PLC - Doanh nghiệp lớn nhưng chưa hấp dẫn
Tổng Công ty Hóa dầu Petrolimex - CTCP (HNX: PLC) là một trong những doanh nghiệp đáng chý ý của ngành dầu khí trong nước. Với triển vọng từ chính sách đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, PLC sẽ là cổ phiếu mà nhà đầu tư cần theo dõi trong giai đoạn sắp tới.
PLC - Doanh nghiệp lớn nhưng chưa hấp dẫn
Tổng Công ty Hóa dầu Petrolimex - CTCP (HNX: PLC) là một trong những doanh nghiệp đáng chý ý của ngành dầu khí trong nước. Với triển vọng từ chính sách đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, PLC sẽ là cổ phiếu mà nhà đầu tư cần theo dõi trong giai đoạn sắp tới.
Giá dầu thô được dự báo có thể giảm trong nửa cuối năm 2023
Trong báo cáo Triển vọng năng lượng ngắn hạn phát hành đầu năm 2023, Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA) dự báo giá dầu thô Brent sẽ tiếp tục tăng trong giai đoạn đầu năm 2023.
Giá dầu Brent sẽ xoay quanh mức trung bình 85 USD/thùng cho đến quý 2 năm 2023, sau đó giảm xuống đến cuối năm 2024. EIA dự báo giá dầu Brent sẽ ở mức trung bình là 83 USD/thùng trong cả năm 2023 và 78 USD/thùng vào năm 2024.
Biến động giá dầu thô trung bình theo tháng giai đoạn 2021-2024(Đvt: USD/thùng)
Nguồn: EIA
Các thành phẩm sản xuất của PLC hầu hết đều từ nguyên liệu đầu vào là dầu thô nên giá bán đầu ra của doanh nghiệp có biến động sát và ảnh hưởng bởi giá dầu thế giới. Đơn cử như giá bán nhựa đường của PLC có hệ số tương quan (Correlation) với biến động giá dầu Brent trong giai đoạn 2012 - 2022 là 0.71. Hệ số cho thấy giá dầu có mối quan hệ cùng chiều và ảnh hưởng đáng kể đến giá bán của doanh nghiệp.
Giá bán nhựa đường đầu ra của PLC hiện vẫn giữ ở mức cao, do nhu cầu trong nước vẫn còn lớn vì chính phủ đang đẩy mạnh đầu tư công trong giai đoạn tới, giúp những công ty chuyên về vật liệu xây dựng, trong đó có PLC, được hưởng lợi rất lớn. Việc giá bán vẫn cao trong khi giá nguyên liệu đầu vào được dự báo suy giảm sẽ giúp cho biên lợi nhuận gộp được cải thiện hơn.
Biến động giá dầu Brent và giá nhựa đường của PLC giai đoạn 2012 - 2022
Gần 100,000 tỷ đồng vốn đầu tư công năm 2023 dành cho các dự án giao thông
Ngay từ đầu năm, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã giao chi tiết đợt 1 cho các dự án giao thông đầy đủ thủ tục với tổng số vốn 94,135 tỷ đồng (đạt 99.97%). Các dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 và giai đoạn 2 được giao với tổng mức hơn 63,000 tỷ đồng (chiếm 67% tổng vốn đầu tư công), dự kiến sẽ là công trình quan trọng có ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của PLC. Bên cạnh đó, các địa phương cũng đang thúc đẩy nhanh tiến độ các dự án Vành đai 3 TP.HCM, Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội và các dự án cao tốc nội thành khác.
Với thế mạnh là doanh nghiệp đầu ngành nhựa đường của cả nước, cộng với việc Tập đoàn Xăng Dầu Việt Nam (HOSE: PLX) đang là cổ đông lớn nhất chiếm gần 80% vốn cổ phần, sản phẩm nhựa đường của PLC sẽ có vị thế cạnh tranh tốt hơn các đối thủ cùng ngành.
