Ông Trần Ngọc Thuận xin từ nhiệm vị trí Thành viên HĐQT GVR

Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam - CTCP (mã: GVR) vừa thông báo về việc ông Trần Ngọc Thuận đã nộp đơn xin từ nhiệm vị trí Thành viên Hội đồng quản trị. Đơn từ nhiệm của ông Thuận sẽ được Hội đồng quản trị (HĐQT) GVR trình lên Đại hội đồng cổ đông gần nhất để xem xét và thông qua thủ tục miễn nhiệm.

Ông Trần Ngọc Thuận, sinh năm 1960, là kỹ sư Cơ khí Nông nghiệp và có thời gian dài gắn bó với Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam. Ông được bổ nhiệm làm Thành viên Hội đồng thành viên kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn từ ngày 1/1/2012, với nhiệm vụ chính là phụ trách Hội đồng thành viên của tập đoàn.

Ông Trần Ngọc Thuận xin từ nhiệm vị trí Thành viên HĐQT GVR - ảnh 1
Ông Trần Ngọc Thuận

Từ tháng 5/2018 đến tháng 1/2022, ông Thuận được bầu làm Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam. Sau đó, từ tháng 1/2022, ông giữ vị trí Thành viên HĐQT GVR. Theo Báo cáo quản trị năm 2023, ông Trần Ngọc Thuận hiện đang nắm giữ 0,00762% vốn điều lệ của GVR.

Trong quý I/2024, GVR ghi nhận doanh thu hợp nhất đạt 4.590,3 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn hàng bán tăng 12% lên 3.509,4 tỷ đồng.

Doanh thu tài chính kỳ này giảm nhẹ từ 231,1 tỷ đồng xuống 227 tỷ đồng. Chi phí tài chính giảm 22% còn 111,3 tỷ đồng, trong đó, chi phí lãi vay là 94 tỷ đồng, chiếm khoảng 85%. Chi phí bán hàng tăng 4% lên 113,2 tỷ đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp gần như đi ngang, ở mức 363,4 tỷ đồng.

Kết quả, Cao su Việt Nam báo lãi trước thuế 778,5 tỷ đồng, lãi sau thuế 650 tỷ đồng, lần lượt giảm 18% và 16% so với cùng kỳ năm trước.

Giải trình về kết quả này, Cao su Việt Nam do biết lợi nhuận sau thuế giảm chủ yếu do thu nhập từ bồi thường thu hồi đất, trả đất về địa phương kỳ này giảm so với kỳ trước làm lợi nhuận khác giảm mạnh (từ 336,1 tỷ đồng xuống 69,9 tỷ đồng trong quý I/2024).

Tại ngày 31/3/2024, tổng tài sản của Cao su Việt Nam ở mức 76.913,1 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm. Các khoản phải thu ngắn hạn giảm nhẹ còn 2.454,7 tỷ đồng. Hàng tồn kho giảm 8% còn 3.084,5 tỷ đồng. Trữ tiền gần như đi ngang, ghi nhận 16.355,8 tỷ đồng.

Cụ thể, Cao su Việt Nam có hơn 4.600 tỷ đồng tiền và tương đương tiền (giảm 953 tỷ đồng so với đầu năm), trong đó có 1.743 tỷ đồng tiền gửi không kỳ hạn tại ngân hàng. Ngoài ra, doanh nghiệp có 11.743 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn tại ngân hàng (tăng 400 tỷ đồng so với đầu năm). Tương ứng tổng tiền gửi tại ngân hàng có gần 14.000 tỷ đồng.

Tính đến hết quý I/2024, tổng nợ phải trả của Cao su Việt Nam giảm 9% còn 20.895 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ tài chính là 5.927,4 tỷ đồng, giảm 10% so với đầu năm.

Xem thêm tại nguoiquansat.vn