GDP tăng vọt, chứng khoán sẽ phản ứng ra sao?

Chỉ số chính giảm 2,9% so với tuần trước, xuống mức 1.245 điểm. Hầu hết nhóm ngành diễn biến kém tích cực, điển hình là nhóm chứng khoán với những đồn đoán xuất hiện trong giới đầu tư liên quan hệ thống KRX. FTS, BSI, MBS, CTS, AGR… giảm 9 - 10% chỉ trong 1 tuần.

Một số nhóm ngành khác cũng điều chỉnh mạnh, như thép với NKG (-7,28%), HSG (-5,16%), TLH (-10,26%), VGS (-8,51%)... Cổ phiếu ngân hàng ngập trong sắc đỏ với TCB, VPB, STB, MBB giảm 4 - 6%..

GDP tăng vọt, chứng khoán sẽ phản ứng ra sao? ảnh 1

Tuần qua, cổ phiếu trong hầu hết nhóm ngành giảm giá.

Khối ngoại tiếp tục bán ròng cả 5 phiên trong tuần với tổng giá trị bán ra lên đến 4.539 tỷ đồng, tập trung vào chứng chỉ quỹ FUEVFVND và FPT.

Ông Đinh Quang Hinh - chuyên gia từ Chứng khoán VNDirect - nhận định, sau một tuần điều chỉnh và VN-Index đánh mất mốc tâm lý 1.250 điểm, thị trường lại đón nhận một số thông tin hỗ trợ vào cuối tuần. Những thông tin hỗ trợ mới được công bố có thể là “liều thuốc tinh thần” với nhà đầu tư sau nhịp điều chỉnh khá mạnh vừa qua.

Tối 28/6 (giờ Việt Nam), Mỹ đã công bố dữ liệu mới nhất về chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) đi ngang trong tháng 5 và tăng 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái, sát với dự báo của thị trường. Số liệu lạm phát mới công bố của Mỹ là thông tin thị trường mong đợi, củng cố cho kỳ vọng về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể cắt giảm lãi suất điều hành trong nửa cuối năm nấy.

Trong nước, Tổng cục Thống kê đã công bố số liệu vĩ mô quý II với kết quả tích cực. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II tăng trưởng 6,93% so với cùng kỳ, vượt dự báo của thị trường. Với kết quả này, theo ông Hinh, Việt Nam hoàn toàn có thể mục tiêu tăng trưởng năm nay là 6,5%. Tuy vậy, áp lực nhất định về lạm phát vẫn còn đó, khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 tăng 0,17% so với tháng trước và tăng 4,34% so với cùng kỳ.

Ông Hinh nhận định, thứ 2 tới sẽ là phiên khá quan trọng để VN-Index xác nhận mốc tâm lý 1.250 điểm. Đồng thời, thị trường bắt đầu bước vào mùa công bố kết quả kinh doanh quý II, với nhiều dự báo cho thấy đà tăng trưởng lợi nhuận tiếp diễn.

“Nhà đầu tư nên ngừng bán tháo ở vùng này, việc nắm giữ cổ phiếu lúc này sẽ mang lại lợi nhuận khá tích cực trong vòng 3 tháng tới. Nhà đầu tư cần chuẩn bị sẵn sàng giải ngân nếu VN-Index điều chỉnh về vùng hỗ trợ mạnh 1.200 - 1.220 điểm, ưu tiên nhóm ngành chưa tăng mạnh trong thời gian qua như ngân hàng, bất động sản, chứng khoán, điện và xuất khẩu”, ông Hinh khuyến nghị.

Nhóm phân tích của Chứng Khoán Nhất Việt (VFS) nhận định, việc tỷ giá tiếp tục leo thang ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư, dòng tiền thận trọng. Thanh khoản tập trung vào những phiên giảm mạnh, trong khi phiên phục hồi lại diễn ra với thanh khoản thấp. Sự vắng bóng của lực cầu đỡ giá thể hiện tâm lý do dự, dè dặt của nhà đầu tư, khi thị trường liên tục để mất những vùng hỗ trợ gần.

GDP tăng vọt, chứng khoán sẽ phản ứng ra sao? ảnh 2

Thanh khoản sụt giảm mạnh trong bối cảnh tâm lý thận trọng bao trùm.

VFS cho rằng, nhà đầu tư nên giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức thấp, từ 30-50%, theo dõi thêm diễn biến giá tại vùng 1.200 - 1.230 điểm để đánh giá khả năng tạo đáy.

Bước sang tháng 7, VFS dự báo 2 kịch bản cho thị trường:

Kịch bản 1, với việc áp lực bán có phần suy yếu, VN-Index có thể hình thành vùng biến động 1.230 - 1.250 điểm.

Kịch bản 2, VN-Index ngay lập tức hồi phục. Đây có thể là tín hiệu cho thấy áp lực điều chỉnh sớm kết thúc, VN-Index hướng đến kiểm định lại vùng 1.280 điểm. Khi đó, nhà đầu tư có thể gia tăng tỷ trọng cổ phiếu trở lại, tập trung vào nhóm các cổ phiếu khỏe hơn thị trường.

Xem thêm tại tienphong.vn