Thanh khoản cao nhất hơn 2 tháng, VN-Index giảm gần 30 điểm

Sau chuỗi ngày tích lũy quanh vùng giá 1.270 điểm bất chấp áp lực bán miệt mài và mạnh mẽ của nhà đầu tư ngoại, hầu hết các công ty chứng khoán đã khá tự tin và dự báo thị trường khó có rủi ro giảm sâu. Tuy nhiên, thị trường đã làm “thất vọng” giới phân tích. VN-Index bước vào phiên giao dịch ngày 24/6 chỉ giữ được trạng thái giằng co nhẹ đầu phiên sáng rồi nhanh chóng chuyển qua diễn biến tiêu cực.

Áp lực bán ngày càng gia tăng ở nhóm cổ phiếu bluechip đã lan rộng toàn thị trường khiến bảng điện tử chìm trong sắc đỏ. Chỉ số VN-Index bay hơn 18 điểm và tạm dừng phiên sáng dưới mốc 1.265 điểm.

Diễn biến tiêu cực tiếp tục lan sang phiên giao dịch chiều. Sau hơn 1 giờ nỗ lực để giữ mốc 1.260 điểm, thị trường đã chào thua bởi áp lực bán mạnh và dứt khoát. Kịch bản được dự báo khó xảy ra là VN-Index rơi về ngưỡng 1.255 điểm đã chính thức được xác lập.

Thị trường khép lại phiên giao dịch đầu tuần giảm tới gần 30 điểm, là phiên giảm mạnh thứ 2 kể từ đầu năm 2024, chỉ thua phiên 15/4 giảm xấp xỉ 60 điểm; đồng thời, thanh khoản cũng tăng vọt, cao nhất kể từ phiên 15/4.

Đóng cửa, sàn HOSE có tới 378 mã giảm, gấp hơn 5 lần số mã tăng (74 mã), VN-Index giảm 27,9 điểm (-2,18%) xuống 1.254,12 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 834,75 triệu đơn vị, giá trị 21.467 tỷ đồng, tăng gần 50% về khối lượng và 48,2% về giá trị so với phiên cuối tuần trước ngày 21/6. Giao dịch thỏa thuận đóng góp gần 149 triệu đơn vị, giá trị 3.582,5 tỷ đồng.

Nhóm VN30 chỉ còn duy nhất SAB giữ mốc tham chiếu, cùng POW khởi sắc, còn lại đều giao dịch trong sắc đỏ, đóng cửa, chỉ số VN30-Index giảm tới hơn 30 điểm, về dưới mốc 1.290 điểm.

Bất chấp lực bán ồ ạt diễn ra trên diện rộng, cổ phiếu POW vẫn duy trì đà tăng khá tốt và trở lại sát mức giá cao nhất trong hơn 2 năm vừa được xác lập trong phiên 20/6 vừa qua. Đóng cửa, POW tăng hơn 2% lên mức 15.000 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt xấp xỉ 27,3 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, điểm sáng thị trường cũng thuộc về một số mã khác trong top vừa và nhỏ, điển hình là cặp đôi EVG và ITA đóng cửa trong trạng thái dư mua trần với thanh khoản đều đạt trên 10 triệu đơn vị. Ngoài ra, HNG, NVT, TDG, KHP, ITC cũng đóng cửa khoe sắc tím; các mã thị giá nhỏ khác như CMX, TCR, VPH, CCL, TPC cũng có mức tăng hơn 3%.

Trái lại, một số điểm nóng thời gian gần đây như HVN, VTP, DPG, ICT, HHS bị bán tháo và đóng cửa tại mức giá sàn, ngoài ra TCH giảm sát sàn khi mất 6,7%...

Xét về nhóm ngành, nhóm cổ phiếu nông lâm ngư là điểm sáng khi ngược dòng thị trường tăng tốt hơn so với cuối phiên sáng, nhờ HNG, VIF, HKT tăng kịch trần, SSC tăng hơn 4,1%, HAG tăng 1,61%...

Ngoài ra, nhóm dịch vụ, lưu trú, ăn uống, giải trí; sản phẩm cao su và tài chính khác cũng đóng cửa trong sắc xanh nhưng mức tăng chỉ đạt trên dưới 0,5%.

