Quỹ Nhà ở quốc gia sẽ cạn kiệt nếu không có nguồn thu để duy trì

Tại Tọa đàm “Giải pháp đảm bảo có ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội” do Báo Nông thôn Ngày nay tổ chức, ông Lê Văn Bình, Phó cục trưởng Cục Quản lý đất đai (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) khẳng định, Quỹ Nhà ở quốc gia sẽ không thể chi trả cho toàn bộ việc phát triển nhà ở xã hội trên cả nước. 

“Quỹ chỉ nên nhắm tới một mục tiêu chính, chẳng hạn việc tạo lập quỹ đất. Nếu lấy quỹ này để phát triển dự án thì không đủ. Không có quỹ nào đủ lớn để thực hiện tất cả dự án nhà ở xã hội”, ông Bình nhận định.

Quỹ Nhà ở quốc gia là nguồn vốn quan trọng để kích thích sự phát triển của nhà ở xã hội. Ảnh: Thanh Vũ

Vị lãnh đạo của Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho rằng, quỹ nhà ở quốc gia là nguồn vốn “mồi” cần thiết trong công cuộc phát triển nhà ở xã hội. Tuy nhiên, việc sử dụng quỹ sao cho hiệu quả và hơn hết là có nguồn thu để duy trì sẽ là một thách thức lớn.

“Quỹ có khoản ứng ra thì cũng nên có cơ chế để thu về. Nếu cứ lấy ngân sách từ quỹ để chi trả cho việc xây dựng nhà ở xã hội thì dần dần sẽ hết sạch. Điều này cần có quy định, hướng dẫn cụ thể để đưa vào dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội”, ông Bình đặt vấn đề.

Chia sẻ hóm hỉnh về vấn đề trên, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đã hiến kế “lấy mỡ nó rán nó” để có nguồn thu duy trì quỹ. Đây chính là cách mà nhiều nước đang thực hiện.

“Quỹ nhà ở của họ sẽ thu phí bảo lãnh từ người mua nhà và chủ đầu tư. Bên cạnh đó, quỹ còn cho vay và tính lãi suất bằng 70 - 80% lãi suất thị trường. Nếu nhân văn hơn, chúng ta có thể giảm lãi vay xuống còn 50 - 70% so với các ngân hàng thương mại. Bên cạnh đó, một số nước còn cho phép sử dụng quỹ nhà ở để đầu tư, sinh lời an toàn”, ông Lực nêu dẫn chứng.

Ông Cấn Văn Lực chia sẻ tại Toạ đàm.

Tiết lộ thêm về quỹ nhà ở quốc gia, vị chuyên gia kinh tế cho biết, quỹ sẽ được xây dựng từ 5 nguồn vốn. Thứ nhất là vốn ngân sách Nhà nước. Thứ hai là nguồn vốn từ phát hành trái phiếu. Thứ ba, nguồn vốn sẽ đến từ tiền tiết kiệm của người mua nhà. 

“Ví dụ, nếu muốn sở hữu nhà ở xã hội, người mua sẽ phải có một khoản tiết kiệm, có thể trích ra từ nguồn thu nhập để cam kết có dòng tiền trả nợ cho ngôi nhà đó. Quỹ sẽ đứng ra quản lý số tiền đó cho người mua nhà”, ông Lực cho hay.

Nguồn vốn thứ tư sẽ giống như cách làm hiện tại của Trung Quốc và Singapore. Đó chính là dùng một phần ngân sách từ quỹ bảo hiểm xã hội. Thứ năm, nguồn vốn sẽ được đóng góp từ doanh nghiệp, các tổ chức tài chính. 

Theo Bộ Xây dựng, hiện cả nước có 657 dự án nhà ở xã hội được triển khai, quy mô khoảng 600.000 căn. Trong đó đã hoàn thành 103 dự án, với khoảng 67.000 căn. Số dự án đã khởi công xây dựng là 140, với quy mô khoảng 125.000 căn. Ngoài ra, hiện có 414 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, tương ứng 406.000 căn.

Nhận định về kết quả trên, ông Lực cho biết, tính đến quý I/2025, số nhà ở xã hội mà cả nước hoàn thành mới chỉ dừng ở mức 100.000 căn, tương đương 10% mục tiêu đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội. Do đó, từ giờ đến năm 2030, các địa phương, chủ đầu tư phải đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành 90% lượng căn hộ còn lại, tương ứng mỗi năm hoàn thành khoảng 150.000 căn. Để thực hiện được mục tiêu này, sự đột phá về mặt chính sách sẽ là điều kiện quan trọng nhất.

Xem thêm tại baodautu.vn