Giải ngân đầu tư công của bộ Giao thông Vận tải giai đoạn 2015 - 2022
Nguồn: Tổng cục Thống kê (GSO)
Mảng dầu mỡ nhờn chịu sự cạnh tranh mạnh từ nước ngoài
Ngành dầu mỡ nhờn trong nước được thúc đẩy bởi sự tăng trưởng nhập khẩu dầu thô và doanh số bán xe máy tăng trong nước. Thị trường dầu nhớt Việt Nam, do đó, có nhiều cơ hội tăng trưởng với sự gia tăng tỷ trọng doanh thu so với các quốc gia khác. Sự gia tăng doanh số bán ô tô trong nước cũng dẫn đến việc tiêu thụ dầu nhờn ô tô tăng đáng kể so với dầu nhờn công nghiệp.
Tuy nhiên, sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ nước ngoài tại thị trường trong nước đã làm tăng thách thức cho các doanh nghiệp dầu nhờn tại Việt Nam. Số lượng hạn chế của các nhà máy lọc dầu trong nước cản trở sự phát triển của dầu nhớt nội địa. Sản lượng bán ra của Castrol BP Petco hiện đang dẫn đầu thị phần. PLC dù hiện là thương hiệu dẫn đầu nội địa nhưng đang đối mặt với sự bào mòn thị phần với các ông lớn khác như Shell, Chevron, Idemitsu, Total...
Mảng hóa chất đứng trước khó khăn nhưng vẫn tăng trưởng tốt
PLC trực tiếp nhập khẩu, nhập mua các loại dung môi hóa chất và tổ chức bán hàng cho các khách hàng là nhà sản xuất và thông qua kênh phân phối trung gian, từ các nhà cung cấp nước ngoài: Bayer (Đức), ExxonMobil, CKG (Singapore), Marubeni (Nhật Bản)… Mảng kinh doanh này đóng góp doanh thu lớn thứ 2 cho PLC. Tuy nhiên, biên lợi nhuận gộp khá mỏng và trung bình chỉ khoảng 5 - 7%.
Bên cạnh đó, PLC cũng đang chịu nhiều khó khăn về nguồn cung, vốn mang lại sự ổn định của doanh nghiệp. Sản lượng hàng đóng phuy chiếm đến 60% tổng sản lượng xuất bán của doanh nghiệp, đang trong tình trạng thiếu nguồn vỏ phuy, cụ thể là nguồn vỏ phuy cũ khi tình trạng thiếu hàng vẫn đang ở mức cao.
Mảng nhựa đường trở thành trụ cột đóng góp vào doanh thu
Những năm về trước, mảng dầu mỡ nhờn và hóa chất luôn đóng góp chính vào cơ cấu doanh thu của công ty, trong khi mảng kinh doanh nhựa đường sau giai đoạn tăng sốc năm 2015 đã sụt giảm mạnh trong năm 2016. Tuy nhiên, kể từ đây, mảng này luôn tăng trưởng doanh thu đều đặn qua các năm và dần trở thành mảng kinh doanh chính của PLC nhờ tận dụng cơ hội từ đầu tư cơ sở hạ tầng. Trong năm 2022, doanh thu nhựa đường đã đóng góp gần 50% vào tổng doanh thu của Doanh nghiệp.
Sản lượng nhựa đường cũng chiếm gần 60% tổng sản lượng bán của PLC trong năm 2022. Biên lợi nhuận ròng từ năm 2019 của mảng này cũng có sự cải thiện khi tăng từ mức rất mỏng là 0.1% lên 1% trong năm 2020 và lên 2.5% trong năm 2021. Con số này tuy vẫn thấp hơn nhiều so với biên lợi nhuận dầu mỡ nhờn, nhưng so với việc biên lợi nhuận dầu mỡ nhờn giảm dần trong giai đoạn gần đây, lại là con số đáng kể.
Biến động doanh thu từng mảng giai đoạn 2015 - 2022
Bảng phân tích độ nhạy doanh thu của PLC
Nguồn: PLC & Investing
Định giá doanh nghiệp
Người viết sử dụng dữ liệu P/E và P/B quá khứ 5 năm kết hợp với DDM (Dividend Discount Model) để đảm bảo tính khách quan và tiến hành định giá doanh nghiệp. Mức P/E và P/B trung bình lần lượt là 12.75 và 1.49. Với tỷ trọng chia đều cho các phương pháp, người viết tính được mức định giá hợp lý của PLC là 30,895 đồng. Như vậy, giá cổ phiếu hiện đã không còn hấp dẫn với nhà đầu tư.
Bộ phận Phân tích Doanh nghiệp, Phòng Tư vấn Vietstock
FILI