Ngay cả khi Mỹ chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, các ngành nào vẫn hưởng lợi?

Theo thông tin từ Bộ Công Thương, ngày 2/8/2024 vừa qua, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã ban hành kết luận, theo đó mặc dù có ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực về nền kinh tế Việt Nam trong thời gian qua nhưng vẫn tiếp tục chưa công nhận Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế thị trường.

Điều này có nghĩa rằng doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ sẽ còn tiếp tục bị phân biệt đối xử trong các vụ điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp của Hoa Kỳ, chi phí sản xuất thực tế của doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục không được công nhận mà phải sử dụng “giá trị thay thế” của một nước thứ ba để tính toán biên độ bán phá giá.

Theo Bộ Công Thương, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu, phân tích các lập luận trong Báo cáo đánh giá nền kinh tế Việt Nam của Bộ Thương mại Hoa Kỳ, để bổ sung, hoàn thiện lập luận để gửi hồ sơ yêu cầu Bộ Thương mại Hoa Kỳ xem xét lại quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam nhằm cụ thể hóa mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ, qua đó thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại, đầu tư song phương, mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp và nhân dân hai nước.

Trước đó, trong báo cáo về ngành xuất khẩu tháng 7/2024 của Chứng khoán Dầu khí (PSI) đã nêu quan điểm về việc nâng hạng lên “nền kinh tế thị trường”. PSI đánh giá việc nâng hạng sẽ mang lại lợi ích chính cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam với việc mở đường cho các doanh nghiệp Việt tăng cường hoạt động thương mại với thị trường Mỹ và cơ chế thuế tốt hơn được áp dụng hoặc điều chỉnh.

Tuy nhiên, PSI cho rằng ngay cả khi không có quyết định nâng hạng này, CTCK vẫn duy trì quan điểm tích cực đối với các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam trong năm nay do trong điều kiện bình thường, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Đánh giá về một số ngành xuất khẩu, đối với một số ngành dệt may, trong 6 tháng đầu năm 2024, hàng dệt may xuất khẩu ghi nhận kim ngạch xuất khẩu là 16,2 tỷ USD (tăng 4,4% svck), trong đó, Mỹ vẫn đang là đối tác chính với kim ngạch đạt 7,1 tỷ USD (tăng 2,5% svck) chiếm 44,2% cơ cấu xuất khẩu. PSI cho rằng sự phục hồi của mặt hàng dệt may xuất khẩu, phản ánh lạm phát hạ nhiệt, và chi tiêu của người tiêu dùng đang dần hồi phục; đơn đặt hàng trong 6 tháng năm 2024 của các doanh nghiệp dệt khả quan hơn.

Theo như các chia sẻ của các doanh nghiệp dệt may, ngành dệt may vẫn đang tiếp tục phục hồi dù nhu cầu vẫn còn thấp. Một số doanh nghiệp có lợi thế về tập khách hàng đa dạng và yếu tố về ESG như TNG hay Eclat Textile (FDI Đài Loan) thì lượng đơn hàng đã được lấp kín đến đầu quý 4/2024. Trong khi đó, MSH dự định đưa nhà máy Xuân Trường 2 mới đi vào hoạt động kể từ cuối năm 2024, cho thấy sự tự tin của doanh nghiệp về sự trở lại của các đơn hàng. 

PSI kỳ vọng các đơn hàng sẽ tiếp tục được đảm bảo và gia tăng trong nửa cuối năm khi vào mùa mua sắm tại các thị trường lớn. Cùng với đó, tồn kho quần áo Mỹ ở mức thấp, trong khi doanh số bán lẻ quần áo đang ở trong xu hướng hồi phục trong bối cảnh lạm phát hạ nhiệt.

Tuy nhiên, PSI cũng cho rằng biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp dệt may khó tăng cao do chi phí nhân công tăng khi mà mức lương tối thiểu tăng 6% kể từ tháng 7/2024

photo-1722705531578

Đối với ngành thủy sản, 6 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản đạt hơn 4,43 tỷ USD, tăng 6.8% so với cùng kỳ.

PSI đánh giá lượng hàng tồn kho hàng thủy sản tại các thị trường suy giảm so với cùng kỳ và các nhà bán lẻ sẽ cần bổ sung hàng tồn kho trước mùa mua sắm cuối năm. Bên cạnh đó, giá xuất khẩu cá tra tại các thị trường như Mỹ, Trung Quốc, EU có thể tiếp tục cải thiện do nhu cầu tăng lên. Việc Mỹ xem xét nâng hạng Việt Nam lên nền kinh tế thị trường trong thời gian tới cũng sẽ giúp tháo gỡ những rào cản thuế chống trợ cấp đối với xuất khẩu tôm Việt Nam, hỗ trợ cho quá trình phục hồi của tôm Việt Nam.

photo-1722705478782

Ngoài ra, PSI cũng kỳ vọng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng công nghệ của Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh hơn trong 2024 - 2025, với kỳ vọng đảo chiều của chu kỳ hàng công nghệ toàn cầu.

photo-1722706603081

Xem thêm tại cafef.vn