa có trường hợp trái phiếu ngân hàng nào bị chậm trả gốc, lãi). 

Sau 3 ngày xác thực sinh trắc học, tốc độ "làm sạch" tài khoản ngân hàng tăng chóng mặt

Tốc độ làm sạch tài khoản khách hàng tăng chóng mặt chỉ sau 3 ngày thực hiện xác thực sinh trắc học. Sau vài ngày đầu nghẽn mạng do tốc độ giao dịch tăng gấp 10 lần bình thường, hệ thống đã giao dịch đã thông suốt trở lại.

Theo thống kê của ngân hàng Nhà nước (NHNN), sau ba ngày thực hiện xác thực sinh trắc học (từ 1/7/2024 đến 17h chiều ngày 3/7), có 16,6 triệu tài khoản khách hàng đã được các ngân hàng đối chiếu với dữ liệu sinh trắc học Bộ công an, theo Quyết định số 2345/QĐ-NHNN.

“Số lượng xác thực sinh trắc học trong 3 ngày này bằng lượng tài khoản mở mới một năm của cả ngành ngân hàng”, Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng cho biết.

Trong hai ngày đầu tháng 7, app của nhiều ngân hàng rơi vào tình trạng nghẽn mạng, điểm giao dịch trực tiếp của nhiều ngân hàng cũng trong cảnh chật kín người dân đến xác thực thì đến nay, giao dịch đã thông suốt, tình trạng người dân đến xác thực trực tiếp tại ngân hàng cũng không còn nhiều.

Về cơ bản, đa số người có tài khoản có thể xác thực được qua điện thoại có NFC. Số ít có vướng mắc và được các ngân hàng hỗ trợ tại quầy. Hiện có ngân hàng đã làm xong xác thực 2,6 triệu tài khoản khách hàng chỉ trong vài ngày.

Lãnh đạo NHNN giải thích, tình trạng nghẽn mạng, ách tắc cục bộ hầu như chỉ xảy ra vào ngày đầu tiên vì giao dịch tăng lên đột biến, lượng giao dịch cao 10-20 lần so với bình thường. Trong ngày 2 và 3/7, giao dịch thông suốt hơn và hiện tại đã hoàn toàn thông suốt. Đa số người làm sinh trắc học thành công, không vướng mắc. Chỉ có khoảng 10% trong số 16,6 triệu tài khoản đã xác thực sinh trắc học được hỗ trợ tại quầy.

Ở góc độ ngân hàng, bà Nguyễn Thị Quỳnh Giao, Phó tổng giám đốc BIDV, cho biết, ngày đầu tiên thực hiện sinh trắc học, một số người dân gặp trục trặc trong chuyển tiền song hệ thống sau đó đã dần ổn định.

"Chúng tôi có 7.000 cán bộ được đào tạo hỗ trợ người dân 24/7 bằng nhiều hình thức. Tính đến đêm qua, đã có hơn 1,7 triệu xác thực thành công sinh trắc học, trong đó có 166.000 thu thập tại quầy", bà Giao nói.

Thông cảm với trải nghiệm không tốt của một số khách hàng, ông Nguyễn Danh Đức, Phó tổng giám đốc SHB cho biết, mục đích của các ngân hàng là chống lừa đảo, bảo vệ an toàn người dùng. Tuy nhiên, càng dùng biện pháp kỹ thuật gây khó khăn cho tội phạm thì cũng gây khó khăn nhất định trong trải nghiệm của người dân. Đây là bài toán khó cho ngân hàng để vừa đảm bảo an ninh, vừa đảm bảo trải nghiệm tốt trong thanh toán cho khách hàng.

Đối với thông tin phản ánh của truyền thông, người dùng về việc triển khai sinh trắc học trong thời gian gấp gáp, không có thời gian thí điểm, gây ra sự tắc nghẽn cục bộ, ông Dũng cho rằng, Quyết định số 2345/QĐ-NHNN được xây dựng từ tháng 3/2023 và chính thức ban hành từ tháng 12/2023, do đó ngành Ngân hàng đã có sự chủ động chuẩn bị kĩ lưỡng.

Khẳng định lại các điểm quan trọng của Quyết định số 2345/QĐ-NHNN, Phó Thống đốc NHNN chia sẻ, trước đây nhiều người lo sợ giấy tờ của mình bị các đối tượng chụp lại và mở tài khoản bằng giấy tờ giả, hoặc thậm chí mở tài khoản ngân hàng bằng giấy tờ thật của mình, nhưng người thực hiện giao dịch lại là kẻ khác với mục đích lừa đảo.

