SMC: "Vận rủi" vẫn đeo bám

Bán tài sản, cắt giảm nhân sự vẫn chưa bớt khó

Giá thép lên nhanh, xuống nhanh trong giai đoạn trước, đặc biệt là chính sách bán chịu quá dễ dãi khiến SMC ngay lập tức gặp khó khăn khi các khách hàng gặp khó về dòng tiền. Năm 2022, Công ty báo lỗ 578,99 tỷ đồng; năm 2023, báo lỗ thêm 885,3 tỷ đồng.

Bước sang năm 2024, SMC đã thực hiện nhiều giải pháp tái cơ cấu doanh nghiệp, bao gồm bán tài sản có thanh khoản cao và tiếp tục cắt giảm nhân sự. Đến cuối tháng 6/2024, Công ty còn 810 nhân sự, giảm 148 người so với cuối năm 2023 và giảm khá mạnh so với con số 1.202 người ở thời điểm cuối năm 2022.

Trong nửa đầu năm nay, SMC đã thoái toàn bộ khoản đầu tư vào cổ phiếu NKG có giá gốc 89,53 tỷ đồng, thoái toàn bộ 23,58 tỷ đồng đầu tư cổ phiếu POM và có kế hoạch bán các bất động sản đang sở hữu để tái cơ cấu tình hình tài chính. Nhờ vậy, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp được cải thiện.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2024 của SMC cho thấy, luỹ kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế hợp nhất của Công ty đạt 65,29 tỷ đồng (cùng kỳ năm ngoái lỗ 407,81 tỷ đồng). Thuyết minh báo cáo tài chính cho thấy, trong kỳ, lãi từ chuyển nhượng chứng khoán, cổ tức được chia là 196,3 tỷ đồng; lãi từ thu nhập khác là 105,98 tỷ đồng (do thanh lý, nhượng bán tài sản cố định)… Nếu loại trừ lãi thanh lý tài sản, chuyển nhượng khoản đầu tư chứng khoán với tổng giá trị 302,28 tỷ đồng, doanh nghiệp thương mại thép này tiếp tục lỗ trong nửa đầu năm 2024.

Tại thời điểm 30/6/2024, SMC ghi nhận khoản lỗ luỹ kế 92,26 tỷ đồng. Đáng chú ý, Công ty dùng 1.050,5 tỷ đồng nguồn vốn ngắn hạn (kỳ hạn dưới 1 năm) để tài trợ cho tài sản dài hạn (kỳ hạn lớn hơn 1 năm).

Thực tế, việc bán tài sản và cắt giảm nhân sự cũng chỉ giúp SMC giải quyết vấn đề dòng tiền trong ngắn hạn. Hoạt động bán tài sản này sẽ khó duy trì bởi các tài sản có giá, thanh khoản cao đã được đem bán, hiện SMC chỉ còn lại các tài sản có tính thanh khoản thấp hơn. Trong khi đó, hoạt động kinh doanh cốt lõi của Công ty vẫn gặp khó khăn, lợi nhuận gộp tạo ra không đủ trả chi phí tài chính, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp.

Được biết, từ ngày 25/1/2024 đến ngày 20/8/2024, giá thép thế giới ghi nhận mức giảm 22,5%, từ 3.950 CNY/tấn về 3.063 CNY/tấn. Nguyên nhân chính là tổng nhu cầu thép suy giảm tại Trung Quốc, trong khi các nhà máy tại quốc gia này có quy mô sản xuất lớn, buộc phải đẩy mạnh xuất khẩu ra bên ngoài, đẩy giá thép thế giới lao dốc và duy trì ở mặt bằng thấp trong thời gian dài hơn.

Hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực thương mại thép, trong bối cảnh giá thép duy trì ở mức thấp, nhu cầu thép trong nước chưa phục hồi khi thị trường bất động sản hồi phục chậm, SMC đang gặp nhiều khó khăn trong hoạt động kinh doanh cốt lõi.

