OCB lần đầu chia cổ tức tiền mặt, đặt mục tiêu lãi lớn trong năm 2025
Theo kế hoạch, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) sẽ tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2025 vào ngày 22/4 tới đây tại TP.HCM. Hiện OCB đã công bố tài liệu ĐHĐCĐ thường niên 2025 với nhiều nội dung quan trọng.
Trong năm 2025, OCB đặt mục tiêu nâng tổng tài sản lên 316.779 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2024 và lợi nhuận trước thuế đạt 5.338 tỷ đồng, tăng 33% so với năm 2024.
Tổng huy động thị trường 1 đạt 218.842 tỷ đồng, tăng 14% và tổng dư nợ thị trường 1 đạt 208.472 tỷ đồng, tăng 16% so với năm 2024. Ngoài ra, OCB còn đặt mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu xuống còn 2,38%.

Bên cạnh đó, OCB cũng đặt ra mục tiêu đưa ngân hàng vào top 5 ngân hàng TMCP tư nhân hàng đầu Việt Nam về hiệu quả và ESG, đảm bảo sự phát triển bền vững, đưa tỷ trọng dư nợ tín dụng xanh trên tổng dư nợ thị trường 1 năm 2025 trên 11%. Song song với đó, ngân hàng cũng sẽ đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ vào vận hành.
Đáng chú ý, 2025 là năm đầu tiên OCB có kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt. Theo tài liệu ĐHĐCĐ, sau khi trừ thuế, trích lập các quỹ, lợi nhuận còn lại năm 2024 của ngân hàng là 2.508 tỷ đồng. Lợi nhuận còn lại lũy kế là 3.705,8 tỷ đồng. OCB dự kiến dành hơn 1.726 tỷ đồng để chi trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 7%.
Bên cạnh chia cổ tức bằng tiền mặt, tăng vốn cũng là một trong những điểm đáng chú ý trong kế hoạch năm nay của OCB. Theo HĐQT OCB, với kế hoạch tăng trưởng quy mô kinh doanh liên tục hằng năm, việc tăng vốn điều lệ là cần thiết để giúp ngân hàng nâng cao năng lực tài chính, đảm bảo hệ số an toàn vốn (CAR) theo quy định của các cơ quan chức năng.

Cụ thể, OCB dự kiến phát hành hơn 197,2 triệu cổ phiếu với tổng giá trị phát hành theo mệnh giá là 1.972,6 tỷ đồng. Tỷ lệ phát hành (số lượng cổ phiếu dự kiến phát hành/số lượng cổ phiếu đang lưu hành) là 8%. Thời gian phát hành cụ thể do HĐQT quyết định và dự kiến việc tăng vốn điều lệ sẽ hoàn thành trong năm 2025. Sau khi tăng, vốn điều lệ của OCB sẽ ở mức 26.630,5 tỷ đồng.
Theo kế hoạch, vốn điều lệ tăng thêm sẽ được sử dụng để mua sắm, xây dựng cơ sở vật chất (714,3 tỷ đồng) gồm đầu tư công nghệ thông tin, nâng cấp tài sản, xây dựng cơ bản; trang bị tài sản cố định, công cụ lao động và bổ sung nguồn vốn kinh doanh, đầu tư và cho vay (1.258,2 tỷ đồng).
Ngoài ra, HĐQT nhiệm kỳ 2020 – 2025 của OCB sẽ hết nhiệm kỳ vào ngày tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2025. Do đó, căn cứ nhu cầu nhân sự, OCB dự kiến bầu HĐQT, BKS nhiệm kỳ 2025 – 2030, dự kiến gồm có 8 thành viên HĐQT và 5 thành viên BKS.
Được biết, NHNN đã chấp thuận danh sách nhân sự dự kiến bầu làm Thành viên HĐQT, thành viên BKS OCB nhiệm kỳ 2025 – 2030 gồm 5 thành viên HĐQT là ông Trịnh Văn Tuấn, ông Ngô Hà Bắc, bà Trịnh Thị Mai Anh, ông Yoshizawa Toshiki, ông Segawa Mitsuhiro, ông Phan Trung và 2 thành viên HĐQT độc lập là ông Nguyễn Quốc Hương và ông Dương Kỳ Hiệp.
5 thành viên BKS gồm bà Đặng Thị Thanh Huyền, bà Đặng Thị Quý, ông Nguyễn Văn Hải, ông Nguyễn Trọng Hải và ông Phạm Quang Vinh.
Trong năm 2024, OCB đã chi tổng cộng 37,2 tỷ đồng tiền thù lao, thưởng và các chi phí khác cho các thành viên HĐQT và thành viên BKS. Năm 2025, ngân hàng dự kiến trích lập tổng mức ngân sách hoạt động, thù lao, thưởng và các chi phí khác trong năm nay của HĐQT và BKS tối đa 48 tỷ đồng.
Tính đến 31/12/2024, tổng tài sản hợp nhất của OCB tăng 16,91% so với cuối năm 2023, trong đó, cho vay khách hàng tăng 16,06% và tiền gửi của khách hàng tăng 13,11%.
Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh hợp nhất trước trích lập dự phòng rủi ro tín dụng năm 2024 tăng 8,65% so với năm 2023. Chất lượng tín dụng được kiểm soát trong giới hạn an toàn và tỷ lệ an toàn vốn của ngân hàng luôn được duy trì cao hơn mức tối thiểu quy định của NHNN.
Xem thêm tại vietnamfinance.vn