Phiên giao dịch chiều 29/5: Nhóm Apec bị chốt lời ồ ạt, nhóm BCG bất ngờ nổi sóng

Trong phiên giao dịch sáng nay, thị trường diễn biến giằng co trong biên độ hẹp và các chỉ số chính đóng cửa ít thay đổi. Các nhóm dẫn dắt có sự phân hóa với sắc đó chiếm ưu thế, nhưng mức giảm không lớn. Trong khi đó, nhóm nhóm cổ phiếu hệ sinh thái Apec (API, APS, IDJ) tiếp tục nổi sóng, kéo dài chuỗi tăng giá ấn tượng kể từ phiên 13/5 tới nay (trong đó có một vài phiên rung lắc điều chỉnh nhẹ).

Bước vào phiên giao dịch chiều, lực cầu nhúc nhắc gia tăng giúp VN-Index hồi phục và lên lại trên tham chiếu. Tuy nhiên, từ 14h, lực bán gia tăng mạnh đã đẩy chỉ số đi xuống theo phương thẳng đứng và đà giảm chỉ bị chặn lại khi về gần ngưỡng 1.270 điểm.

Các nhóm dẫn dắt vẫn có sự phân hóa như phiên sáng, nhưng khác ở chỗ các mã tăng thì thu hẹp đà tăng, trong khi các mã giảm nới rộng biên độ.

Chốt phiên, VN-Index giảm 9,09 điểm (-0,71%), xuống 1.272,64 điểm với 182 mã tăng và 260 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 1.072,5 triệu đơn vị, giá trị 25.430,4 tỷ đồng, tăng 23,5% về khối lượng và 15,3% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 105 triệu đơn vị, giá trị 2.470 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn là 2 sắc xanh tại EIB và LPB, nhưng EIB đã bứt lên với mức tăng 4,8%, lên 19.650 đồng, đồng thời cũng là mã có thanh khoản tốt nhất thị trường với 33,14 triệu đơn vị. Trong khi đó, LPB hạ nhiệt nhẹ, đóng cửa tăng 3,79%, lên 26.000 đồng. Ở chiều ngược lại, HDB vẫn là mã giảm mạnh nhất với mức giảm được nới rộng là 2,9%, xuống 23.400 đồng. STB cũng mất hơn 2% xuống 28.250 đồng. CTG và VIB cùng giảm hơn 1,7%; trong khi MBB, ACB, OCB giảm hơn 1,3%; BID, MSB và SHB giảm hơn 1%; mã đầu ngành là VCB cũng giảm 1% xuống 89.800 đồng, các mã còn lại giảm nhẹ, cùng VPB đứng tham chiếu.

Nhóm chứng khoán có 4 sắc xanh là VDS tăng 2,87% lên 25.100 đồng, ORS tăng 2,2% lên 16.250 đồng, AGR tăng 1,98% lên 20.650 đồng, và VND tăng 1,68% lên 18.200 đồng, trong đó ngoài VDS giữ đúng mức tăng của phiên sáng, 3 mã còn lại đều hạ nhiệt phân nửa. Trong khi đó, TVB và FTS đảo chiều gia nhập nhóm giảm giá. Các mã thì nới đà giảm, nếu trong phiên sáng không có mã nào giảm dưới 1%, thì chốt phiên chiều, CTS giảm 2,28% xuống 42.850 đồng, cùng 4 mã SSI, FTS, TVB và HCM giảm hơn 1%.

Nhóm cổ phiếu thép có NKG và HSG đảo chiều giảm trên dưới 1%, còn mã đầu ngành HPG giảm 1,89% xuống 28.600 đồng.

Nhóm bất động sản dù sắc đỏ chiếm ưu thế, nhưng lại có nhiều mã tạo sóng tăng kịch biên độ. Nếu như AGG mất sắc tím, DXS hạ thêm độ cao, thì nhóm này tiếp nhận thêm 2 mã DRH và SGR tăng kịch biên độ cùng CCL và EVG vững vàng từ phiên sáng. Bên cạnh đó, LDG cũng gây chú ý khi cũng tạo sóng với mức tăng 6,52% lên 2.940 đồng, dù có lúc cũng đã chạm sắc tím 2.950 đồng.

Tuy nhiên, gây ấn tượng nhất trong phiên chiều nay là BCG khi bất ngờ nhận được lực cầu lớn, hấp thụ hết lượng dư bán, kéo BCG lên mức kịch trần 9.310 đồng với thanh khoản 27,55 triệu đơn vị và còn dư mua trần tới 1,84 triệu đơn vị. Thanh khoản của BCG chỉ đứng sau EIB và POW. Trong đó, POW khớp 28,09 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 0,8% lên 12.550 đồng. Ngoài ra, có thêm 3 mã khác có thanh khoản trên 20 triệu đơn vị là SHB, VND và HPG.

Không chỉ BCG, mà các cổ phiếu khác trong hệ sinh thái Bamboo Capital là TCD trên sàn HOSE và BCR trên UPCoM cũng tạo sóng trong phiên chiều nay khi đều đóng cửa ở mức kịch trần với thanh khoản tăng mạnh. Trong đó, TCD leo lên mức 7.190 đồng, khớp 4,33 triệu đơn vị, BCR lên 6.600 đồng, khớp 7,81 triệu đơn vị và đều còn dư mua giá trần.

Trên sàn HNX, sức ép từ lực cung diễn ra chậm hơn sàn HOSE khoảng 20 phút, nhưng lực cung lớn cũng khiến HNX-Index rơi thẳng đứng trước khi kịp hãm vào những phút cuối phiên.