Tuy nhiên, với Quyết định số 2345/QĐ-NHNN, tình trạng này sẽ được giải quyết dứt điểm, việc mở tài khoản sẽ đúng người, mở bằng chính căn cước công dân đã được cơ quan chức năng công nhận.

"Quyết định số 2345/QĐ-NHNN bản chất là để làm sạch tài khoản ngân hàng, xóa các tài khoản không chính chủ. Chúng ta có thể yên tâm rằng, không có tài khoản ngân hàng nào sử dụng giấy tờ giả được nếu đã xác thực sinh trắc học", ông Dũng nói.

Bộ Công an: Lừa đảo chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng đang trở thành “nghề kiếm tiền” béo bở

Theo đại diện Bộ Công an, hầu hết tài khoản nhận tiền lừa đảo đều không chính chủ. Vì vậy, việc xác thực sinh học với giao dịch chuyển tiền trên 10 triệu đồng rất có hiệu quả trong phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng.

Trung tá Triệu Mạnh Tùng - Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05).
Trung tá Triệu Mạnh Tùng - Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05).

Trung tá Triệu Mạnh Tùng - Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05) cho hay, rủi ro an ninh mạng trong bối cảnh hiện nay là rất lớn, nếu không quản lý được việc mở tài khoản, sử dụng tài khoản để giao dịch là chính chủ, bất kỳ tội phạm nào cũng có thể lợi dụng. 

Các đối tượng lừa đảo ngày càng chuyên nghiệp, quy mô có tổ chức lên tới hàng trăm người, ngồi văn phòng, phân vai nhiệm vụ rõ ràng: Có nhóm chuyên nghiên cứu kịch bản; có nhóm được đào tạo để thực hiện kịch bản lừa đảo, ứng biến với các tình huống sau vài tháng học việc; có nhóm xử lý dòng tiền…

Các kịch bản được các đối tượng lừa đảo “sáng tạo” rất nhanh. Đơn cử, ngành ngân hàng mới thực hiện xác thực sinh trắc học từ ngày 1/7 thì ngay lập tức đã xuất hiện hình thức lừa đảo giả danh cán bộ ngân hàng hướng dẫn người dân xác thực sinh trắc học. Các đối tượng giả danh cũng ngày càng chuyên nghiệp, thành thạo. Trước đây, các đối tượng lừa đảo giả danh công an, cán bộ kiểm soát dễ bị phát hiện bởi sử dụng nhiều khái niệm, câu lệnh còn sai thì hiện nay, tất cả câu lệnh, thuật ngữ chuyên ngành đã được các đối tượng sử dụng gần như hoàn toàn chính xác. Việc xử lý dòng tiền cũng được các đối tượng lừa đảo xử lý rất nhanh. Sau khi tiền lừa đảo về tài khoản người nhận (đều là tài khoản không chính chủ mua từ người khác), chỉ cần vài giây là dòng tiền tỏa đi các hướng.

Đơn cử, năm 2023, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) phối hợp với Công an Quảng Bình phát hiện đường dây lừa đảo trên mạng với 300 đối tượng.

Chính vì vậy, theo ông Tùng, việc ngành ngân hàng thực hiện yêu cầu xác thực sinh trắc học với giao dịch chuyển tiền trên 10 triệu đồng/giao dịch hoặc tổng giá trị giao dịch trong ngày trên 20 triệu đồng hết sức quan trọng.

Trung tá Triệu Mạnh Tùng cũng chỉ ra 4 “chiêu” lừa đảo phổ biến nhất hiện nay.

Thứ nhất là mạo danh các cơ quan tổ chức, cá nhân có uy tín, người thân, ngân hàng… chiếm 50% hoạt động, phương thức lừa đảo.

Thứ hai là mời gọi đầu tư vào loại hình kinh doanh trên mạng. Thời gian qua, các đối tượng lừa đảo đã kêu gọi đầu tư vào sàn vàng, sàn chứng khoán quốc tế… Theo đó, đối tượng dụ người chơi bằng cách cho đánh thắng vài lần, tài khoản tăng lên vài lần nhưng không rút tiền ra được. Muốn rút được tiền, người chơi phải nộp thêm tiền. Cứ như vậy, có nhà đầu tư đã mất đến 20-30 tỷ đồng.

