Những thương vụ bán vốn ngoại có thể xuất hiện ở ngành ngân hàng trong năm 2025

Từ sau thương vụ “đình đám” của VPBank năm 2023, hoạt động phát hành cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài của các ngân hàng năm 2024 diễn ra khá ảm đạm. Nhiều kế hoạch bán vốn cho cổ đông ngoại phải tạm dừng, đồng thời năm qua cũng có khá nhiều cuộc “chia tay” giữa cổ đông chiến lược nước ngoài và ngân hàng Việt.

Tại VIB, trong 2 tháng (9-10/2024), cổ đông chiến lược Commonwealth Bank of Australia (CBA) đã giảm tỷ lệ sở hữu tại VIB từ 19,8% xuống 4,7% và không còn là cổ đông lớn của VIB. Trước đó, tại Đại hội đồng cổ đông bất thường tháng 6, VIB đã thông qua việc giảm tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài từ 20,5% xuống còn 4,99%. CBA cho biết việc thoái vốn tại VIB là phù hợp với chiến lược tập trung vào mảng ngân hàng tại khu vực Australia và New Zealand.

Động thái này đánh dấu sự kết thúc mối quan hệ đối tác chiến lược 15 năm giữa CBA và VIB. Được biết, CBA tham gia vào VIB năm 2010 khi mua lại 15% vốn cổ phần với giá khoảng 4.000 tỷ đồng, sau đó tiếp tục nâng sở hữu tại VIB lên 20%.

Một mối quan hệ lâu năm khác là giữa IFC và ABBank cũng kết thúc trong năm nay. Hồi cuối tháng 5/2024, IFC đã bán hơn 84 triệu cổ phiếu ABBank, tương đương 8,2% cổ phần ngân hàng.

Trong khi đó, kế hoạch bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài của nhiều ngân hàng khác chưa thể thực hiện. Chẳng hạn như tại Vietcombank, tại Đại hội đồng cổ đông bất thường tháng 8/2024, nội dung “Thông qua phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ” đã được rút lại. Đây là kế hoạch chào bán 6,5% cổ phần cho đối tác Mizuho Bank đã được Vietcombank đưa ra từ năm 2019 song đến nay chưa thể tiến hành.

Tương tự, BIDV cũng chưa thực hiện kế hoạch chào bán riêng lẻ được đề ra từ năm 2022. Ban đầu ngân hàng dự kiến phát hành với tỷ lệ 9%, nhưng vẫn chưa thực hiện được do tình hình chưa thuận lợi. Tại ĐHĐCĐ thường niên tháng 4/2024, nội dung này tiếp tục được đưa vào cuộc họp, trong đó dự kiến tỷ lệ phát hành là 2,89%.

Năm nay, LPBank cũng đã dừng kế hoạch tăng vốn bằng phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài. Thay vào đó, ngân hàng sẽ tăng vốn thêm 8.000 tỷ đồng thông qua phương án phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.

Những thương vụ lớn có thể tiến hành trong năm 2025

Một trong những thương vụ được kỳ vọng nhất trong năm 2025 của ngành ngân hàng là ở Techcombank. Trong cuộc phỏng vấn trực tiếp trên Bloomberg TV mới đây, ông Jens Lottner, Tổng giám đốc Techcombank tiết lộ ngân hàng đang cân nhắc bán 10 - 15% cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược dài hạn phù hợp. “15% có lẽ là con số mà chúng tôi thực sự có thể đưa ra”, ông Lottner cho biết ngân hàng đang tìm kiếm đối tác có năng lực, đặc biệt là công nghệ. Cùng với đó, một nhà đầu tư đang sở hữu 8 - 9% vốn của ngân hàng đã sẵn sàng rời đi, bởi vậy, tỷ lệ 15% là hợp lý ở thời điểm này.

Các nhà đầu tư nước ngoài hiện nắm giữ khoảng 22% cổ phần tại Techcombank, vẫn thấp hơn mức trần sở hữu nước ngoài 30% đối với các ngân hàng.

Do vậy, sẽ có cổ đông bán ra cổ phiếu trước khi Techcombank có thể chào bán 15% cổ phần. Cũng theo ông Lottner, Techcombank đang tìm kiếm các công ty có thể giúp ngân hàng "tham gia vào các hành lang thương mại trong bối cảnh có rất nhiều tiền đổ vào từ Singapore, Nhật Bản và Hàn Quốc".

Vietcombank sau một thời gian tạm hoãn kế hoạch phát hành riêng lẻ, có thể sẽ hoàn tất trong năm 2025. Tại cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường tháng 8/2024, Chủ tịch HĐQT, ông Nguyễn Thanh Tùng cho biết, việc rút nội dung “Thông qua phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ để tăng vốn điều lệ” là để điều chỉnh, không ảnh hưởng tới tiến độ kế hoạch. Ngân hàng kỳ vọng có thể hoàn thành trong nửa đầu năm 2025 nếu thị trường diễn biến thuận lợi. Trong tháng 06/2024, với sự hỗ trợ của tư vấn quốc tế, Vietcombank đã tổ chức nhiều Hội thảo (Non-deal roadshow) để tiếp xúc với các nhà đầu tư tiềm năng tại Singapore, Anh, Hồng Kông …

Tương tự Vietcombank, BIDV cũng có thể sẽ sớm tiến hành việc phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài. Tại hội nghị nhà đầu tư mới đây, lãnh đạo BIDV cho biết dự kiến kế hoạch sẽ được thực hiện trong quý I/2025, tỷ lệ phát hành 2,89%. Giá trị cụ thể của lần phát hành này không được tiết lộ. Phần còn lại trong kế hoạch phát hành riêng lẻ, tương ứng khoảng 6,1% vốn điều lệ, sẽ được thực hiện tùy thuộc vào điều kiện thị trường và tiếp tục tìm kiếm nhà đầu tư.

Ngoài ra, nhiều ngân hàng đang có kế hoạch bán vốn ngoại như SHB, NamABank, HDBank…cũng có thể sẽ tiếp tục triển khai trong thời gian tới nếu điều kiện thị trường thuận lợi. Hồi tháng 6/2024, HDBank tiết lộ đã để dành khoảng 10% room ngoại cho việc phát hành tăng vốn, kế hoạch bán vốn cho nhà đầu tư chiến lược hoàn toàn có thể triển khai khi điều kiện thị trường thuận lợi và ngân hàng tìm được những đối tác phù hợp. Nhà băng này đã nhận được sự quan tâm từ một số đối tác đến từ Hàn Quốc, châu Âu và Mỹ.

Xem thêm tại cafef.vn