Các nhóm ngành còn lại đều giảm điểm, trong đó đi đầu vẫn là nhóm cổ phiếu chứng khoán. Trong đó, VIX có thanh khoản tốt nhất ngành với gần 33,2 triệu đơn vị khớp lệnh, đóng cửa giảm 4,8% về gần vùng giá thấp nhất ngày 16.700 đồng/CP; các mã CTS, VDS, TVS, BSI giảm kịch sàn; AGR giảm 6,6%, FTS giảm 6,3%... Tuy nhiên, VND vẫn “chiến thắng” thị trường khi đóng cửa tăng 0,9% lên mức 16.350 đồng/Cp, thanh khoản đạt 20,65 triệu đơn vị, là mã chứng khoán duy nhất có được sắc xanh.

Nhóm ngân hàng cũng đua nhau lùi sâu, trong đó VPB và SHB lần lượt giảm 3,8% và 2,2%, xuống mức giá thấp nhất ngày, tương ứng 18.850 đồng/CP và 11.300 đồng/CP, giao dịch sôi động với gần 45,3 triệu đơn vị và 37,13 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, thị trường duy trì đà giảm mạnh trong suốt cả phiên chiều khi không có thông tin hỗ trợ tích cực nào.

Chốt phiên, sàn HNX có 65 mã tăng và 139 mã giảm, HNX-Index giảm 4,63 điểm (-1,89%) xuống 239,74 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 109,85 triệu đơn vị, giá trị 2.318 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 7,26 triệu đơn vị, giá trị 159,67 tỷ đồng.

Tương tự sàn HOSE, nhóm HNX30 chỉ còn PVG và SLS giữ sắc xanh với mức tăng nhẹ trên dưới 1%, còn lại 28 mã giảm với hơn 1/2 số này giảm hơn 3%. Trong đó, BVS giảm mạnh nhất khi mất 9,3%, tiếp theo là NTP giảm 9%, MBS giảm 8,6%... Các mã đáng chú ý như PVS giảm 3,7%, PVC giảm 6,3%, TNG giảm 5,3%...

Ở nhóm vừa và nhỏ, cổ phiếu DL1 vẫn duy trì diễn biến khởi sắc, đóng cửa tăng 6,1% lên mức 5.200 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt xấp xỉ 1,7 triệu đơn vị.

Xét về nhóm ngành, chứng khoán vẫn mất điểm nhiều nhất thị trường. Ngoài BVS giảm mạnh, SHS đóng cửa giảm 4,4% xuống mức 17.400 đồng/CP và khớp gần 27,2 triệu đơn vị, MBS giảm 8,6% và khớp xấp xỉ 8,8 triệu đơn vị, APS giảm 3,8%, VIG giảm 4%,PSI giảm 6%, EVS giảm 3,9%...

Trên UPCoM, cũng trong xu hướng chung của thị trường, UPCoM-Index duy trì đà giảm khá mạnh trong suốt cả phiên chiều.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 1,53 điểm (-1,52%) xuống 99,06 điểm với 144 mã tăng và 197 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 92,3 triệu đơn vị, giá trị 1.792 tỷ đồng.

Cặp đôi cổ phiếu dầu khí là tâm điểm giao dịch với thanh khoản dẫn đầu thị trường. Đóng cửa, BSR giảm 4,6% xuống mức 23.0000 đồng/CP và khớp hơn 17,71 triệu đơn vị, còn OIL giảm 3% xuống 12.800 đồng/CP và khớp 5,22 triệu đơn vị.

Một số mã lớn khác cũng giảm khá mạnh như VGT giảm 3,1% và khớp xấp xỉ 4 triệu đơn vị, VEA giảm 4,5% và khớp 3,93 triệu đơn vị, VGI giảm 5,4% và khớp 2,62 triệu đơn vị…

Trong khi đó, điểm sáng thị trường vẫn thuộc về một số cổ phiếu vừa và nhỏ, như C4G tăng 5,1% và khớp 4,17 triệu đơn vị, TVN tăng 5,7% và khớp xấp xỉ 3,6 triệu đơn vị, G36 tăng 4,7% và khớp 2,64 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều giảm mạnh trên dưới 30 điểm, trong đó VN30F2407 đáo hạn gần nhất vào ngày 18/7 giảm 30,2 điểm, tương đương -2,3% xuống 1.290,7 điểm, khớp lệnh 295.592 đơn vị, khối lượng mở 47.204 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền cũng chìm trong sắc đỏ, với CHPG2334 có thanh khoản cao nhất là 2,75 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 9,2% xuống 690 đồng/cq; tiếp theo là CHPG2331 khớp 2,42 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 9,7% xuống 840 đồng/cq.

Xem thêm tại tinnhanhchungkhoan.vn