Thứ ba là dùng thông tin nhạy cảm để tống tiền, chủ yếu đánh lừa tình cảm, sau đó  dẫn dụ nạn nhân gửi thông tin, video, hình ảnh nhạy cảm sau đó dùng những clip nhạy cảm này đe dọa và tống tiền. Khi chuyển tiền lần 1, đối tượng tiếp tục đeo bám tống tiền những lần tiếp theo. Do đó, mọi người phải hết sức cảnh giác trước phương thức thủ đoạn này. Thời gian qua có rất nhiều người, có cả người làm trong cơ quan nhà nước bị sập bẫy. Hoạt động lừa đảo này rất chuyên nghiệp, có tổ chức và có kịch bản rõ ràng.

Thứ tư là lừa cài ứng dụng chứa mã độc hại để chiếm quyền sử dụng tài khoản.

Từ thực tế trên, Trung tá Triệu Mạnh Tùng đề xuất ngành ngân hàng cần triển khai thực hiện thật tốt xác thực sinh trắc học khi chuyển tiền, loại bỏ tài khoản không chính chủ, từ đó bảo vệ khách hàng và ngăn chặn lừa đảo.   

Tín dụng tăng tốc bất thường?

Tăng trưởng tín dụng trong hơn 3 tuần đầu tháng 6/2024 cao gần bằng mức đạt được của 5 tháng đầu năm. Với tốc độ này, khả năng mục tiêu 15% của cả năm là hoàn toàn có thể đạt được.

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, tính tới ngày 24/6/2024, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 4,45%, gần đạt mục tiêu Chính phủ đề ra (đến hết quý II/2024 tăng 5-6%). Trước đó, theo thông báo của ngân hàng Nhà nước (NHNN), tín dụng tính tới cuối tháng 5/2024 tăng 2,41%. Như vậy, chỉ riêng trong hơn 3 tuần đầu tháng 6, tín dụng đã tăng 2,04%, gần bằng tốc độ tăng 5 tháng đầu năm cộng lại.

Theo NHNN, đây là hiện tượng bình thường, tín dụng có xu hướng tăng cao nửa cuối năm và sụt giảm những tháng đầu năm. Nếu tốc độ tăng trưởng tín dụng này được duy trì, khả năng tín dụng cả năm đạt 15% không phải là mục tiêu bất khả thi.

Dù tín dụng chỉ đạt xấp xỉ mục tiêu đề ra, song theo các chuyên gia, tín dụng đã cải thiện rõ rệt từng tháng. Riêng quý II/2024, số tiền được đẩy ra nền kinh tế là 422.000 tỷ đồng, cao hơn đáng kể so với quý I.

“Tín dụng thường tăng tốc nửa cuối năm, nên tốc độ tăng tín dụng nửa đầu năm như hiện nay là không đáng ngại, phù hợp với tốc độ phục hồi của nền kinh tế. Tín dụng tăng chậm một phần do nợ xấu cao, ngân hàng thương mại thận trọng cho vay. Bên cạnh đó, áp lực tỷ giá buộc NHNN phải thận trọng cung tiền, đây cũng là một lý do nữa khiến tín dụng nửa đầu năm tăng chậm”, TS. Nguyễn Đức Độ, Phó viện trưởng Viện Kinh tế tài chính nhận định.

Dù room tín dụng đã được NHNN cấp cho các ngân hàng từ đầu năm, song NHNN cho biết, sẽ rà soát lại khả năng tăng trưởng tín dụng của từng ngân hàng và điều hòa trong toàn hệ thống để chuyển từ ngân hàng không có nhu cầu sang các ngân hàng có khả năng tăng trưởng.

Ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) yêu cầu các ngân hàng thương mại rà soát và báo cáo lại khả năng tăng trưởng tín dụng 6 tháng cuối năm để NHNN phân bổ phù hợp, nếu ngân hàng nào cố tình “ôm” room tín dụng nhưng không thể tăng trưởng thì sẽ bị xem xét khi cấp room tín dụng năm tới.

Tín dụng cứ tăng mãi ở mức 15%/năm là rủi ro

Mặc dù tín dụng nửa đầu năm tăng chậm, song nhiều ngân hàng đều lạc quan về khả năng tăng trưởng tín dụng cả năm. Tại Vietcombank, tính tới giữa tháng 6/2024, tín dụng mới tăng 2,1%, song dự kiến đến hết ngày 30/6/2024 sẽ tăng 4,3%, đến hết ngày 30/9/2024 tăng 8,2% và đến cuối năm tăng 12%. Ttín dụng tính tới giữa tháng 6/2024 tại SHB chỉ tăng hơn 2,5%, song đến ngày 30/6 tăng khoảng 5% và hết năm nay dự kiến tăng khoảng 14%...

Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú nhắc nhở các ngân hàng về tín dụng tăng vọt bất ngờ và yêu cầu các ngân hàng không tăng trưởng tín dụng bằng mọi giá, mà phải chú trọng chất lượng. Lãnh đạo nhiều ngân hàng giải thích, sở dĩ tín dụng có sự tăng trưởng bất ngờ trong tháng 6/2024 và nửa cuối năm 2024 là bởi nửa đầu năm, doanh nghiệp tập trung đàm phán, hợp đồng chủ yếu ký kết từ giữa năm, phần lớn các hợp đồng tín dụng lớn cũng được giải ngân nửa cuối năm.

Dù vậy, theo phản ánh, hiện nay, tiếp cận tín dụng chủ yếu là các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) vẫn gặp khó khăn bởi thiếu tài sản đảm bảo và các ngân hàng có xu hướng thận trọng hơn. Khảo sát mới đây của Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM cho thấy, có tới 41% doanh nghiệp không còn tài sản thế chấp đủ pháp lý để vay vốn.

Ông Nguyễn Kim Hùng, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho biết, nhiều doanh nghiệp SME đang phải đối mặt với tình trạng càng kinh doanh càng lỗ; bị chiếm dụng vốn (các doanh nghiệp Việt Nam có xu hướng chiếm dụng vốn lẫn nhau, trong đó doanh nghiệp SME bị chiếm dụng vốn nhiều nhất); phải ưu tiên xử lý các khoản nợ đến hạn thay vì vay mới...

Điểm tích cực hiện nay là mặt bằng lãi suất cho vay được duy trì ở mức ổn định, dù lãi suất huy động đã tăng khoảng 0,5%/năm trong vài tháng gần đây. Các ngân hàng thương mại khẳng định, sẽ duy trì mặt bằng lãi suất thấp để kích cầu tín dụng. 

TS. Nguyễn Đức Độ cho rằng, tín dụng không nên cứ tăng đều đặn ở mức độ 15%/năm, mà cần giảm dần. Hiện Việt Nam nằm trong nhóm quốc gia có tỷ lệ tín dụng/GDP cao nhất thế giới. Nếu tình trạng này kéo dài - tăng trưởng GDP mỗi năm khoảng 5-6%/năm (cộng với lạm phát khoảng 4%/năm) trong khi tín dụng tăng 15% - thì tỷ lệ dư nợ tín dụng trên GDP ngày càng lớn, trở thành “quả bom nổ chậm”, dễ tạo “bong bóng” đầu cơ tài sản.

Chính vì vậy, theo chuyên gia này, ngay cả khi tín dụng năm nay không tăng trưởng 15%/năm thì cũng không đáng ngại, mà dần dần phải kéo giảm con số này, thay vào đó là phát triển các kênh huy động vốn khác, giảm phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng.

Từ tháng 7/2024: Vay vốn phải khai thông tin người có liên quan

Từ 1/7/2024, trong một số trường hợp, khách hàng khi vay vốn ngân hàng không chỉ phải chứng minh mục đích sử dụng vốn mà còn phải khai thông tin về người liên quan cũng như báo cáo sử dụng vốn vay, theo quy định tại Thông tư 12/2024/TT-NHNN.

Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư 12/2024/TT-NHNN (Thông tư số 12) sửa đổi một số quy định về hoạt động cho vay vốn ngân hàng tại Thông tư 39/2016/TT-NHNN, có hiệu lực từ ngày 1/7/2024. Trong đó, Thông tư 12/2024/TT-NHNN có một số sửa đổi quan trọng như sau:

Về hồ sơ đề nghị vay vốn của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng, Thông tư quy định: Khi có nhu cầu vay vốn, khách hàng phải cung cấp cho tổ chức tín dụng: Thông tin, tài liệu, dữ liệu chứng minh đủ điều kiện vay vốn theo quy định tại Điều 7 Thông tư 39/2016/TT-NHNN (sửa đổi tại Thông tư 06/2023/TT-NHNN, Thông tư 12/2024/TT-NHNN) và các thông tin, tài liệu, dữ liệu khác do tổ chức tín dụng hướng dẫn;

