Ngân hàng ưu tiên an toàn vốn để ứng phó với những biến động bất ngờ
Ngày 26/4/2025, tại Hà Nội, Techcombank tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025. Các vấn đề được cổ đông quan tâm, đặt câu hỏi cho ban lãnh đạo ngân hàng là: biên lãi ròng (NIM) của ngân hàng bị tác động ra sao trong bối cảnh cạnh tranh tín dụng gay gắt và lãi suất thấp; chất lượng tài sản và nợ xấu; cải thiện hiệu quả sinh lời trên vốn chủ sở hữu; định hướng mở rộng sản phẩm, dịch vụ và kế hoạch IPO Công ty Chứng khoán Techcombank (TCBS).
CỦNG CỐ BỘ ĐỆM VỐN TRƯỚC CÁC CÚ SỐC VĨ MÔ
Theo ông Jens Lottner, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước nên mặt bằng lãi suất cho vay hạ nhiệt nhanh chóng trong thời gian vừa qua trong khi lãi suất huy động lại giảm chậm hơn.
Sự chênh lệch này khiến NIM của ngành ngân hàng bị ảnh hưởng rõ rệt. Dù vậy, Techcombank đã kiểm soát tốt đà suy giảm nhờ vào chiến lược cân đối danh mục khách hàng và tối ưu hóa chi phí vốn.
Tổng Giám đốc Techcombank cho biết ngân hàng vẫn duy trì mức NIM cao hơn trung bình ngành trong suốt 12 tháng qua.

"Techcombank đang duy trì tỷ lệ an toàn vốn (CAR) ở mức 15%, cao hơn đáng kể so với mặt bằng ngành (khoảng 12%). Nếu giảm tỷ lệ này về 12%, ROE có thể đạt 20%. Tuy nhiên, ngân hàng ưu tiên chiến lược an toàn, nhằm tăng trưởng bền vững và sẵn sàng ứng phó với biến động lớn. Đồng thời, để tham gia các dự án hạ tầng quy mô, Techcombank cần duy trì nền tảng vốn vững chắc. Ngân hàng hiện tập trung mở rộng nguồn thu từ phí dịch vụ (fee income)".
Ông Jens Lottner, CEO Techcombank
Về chất lượng tài sản, ông Jens Lottner khẳng định ngân hàng không ghi nhận dấu hiệu đáng lo ngại nào. Tỷ lệ nợ xấu (NPL) duy trì ổn định, chỉ dao động nhẹ trong khoảng 2–3 điểm cơ bản, chủ yếu do một số biến động từ danh mục cho vay bán lẻ có tài sản thế chấp của các khách hàng lớn. Techcombank đặt mục tiêu duy trì tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,5%, đến thời điểm hiện tại tỷ lệ nợ xấu vẫn trong tầm kiểm soát dù kinh tế vĩ mô đối mặt với những rủi ro do căng thẳng thương mại kéo dài.
Trả lời câu hỏi về khả năng đạt mục tiêu lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) vượt 20%, lãnh đạo ngân hàng cho rằng đây là một mục tiêu thách thức trong bối cảnh hiện tại. Nguyên nhân chính là do Techcombank đang duy trì mức vốn chủ sở hữu rất cao, với hệ số an toàn vốn (CAR) ở mức 15%, trong khi trung bình ngành khoảng 12%.
Ông Jens Lottner cho biết nếu giảm CAR về mức 12%, ROE của ngân hàng có thể đạt ngưỡng 20%. Tuy nhiên, ngân hàng lựa chọn chiến lược thận trọng: duy trì vốn dày để đảm bảo khả năng ứng phó với các biến động bất ngờ như khủng hoảng lãi suất hoặc những bất ổn thương mại, đồng thời tạo nền tảng để tham gia các dự án hạ tầng quy mô lớn trong tương lai.
Về kế hoạch chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của TCBS, lãnh đạo ngân hàng cho biết đã làm việc với một số nhà đầu tư lớn và có thể IPO TCBS vào cuối năm nay nhưng còn phụ thuộc rất nhiều vào diễn biến thị trường tài chính có thuận lợi hay không.
CHI TRẢ CỔ TỨC TIỀN MẶT 10% TRONG NĂM 2025
Đại hội đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 16,4%, phù hợp với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt. Ngân hàng kỳ vọng đạt lợi nhuận trước thuế 31.500 tỷ đồng, tăng 14,4% so với năm 2024, đồng thời duy trì tỷ lệ nợ xấu nội bảng dưới 1,5%.
Ban lãnh đạo Techcombank đánh giá triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2025 sẽ tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khoảng 7%, nhờ nhiều yếu tố thuận lợi như sự phục hồi của hoạt động xuất nhập khẩu, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tích cực và việc đẩy mạnh đầu tư vào cơ sở hạ tầng.
Định hướng dài hạn của ngân hàng là trở thành tổ chức tài chính tiên phong trong việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) một cách toàn diện, tiên phong trên hành trình chuyển đổi số của toàn ngành ngân hàng Việt Nam.
Đại hội cũng thông qua phương án chi trả cổ tức năm 2024 bằng tiền mặt với tỷ lệ 10%. Với gần 7,065 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, tổng số tiền dự kiến chi trả khoảng 7.065 tỷ đồng, lấy từ lợi nhuận chưa phân phối sau khi trích lập các quỹ. Thời gian thực hiện chi trả trước ngày 31/12/2025, thời điểm cụ thể do Hội đồng Quản trị quyết định, đảm bảo quyền lợi cổ đông.
Ngoài ra, ngân hàng sẽ phát hành gần 21,4 triệu cổ phiếu theo chương trình ESOP, tương đương hơn 0,3% vốn điều lệ. Giá phát hành bằng mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu, với tổng giá trị theo mệnh giá gần 214 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự kiến trong quý III hoặc quý IV/2025 sau khi hoàn tất thủ tục với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Sau phát hành, vốn điều lệ của Techcombank sẽ tăng từ gần 70.649 tỷ đồng lên hơn 70.862 tỷ đồng. Ngân hàng kỳ vọng việc tăng vốn sẽ nâng cao năng lực tài chính, duy trì các tỷ lệ an toàn vốn cao và hỗ trợ nhu cầu tăng trưởng tín dụng trong giai đoạn tới.
Xem thêm tại vneconomy.vn