Techcombank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 31.500 tỷ trong năm 2025

Năm 2025, Techcombank kỳ vọng sẽ đạt được những kết quả rõ ràng hơn từ các khoản đầu tư chiến lược trong các năm qua. Một trong những mục tiêu mà Techcombank đặt ra trong năm nay là phát triển mạnh mẽ hơn nữa tại các tỉnh miền Nam; tăng thu nhập từ tiền gửi không kỳ hạn, thu nhập từ phí bảo hiểm và hệ sinh thái các công ty con.

Ông Jens Lottner, Tổng Giám đốc Techcombank cho biết, trong năm 2025, Techcombank đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 16,4% (theo phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước), lợi nhuận trước thuế đạt 31.500 tỷ đồng, tăng 14,4% so với năm trước. Đồng thời, duy trì tỷ lệ nợ xấu nội bảng dưới 1,5%.

Tại Đại hội, cổ đông Techcombank thông qua phương án chi trả cổ tức năm 2024 bằng tiền mặt, với tỷ lệ thực hiện 10%/cổ phần (01 cổ phần nhận 1.000 đồng). Với gần 7,065 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, số tiền Techcombank dự kiến chi trả cổ tức bằng tiền mặt là gần 7.065 tỷ đồng.

-4758-1745652923.jpg

Đại hội đồng cổ đông năm 2025 của Techcombank.

Về mục đích trả cổ tức bằng tiền mặt, Ban lãnh đạo Techcombank cho biết, với kết quả kinh doanh khả quan ngay cả trong tình hình kinh tế nhiều biến động, Ngân hàng tin tưởng rằng, việc duy trì chính sách chi trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận giữ lại, trong khi vẫn tiếp tục đà tăng trưởng kinh doanh cao trên mức trung bình ngành và đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn cấp 1 từ 14-15% là hoàn toàn khả thi. Chính sách cổ tức là cam kết của Ngân hàng nhằm mang lại giá trị vượt trội và sự gắn kết với cổ đông. Với việc đầu tư vào Techcombank, cổ đông vừa có thu nhập trực tiếp đến từ cổ tức tiền mặt, trong khi vẫn tối ưu hóa lợi ích từ tiềm năng tăng giá dựa trên vị thế dẫn đầu của Ngân hàng tại thị trường tài chính Việt Nam và trong khu vực.

Về kế hoạch IPO của công ty CP Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS), Chủ tịch Hồ Hùng Anh thông tin, năm ngoái Techcombank đã có kế hoạch và hiện đã làm việc với 2 nhà đầu tư lớn, theo đánh giá của nhà đầu tư là rất khả quan.

Lãnh đạo Techcombank cho biết: “Dự kiến chúng tôi sẽ IPO TCBS trong năm nay, vào cuối năm, điều này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: thị trường tài chính, thuế quan đối ứng, thị trường chứng khoán. HĐQT đã thuê các nhà tư vấn và đưa ra các kịch bản khác nhau về vấn đề này”.

Chia sẻ thêm, Chủ tịch Techcombank lưu ý: Khi IPO và thu được nguồn vốn lớn từ cổ phần (equity) ngân hàng sẽ thu được nguồn tiền lớn, khi đó sẽ sử dụng như thế nào? Chúng ta sẽ chịu áp lực khi nhận tiền và duy trì được tỷ lệ ROE cao. Vì vậy, đây là sự cân bằng giữa số tiền thu được cho hoạt động kinh doanh, đầu tư phát triển, nhưng cũng phải đảm bảo quyền lợi của các cổ đông.

Chủ tịch Hồ Hùng Anh cho biết, cam kết lớn nhất mà HĐQT và Ban Điều hành đang theo đuổi là đạt được giá trị 20 tỷ USD vào cuối năm 2025. Tại sao có con số này? Vì năm 2018, khi Techcombank IPO lần đầu tiên, thị trường định giá Techcombank gấp 4,5 lần.

Hiện nay, vốn chủ sở hữu của Techcombank là khoảng gần 170.000 tỷ đồng. Với lợi nhuận kỳ vọng trong năm nay, cùng một số thuận lợi như thị trường trái phiếu quay trở lại, các nhà đầu tư tin tưởng hơn, thị trường bất động sản có tín hiệu hồi phục - đây là những phương diện mà Techcombank có thế mạnh. Bên cạnh đó, Techcombank đang phát triển các lĩnh vực đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, đáp ứng nhu cầu toàn diện và ngày càng khẳng định vị thế của mình. Tuy nhiên, để nhà đầu tư thực sự tin tưởng rằng Techcombank có thể phát triển bền vững thì cần thời gian.