Ngoài ra, trong một số trường hợp, khách hàng phải cung cấp thông tin về người có liên quan của khách hàng. Việc cung cấp thông tin về người có liên quan của khách hàng áp dụng trong các trường hợp: Tại thời điểm đề nghị cho vay tại ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, khách hàng có tổng mức dư nợ cấp tín dụng (bao gồm cả mức dư nợ cho vay mà khách hàng đang đề nghị cho vay) lớn hơn hoặc bằng 0,1% vốn tự có của ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đó tại cuối ngày làm việc gần nhất;

Hoặc tại thời điểm đề nghị cho vay tại tổ chức tín dụng phi ngân hàng, tổ chức tài chính vi mô, khách hàng có tổng mức dư nợ cấp tín dụng (bao gồm cả mức dư nợ cho vay mà khách hàng đang đề nghị cho vay) lớn hơn hoặc bằng 0,5% vốn tự có của tổ chức tín dụng phi ngân hàng, tổ chức tài chính vi mô đó tại cuối ngày làm việc gần nhất;

Hoặc tại thời điểm đề nghị cho vay tại quỹ tín dụng nhân dân, khách hàng có tổng mức dư nợ cấp tín dụng (bao gồm cả mức dư nợ cho vay mà khách hàng đang đề nghị cho vay) lớn hơn hoặc bằng 1% vốn tự có của quỹ tín dụng nhân dân đó tại cuối ngày làm việc gần nhất;

Trường hợp tổ chức tín dụng có vốn tự có âm, các tỷ lệ trên được áp dụng trên vốn điều lệ hoặc vốn được cấp đối với chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Các thông tin về người có liên quan là cá nhân, bao gồm: họ và tên; số định danh cá nhân; quốc tịch, số hộ chiếu, ngày cấp, nơi cấp đối với người nước ngoài; mối quan hệ với khách hàng.

Thông tin về người có liên quan là tổ chức, bao gồm: tên, mã số doanh nghiệp, địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp; số Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ pháp lý tương đương, người đại diện theo pháp luật, mối quan hệ với khách hàng.

Ngoài ra, Thông tư 12 cũng quy định, khách hàng vay vốn phải có mục đích sử dụng hợp pháp, có khả năng tài chính để trả nợ, có phương án sử dụng vốn khả thi… Tuy nhiên, với khoản vay cho vay có mức giá trị (không vượt quá 100 triệu đồng), khách hàng không phải chứng minh mục đích sử dụng vốn.

Thông tư quy định, đối với các khoản vay nhỏ, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải có biện pháp kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay đúng mục đích đã cam kết và trả nợ của khách hàng, đảm bảo khả năng thu hồi nợ gốc và lãi tiền vay đầy đủ, đúng hạn theo thỏa thuận.

Tổ chức tín dụng cũng phải có tối thiểu thông tin về mục đích sử dụng vốn hợp pháp, khả năng tài chính của khách hàng trước khi quyết định cho vay.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, quy định này nhằm phù hợp với đặc thù các khoản cho vay nhỏ, góp phần tạo điều kiện thuận lợi hơn cho khách hàng trong việc tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng với thủ tục đơn giản hơn, góp phần mở rộng hoạt động cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng, qua đó hạn chế “tín dụng đen”.

Mời ít nhất 5 ngân hàng tham gia hợp vốn bất thành, ngân hàng mới được cho vay vượt hạn mức

Tổ chức tín dụng (TCTD) phải phát hành thư mời hợp vốn tới ít nhất 5 TCTD khác và đăng tải rộng rải ít nhất 45 ngày, nhưng không có TCTD nào tham gia hợp vốn thì mới được xem xét cho vay vượt hạn mức tín dụng.

Dự án lớn trong lĩnh vưc giao thông, điện, than, dầu khí, xăng dầu… được ưu tiên cấp vượt hạn mức tín dụng

Phó thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký Quyết định số 9/2024/QĐ-TTg quy định về điều kiện, hồ sơ, thủ tục đề nghị chấp thuận mức cấp tín dụng tối đa vượt giới hạn của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Quyết định nêu rõ điều kiện xem xét chấp thuận khoản cấp tín dụng vượt giới hạn:

Khách hàng vay vốn, dự án, phương án được đề nghị cấp tín dụng vượt giới hạn đáp ứng một số điều kiện.

