Ngóng cổ tức "tiền tươi" từ các ngân hàng
Là ngân hàng tổ chức ĐHĐCĐ sớm, nên VIB đã "mở màn" chia cổ tức khi thông báo 22/4/2025 là ngày giao dịch không hưởng quyền để nhận cổ tức tiền mặt năm 2024 với tỷ lệ 7%.
Theo đó, VIB dự kiến chi 2.085 tỷ đồng để trả cổ tức tiền mặt cho cổ đông với tỷ lệ 7% (1 cổ phiếu nhận 700 đồng). Thời gian thực hiện vào 23/5/2025.
Cổ đông ACB cũng đã thông qua phương án chia cổ tức tổng tỷ lệ 25%, trong đó 10% bằng tiền mặt, tương ứng hơn 4.466 tỷ đồng.
Với những ngân hàng còn lại khi dồn dập tổ chức ĐHĐCĐ từ 21 đến 29/4/2025 dự kiến sẽ có thêm 6 ngân hàng trả cổ tức tiền mặt trong năm nay.
Cụ thể, LPBank khiến thị trường bất ngờ khi đề xuất mức chi trả cổ tức tiền mặt lên đến 25% - mức cao nhất hệ thống tính đến nay, tương đương gần 7.468 tỷ đồng từ lợi nhuận sau thuế. Kế hoạch này sẽ được trình tại ĐHĐCĐ thường niên vào ngày 27/4 tới.
Cổ đông ACB cũng đã thông qua phương án chia cổ tức tổng tỷ lệ 25%, trong đó 10% bằng tiền mặt, tương ứng hơn 4.466 tỷ đồng.
VPBank cũng dự kiến chia 5% bằng tiền mặt (gần 3.967 tỷ đồng), thời điểm dự kiến chia trong quý II hoặc III/2025 sau khi được ĐHĐCĐ thông qua và tùy quyết định của HĐQT.
MB đã liên tiếp trả cổ tức tiền mặt trong 2 năm gần đây, khi dành lần lượt 2.267 tỷ đồng và 2.653 tỷ đồng để chia cổ tức tiền mặt theo tỷ lệ 5% trong năm 2023 và 2024.
Theo tài liệu ĐHĐCĐ năm nay, MB dự kiến tiếp tục dành 1.831 tỷ đồng để chia cổ tức tiền mặt với tỷ lệ 3%, trong tổng phương án chia cổ tức 35% bao gồm cả cổ phiếu.
Tại ĐHĐCĐ vào ngày 22/4/2025, ban lãnh đạo SHB cũng trình cổ đông thông qua kế hoạch chia cổ tức tỷ lệ 18%, gồm 5% bằng tiền mặt và 13% bằng cổ phiếu – tương đương 7.317 tỷ đồng.
OCB sẽ là lần đầu tiên kể từ khi niêm yết công bố chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 7% (khoảng 1.726 tỷ đồng). Trước đó, OCB chủ yếu sử dụng phương thức chia cổ tức bằng cổ phiếu hoặc cổ phiếu thưởng để tăng vốn điều lệ.
Ban lãnh đạo TPBank đề xuất chia cổ tức 10% bằng tiền mặt từ lợi nhuận chưa phân phối năm 2024 theo báo cáo tài chính đã kiểm toán.
Theo các chuyên gia, chi trả cổ tức "tiền tươi thóc thật" là bằng chứng cho thấy ngân hàng có dòng tiền ổn định, từ đó củng cố niềm tin vào khả năng sinh lời bền vững.
Tuy nhiên, việc chia cổ tức sẽ "pha loãng" giá cổ phiếu, khiến giá cổ phiếu bị giảm xuống trong ngắn hạn và dài hạn.
Hiện còn 2 ngân hàng là HDBank và Techcombank chưa chính thức công bố phương án chia cổ tức. Nhưng tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư mới đây, ban lãnh đạo HDBank từng hé lộ kế hoạch trả cổ tức tiền mặt tối đa 15%.
Còn với Techcombank, năm ngoái, ngân hàng này đã chi gần 5.300 tỷ đồng để trả cổ tức tiền mặt cho cổ đông, sau 10 năm liên tiếp giữ lại toàn bộ lợi nhuận để tái đầu tư, mở rộng kinh doanh.
Ban lãnh đạo Techcombank cũng cho biết đang xây dựng chính sách để chia cổ tức bằng tiền mặt một cách bền vững và dài hạn, với mức chi trả cổ tức hàng năm bằng tiền mặt ít nhất 20%/tổng lợi nhuận.
Làn sóng chia cổ tức tiền mặt của các ngân hàng đã "hồi sinh" trong 2 năm trở lại đây, sau khi Ngân hàng Nhà nước nới lỏng chủ trương hạn chế chi trả tiền mặt nhằm tạo dư địa cho hệ thống ngân hàng giảm lãi suất, hỗ trợ nền kinh tế trong giai đoạn chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19.
Trong năm 2024, 9 ngân hàng đã thực hiện chia cổ tức tiền mặt gồm VIB, ACB, HDBank, MB, VPBank, Techcombank, Eximbank, SHB và TPBank, với tổng số tiền mặt ước tính lên tới 30.000 tỷ đồng.
Xem thêm tại tapchitaichinh.vn