“Tất nhiên, các yếu tố như thuế quan cũng có tác động không nhỏ đến chiến lược của ngân hàng, nhưng chúng tôi vẫn hy vọng sẽ dần đạt được các mục tiêu của mình. Chúng tôi rất tin tưởng rằng khi thời điểm đến, giá trị sẽ bùng nổ”, ông Hùng Anh nhấn mạnh.

Lãnh đạo Techcombank cho biết khi IPO thành công, giá cổ phiếu đạt 127.000 đồng chỉ trong hơn một năm. "Tất nhiên, chúng tôi không nói rằng kỳ tích đó sẽ lặp lại, nhưng với nền tảng hiện nay của Techcombank, chúng tôi hoàn toàn có thể tin rằng mình sẽ đạt được những cột mốc như vậy (20 tỷ USD). Dĩ nhiên, điều này phụ thuộc vào thị trường và các yếu tố vĩ mô. Điều này cũng đã được khẳng định qua giá trị cổ phiếu của Techcombank, với mức tăng trưởng trong khoảng nửa năm trở lại đây", ông Hùng Anh nói.

"Về quyền lợi của nhà đầu tư, hiện nay, Ban Điều hành đang báo cáo tất cả kết quả đạt được về các chỉ số mà chúng ta mong muốn. Ngoài ra, mỗi quý, chúng tôi đều tổ chức các cuộc họp với nhà đầu tư trong nước và quốc tế, trong đó có các đánh giá của chuyên gia độc lập và các tổ chức quốc tế. Có rất nhiều thảo luận về cách làm sao để giá trị cổ phiếu và giá trị của nhà đầu tư tăng trưởng bền vững.

Ban Điều hành cũng có các chỉ số KPI rất rõ ràng, và HĐQT thường xuyên làm việc với các nhà đầu tư để đạt được giá trị tốt nhất. Có thể trong cuộc họp cổ đông này, chúng ta không trao đổi quá nhiều về vấn đề này, nhưng tôi muốn chia sẻ rằng mỗi quý, chúng tôi đều có các cuộc họp với khách hàng đầu tư, cả trong nước và quốc tế", lãnh đạo Techcombank nêu rõ.

Với kế hoạch tiến mạnh vào thị trường bảo hiểm, lãnh đạo Techcombank cho rằng ngân hàng sẽ có sự chủ động khi tự mở công ty bảo hiểm khắc phục được những điều chưa hợp lý trong mối quan hệ với Manulife. "Liên quan đến bảo hiểm, niềm tin rất quan trọng. Techcombank cần chứng tỏ sẽ mang lại gì cho khách hàng", ông Lottner nói.

“Mảng kinh doanh bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ sẽ đưa ra nhiều giá trị cho khách hàng. Chúng tôi đã nộp hồ sơ lên Bộ Tài chính để thành lập công ty bảo hiểm, hy vọng sẽ sớm nhận được giấy phép từ Bộ Tài chính. Techcombank muốn tham gia mạnh mẽ hơn nữa trong hành trình trải nghiệm trọn vẹn của khách hàng”, Tổng giám đốc Techcombank nhấn mạnh.

Trả lời câu hỏi của cổ đông về chất lượng tài sản và tỷ lệ nợ xấu hiện có đáng lo ngại không? Tổng giám đốc Jens Lottner cho hay, về chất lượng tài sản của Techcombank không thấy có dấu hiệu đáng lo ngại nào ở thời điểm này. Nợ xấu nhìn chung đi ngang, chỉ dao động nhẹ trong khoảng 2-3 điểm cơ bản, chủ yếu do một số biến động từ các khoản vay thế chấp bán lẻ của nhóm khách hàng lớn. Nhưng xét toàn bộ danh mục tín dụng, chất lượng tài sản vẫn ổn định và mục tiêu duy trì nợ xấu ở mức 1,5% vẫn đang trong tầm kiểm soát, ngay cả khi rủi ro bên ngoài như căng thẳng thương mại kéo dài.

Thanh Hoa

Xem thêm tại vnbusiness.vn