Thứ nhất, khách hàng đáp ứng đủ điều kiện cấp tín dụng theo quy định của pháp luật, không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng trong 03 năm liền kề trước thời điểm đề nghị cấp tín dụng vượt giới hạn, có hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu được ghi trên báo cáo tài chính năm của khách hàng tại thời điểm gần nhất với thời điểm đề nghị cấp tín dụng vượt giới hạn không quá ba lần.

Thứ hai, khách hàng có nhu cầu vốn để thực hiện các dự án, phương án sản xuất kinh doanh nhằm thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội của đất nước thuộc một trong các trường hợp sau:

- Triển khai các dự án, phương án có ý nghĩa kinh tế - xã hội quan trọng, cấp thiết nhằm thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, phục vụ nhu cầu thiết yếu của đời sống nhân dân thuộc các ngành, lĩnh vực: điện, than, dầu khí, xăng dầu, giao thông, vận tải công cộng và các lĩnh vực khác theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong từng thời kỳ;

- Triển khai các chương trình, dự án đầu tư được Quốc hội hoặc Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư;

- Đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên, khuyến khích theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế xã hội trong từng thời kỳ.

Thứ ba, dự án, phương án đề nghị cấp tín dụng vượt giới hạn đã được tổ chức tín dụng thẩm định và đánh giá là khả thi, khách hàng có khả năng trả nợ và quyết định cấp tín dụng; đáp ứng các quy định hiện hành về đầu tư và xây dựng, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sản xuất kinh doanh và đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Luật Các tổ chức tín dụng 2024 có hiệu lực từ ngày 1/7 đưa ra lộ trình giảm giới hạn cấp tín dụng. Theo đó, trong 5 năm tới, tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng sẽ giảm từ mức tối đa 15% hiện nay xuống 10% vốn tự có của ngân hàng (mỗi năm giảm 1%). Tổng mức dư nợ cấp tín dụng với một khách hàng và người có liên quan cũng giảm từ tối đa 25% về 15% (mỗi năm giảm 2%).

Ngân hàng chỉ được cấp tín dụng vượt hạn mức khi đã mời ngân hàng khác cho vay hợp vốn

Quyết định số 9/2024/QĐ-TTg ngày 1/7/2024 nêu rõ, tổ chức tín dụng phải đáp ứng một số điều kiện mới được cho vay vượt hạn mức tín dụng với doanh nghiệp.

ngân hàng chỉ được cho vay vượt hạn mức nếu trước đó đã mời ít nhất 5 ngân hàng khác hợp vốn nhưng không thành công
Ngân hàng chỉ được cho vay vượt hạn mức nếu trước đó đã mời ít nhất 5 ngân hàng khác hợp vốn nhưng không thành công

Trong đó, điều kiện đầu tiên là cấp tín dụng hợp vốn. Theo đó, tổ chức tín dụng đã đề xuất và thực hiện các thủ tục cần thiết theo quy định của pháp luật về việc cấp tín dụng hợp vốn đối với các dự án, phương án đề nghị cấp tín dụng vượt giới hạn mà khả năng hợp vốn của các tổ chức tín dụng chưa đáp ứng được yêu cầu vay vốn của một khách hàng.

Hoặc tổ chức tín dụng đã phát hành thư mời hợp vốn tới ít nhất 05 tổ chức tín dụng khác; đăng tải thư mời hợp vốn trên cổng thông tin điện tử chính thức của tổ chức tín dụng và cổng thông tin điện tử của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hoặc Tạp chí Ngân hàng hoặc Thời báo Ngân hàng trong thời gian ít nhất 45 ngày nhưng không có tổ chức tín dụng khác tham gia họp vốn.

Ngoài ra, tại thời điểm đề nghị cấp tín dụng vượt giới hạn, tổ chức tín dụng đáp ứng các yêu cầu về giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng và văn bản hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Thực hiện đầy đủ các yêu cầu liên quan đến trách nhiệm, nghĩa vụ được nêu tại hồ sơ đề nghị cấp tín dụng vượt giới hạn và các văn bản phê duyệt chấp thuận cấp tín dụng vượt giới hạn trước đó.

Khi cho vay vượt hạn mức tín dụng, tổ chức tín dụng phải đảm bảo tuân thủ quy định về giới hạn cấp tín dụng tại khoản 8 Điều 136 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 khi tính cả khoản cấp tín dụng vượt giới hạn đang đề nghị.

Xem thêm tại baodautu.vn