Chốt phiên, HNX-Index giảm 1,43 điểm (-0,58%), xuống 244,15 điểm với 88 mã tăng và 95 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 99,6 triệu đơn vị, giá trị 1.884,3 tỷ đồng, tăng 17,6% về khối lượng và 3% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 5,5 triệu đơn vị, giá trị 110,6 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu hệ sinh thái Apec (API, APS, IDJ) vẫn là tâm điểm chú ý trên sàn, nhưng lại trái ngược với phiên sáng. Trong khi phiên sáng lực cầu mạnh kéo bộ 3 này tăng kịch trần với dư mua trần lớn, thì trong phiên chiều, lực bán chốt lời ồ ạt đã diễn ra, đẩy cả 3 quay đầu lao dốc, trong đó APS và API đóng cửa ở mức kịch sàn 8.000 đồng, khớp 4,47 triệu đơn vị và 10.200 đồng, khớp 2,09 triệu đơn vị, còn dư bán sàn hơn 1 triệu đơn vị; còn IDJ may mắn thoát sắc xanh mắt mèo khi giảm 8,75% xuống 7.300 đồng, khớp 7,4 triệu đơn vị, đứng thứ 2 về thanh khoản trên sàn HNX sau SHS.

Điểm đáng chú ý nữa là trong khi phiên sáng cả 4 mã có thanh khoản nhất đều đóng cửa trong sắc xanh, thì chốt phiên chiều tất cả đều quay đầu giảm. Thậm chí trong 8 mã có thanh khoản lớn nhất sàn HNX chiều này đều đóng cửa trong sắc đỏ, còn tính top 10 thì chỉ duy nhất TIG tăng, còn lại đều giảm.

SHS khớp lớn nhất với 9,78 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 1,6% xuống 18.500 đồng, PVS khớp 5,91 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 2,43% xuống 44.200 đồng, CEO khớp 5,5 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 1,6% xuống 18.500 đồng…

UPCoM dù cũng chịu rung lắc do ảnh hưởng từ lực bán mạnh trên sàn sàn niêm yết, nhưng chỉ số chính của sàn này vẫn giữ được sắc xanh.

Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,31 điểm (+0,32%), lên 95,92 điểm với 171 mã tăng và 112 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 90,6 triệu đơn vị, giá trị 1.527,6 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 4,8 triệu đơn vị, giá trị 54,77 tỷ đồng.

BSR đã vượt qua 2 mã ngân hàng để trở lại ngôi vị số 1 về thanh khoản trên UPCoM với 14,75 triệu đơn vị, đóng cửa ở mức tham chiếu 23.100 đồng. Trong khi đó, ABB và BVB vẫn giữ được sắc xanh với mức tăng lần lượt khi đóng cửa là 4,76% lên 8.800 đồng – lùi 1 bước giá so với phiên sáng - và 6,56% lên 13.000 đồng - tiến 1 bước so với phiên sáng. Thanh khoản lần lượt là 7,52 triệu đơn vị và 7,03 triệu đơn vị. Tuy nhiên, 2 mã này chỉ đứng thứ 3 và thứ 4 về thanh khoản trên UPCoM, sau BCR.

Trên thị trường phái sinh, hôm nay các mã trong nhóm VN30 bị bán mạnh khiến VN30-Index giảm mạnh hơn VN-Index khi mất 15,73 điểm (-1,21%), xuống 1.284,02 điểm. Các hợp đồng tương lai chỉ số VN30 cũng đều giảm quanh mức giảm này, trong đó chỉ có hợp đồng đáo hạn tháng 9 giảm mạnh hơn thị trường cơ sở, các hợp đồng khác giảm nhẹ hơn một chút. Trong đó, hợp đồng đáo hạn tháng 6 giảm 15 điểm (-1,16%), xuống 1.277,5 điểm với 248.299 hợp đồng được giao dịch, tổng giá trị 31.911 tỷ đồng; khối lượng mở 56.785 hợp đồng.

Trên thị trường chứng quyền, hôm nay giao dịch trầm hơn khi chỉ có 6 mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị và tất cả đều giảm giá khi đóng cửa, 3 mã thanh khoản tốt nhất đều do SSI phát hành, 3 mã còn lại do KIS phát hành. Trong đó, 2 mã có thanh khoản tốt nhất đều là chứng quyền của HPG là CHPG2331 với 2,65 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 7,07% xuống 920 đồng và CHPG2334 với 1,86 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 7,5% xuống 740 đồng.

Trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, hôm nay có 15,34 triệu đơn vị được chuyển nhượng, tổng giá trị 7.651,7 tỷ đồng. Trong đó, mã có khối lượng giao dịch lớn nhất là IDS12101 do CTCP Đầu tư và Phát triển Sài Gòn phát hành với 6,53 triệu đơn vị (chiếm 42,6% tổng khối lượng toàn thị trường), giá trị 663,3 tỷ đồng. Tiếp đến là HQN12101 do Hưng Thịnh Quy Nhơn phát hành với 3,69 triệu đơn vị, giá trị 369,1 tỷ đồng. Trong khi đó, xét về giá trị, 2 mã có giá trị giao dịch lớn nhất đều do Vinhomes phát hành là VHM12404 với 1.211 tỷ đồng, tương ứng 12.035 trái phiếu và VHM12305 với 1.209,3 tỷ đồng, tương ứng 12.009 trái phiếu. Tiếp đến là 2 mã trái phiếu của ngân hàng, trong đó có OCB12320 do OCB phát hành với 1.065,8 tỷ đồng, tương ứng 1.000 trái phiếu và ACB12304 do ACB phát hành với 1.040,3 tỷ đồng, tương ứng 10.000 trái phiếu.

Xem thêm tại www.tinnhanhchungkhoan.vn