Phá băng ‘pre-funding’, nhà đầu tư nước ngoài sẽ được hỗ trợ tối đa

Bộ Tài chính vừa công bố dự thảo sửa đổi 4 thông tư nhằm tháo gỡ một số nút thắt, đáp ứng các tiêu chí nâng hạng thị trường chứng khoán của các tổ chức xếp hạng.

Nội dung quan trọng trong sửa đổi lần này là tháo gỡ điểm nghẽn cho phép nhà đầu tư tổ chức nước ngoài có thể giao dịch mà không ký quỹ 100% tiền (pre-funding), qua đó mở đường cho việc nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên mới nổi trong năm 2025.

Tại dự thảo thông tư số 120/2020/TT-BTC sửa đổi, bổ sung quy định về giao dịch, bù trừ và thanh toán giao dịch được UBCKNN lấy ý kiến, quy định này đã được thay đổi. Theo đó, nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức không yêu cầu có đủ tiền khi giao dịch mua cổ phiếu. Công ty chứng khoán sẽ đánh giá rủi ro để xác định mức tiền ký quỹ khi đặt lệnh mua.

Trường hợp tổ chức nước ngoài không thanh toán đủ, nghĩa vụ trả phần còn lại được chuyển cho công ty chứng khoán. Các công ty này được bán thỏa thuận hoặc chuyển quyền sở hữu ngoài hệ thống với số cổ phiếu đã về tài khoản trong trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thiếu tiền thanh toán.

Một thay đổi quan trọng khác so với phiên bản dự thảo đầu tiên là thời điểm tổ chức nước ngoài cần có đủ tiền trên tài khoản chuyển từ khoảng 14h30 chiều ngày T+1 (sau giao dịch 1 ngày) sang 9h30 ngày T+2. Điều này đồng nghĩa khoảng thời gian từ lúc tổ chức nước ngoài phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán đến thời điểm chứng khoán về chỉ còn vài tiếng đồng hồ, từ 9h30 đến 13h ngày T+2.

Bên cạnh quy định gỡ vướng giao dịch cho nhà đầu tư nước ngoài, dự thảo mới cũng yêu cầu tổ chức niêm yết, công ty đại chúng, Sở Giao dịch Chứng khoán, Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) phải công bố thông tin bằng tiếng Anh. Thông tin này phải thống nhất với nội dung công bố bằng tiếng Việt.

Phá băng ‘pre-funding’, nhà đầu tư nước ngoài sẽ được hỗ trợ tối đa
Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước kỳ vọng trong kỳ review tháng 9 tới sẽ có kết quả tích cực

Được biết, thị trường chứng khoán Việt Nam đang được hai tổ chức là MSCI và FTSE Russell xếp vào nhóm 3 - thị trường cận biên. Trong đó, FTSE Russell đưa Việt Nam vào danh sách chờ nâng hạng lên nhóm 2 - thị trường mới nổi.

Việt Nam hướng đến nâng hạng thị trường từ thị trường cận biên lên mới nổi vào năm 2025. Theo đánh giá của các tổ chức xếp hạng và các định chế tài chính quốc tế, hai nhóm vấn đề cần thay đổi của thị trường chứng khoán là yêu cầu ký quỹ trước giao dịch (pre-funding) và giới hạn sở hữu nước ngoài.

Ông Bùi Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cho biết bản dự thảo mới cũng đã được gửi đến một số tổ chức quốc tế và nhận được sự đồng thuận về các nội dung chính. “Trong kỳ review tháng 9 tới, chúng tôi kỳ vọng có kết quả tích cực”, ông Hải cũng cho biết.

Theo ông Nguyễn Khắc Hải - Giám đốc Khối phụ trách luật và Kiểm soát tuân thủ, CTCP Chứng khoán SSI, FTSE Rusell thường sẽ cần 6 tháng để rà soát lại khối lượng giao dịch, sau đó quyết định. Với tiến độ hiện tại, đại diện SSI cho rằng viêc được chấp thuận nâng hạng nhanh thì có thể đạt được vào quý I/2025 hay chậm hơn vào quý III/2025.

Ngoài ra, World Bank nhận định việc nâng hạng có thể mang lại 25 tỷ USD vốn đầu tư mới từ các nhà đầu tư quốc tế vào thị trường Việt Nam tới năm 2030.

Theo chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 được Thủ tướng phê duyệt, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu sẽ đạt 100% GDP năm 2025 và 120% GDP vào năm 2030.

Số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư trên thị trường hướng tới mục tiêu đạt 9 triệu tài khoản hai năm tới và 11 triệu tài khoản năm 2030, trong đó tập trung phát triển nhà đầu tư có tổ chức, nhà đầu tư chuyên nghiệp và thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài.

Xem thêm tại nguoiquansat.vn