Công ty SMC đang có dư nợ vay lên tới 2.507,2 tỷ đồng, bằng 290,5% tổng vốn chủ sở hữu (trung bình ngành năm 2023 tỷ lệ này chỉ 72%). Đây là một tỷ lệ đòn bẩy tương đối cao, vượt xa so với trung bình ngành.

Thêm khó khi chuyển nợ thành vốn góp

Tại ngày 30/6/2024, SMC ghi nhận tổng giá trị nợ xấu là 1.309,1 tỷ đồng.

Thực tế, trong hơn hai năm qua, bên cạnh việc kinh doanh gặp khó do giá thép giảm sâu, SMC còn gặp khó khăn trong việc thu hồi công nợ, đặc biệt liên quan tới nợ xấu của công ty xây dựng (bắt nguồn từ việc chủ đầu tư bất động sản gặp khó về thanh khoản).

Tại đại hội cổ đông thường niên 2024, chia sẻ về hướng xử lý nợ xấu, bà Nguyễn Ngọc Ý Nhi, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị SMC cho biết: “Nếu không xử lý được khoản nợ, Công ty sẽ phải trích lập dự phòng thêm 90 tỷ đồng trong quý II, nâng tổng dự phòng lên gần 300 tỷ đồng trong cả năm 2024. Công ty nhất định phải xử lý nợ xấu trong năm nay, có thể là trước thời điểm 30/6. Các phương án xử lý bao gồm cả thu bằng tiền, hoán đổi cổ phiếu, nhận tài sản để cấn trừ công nợ và nếu kế hoạch xử lý nợ khả thi, SMC đều chấp nhận”.

Tuy vậy, báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2024 của SMC cho thấy, tại ngày 30/6/2024, Công ty ghi nhận tổng giá trị nợ xấu là 1.309,1 tỷ đồng, Trong đó, Công ty đã trích lập dự phòng rủi ro 577,3 tỷ đồng, tương đương 44,1% tổng nợ xấu.

Như vậy, trong nửa đầu năm 2024, SMC vẫn chưa xử lý được nợ xấu như mong muốn.

Giá trị nợ xấu lớn, mới trích lập dự phòng chưa đầy 50% và không ngoại trừ khả năng phải tiếp tục tăng trích lập dự phòng cho các khoản nợ nói trên sẽ là áp lực đè nặng lên chỉ tiêu lợi nhuận của doanh nghiệp.

Thực tế, trong nửa đầu năm 2024, Công ty đã có một số nỗ lực xử lý nợ xấu khi thực hiện hoán đổi khoản nợ 104,79 tỷ đồng của Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình (mã HBC) thành cổ phiếu, tương ứng nhận hơn 10 triệu cổ phiếu HBC với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Lượng cổ phiếu này bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm. Việc hoán đổi nợ này giúp giảm nợ xấu của Công ty, nhưng ngay khi hoán đổi nợ trong quý II/2024, SMC đã phải trích lập dự phòng 24,31 tỷ đồng, bằng 23,2% khoản nợ được hoán đổi thành vốn đầu tư này (do thị giá cổ phiếu HBC thấp hơn giá chuyển đổi).

Vận xui vẫn tiếp tục đeo bám SMC khi cổ phiếu HBC liên tục lao dốc và sắp tới sẽ bị huỷ niêm yết bắt buộc trên sàn HOSE (do lỗ lũy kế vượt vốn điều lệ tại thời điểm 31/12/2023). Trong đó, thống kê từ ngày 18/7 - 20/8/2024 (thời điểm nhận quyết định huỷ niêm yết bắt buộc), thị giá cổ phiếu HBC đã giảm 39,5%, từ 8.100 đồng/cổ phiếu về 4.900 đồng/cổ phiếu.

Như vậy, SMC có khả năng phải tiếp tục trích lập dự phòng giảm giá cho khoản đầu tư vào HBC. Thêm vào đó, khi cổ phiếu HBC chuyển sang giao dịch trên sàn UPCoM, việc thu hút nhà đầu tư và giao dịch sẽ có nhiều khó khăn hơn khi niêm yết trên sàn HOSE.

Xem thêm tại tinnhanhchungkhoan.vn