Thanh khoản suy kiệt, cổ phiếu giảm giá áp đảo

Dòng tiền bất ngờ suy yếu đáng kể trong phiên cuối tuần, đặc biệt là thanh khoản của nhóm blue-chips VN30 thấp chưa từng thấy kể từ đầu năm. Không có dòng tiền đỡ, cổ phiếu trượt giảm dần trong phiên và trước giờ nghỉ, số mã giảm giá đã nhiều gấp đôi số tăng.

VN-Index đạt đỉnh lúc 9h37, tăng gần 5 điểm nhưng toàn bộ thời gian còn lại là trượt giảm. Chốt phiên sáng chỉ số đã rơi qua tham chiếu 0,33 điểm. Độ rộng tại đỉnh của chỉ số ghi nhận 200 mã tăng/125 mã giảm và cuối phiên còn 134 mã tăng/265 mã giảm.

Điểm nhấn trong diễn biến yếu ớt về giá nói trên là thanh khoản rất thấp. Sàn HoSE khớp lệnh giảm hơn 27% so với sáng hôm qua, chỉ đạt hơn 5.397 tỷ đồng, thấp nhất 10 phiên. Rổ VN30 thậm chí giảm 35%, chỉ giao dịch 2.183,6 tỷ đồng, thấp kể từ đầu năm 2024. Tính chung cả HNX, tổng giá trị khớp lệnh giảm 33% so với sáng hôm qua.

Giao dịch quá yếu và giá trượt dần cho thấy lực cầu đỡ giá trên vùng xanh rất cạn. Nhìn vào độ rộng, ban đầu thị trường vẫn tích cực, số cổ phiếu tăng giá nhiều hơn giảm. Tuy nhiên theo thời gian giá suy yếu và cả trăm mã rơi trở lại xuống dưới tham chiếu. Nếu có dòng tiền đủ khỏe để đỡ, hoặc thanh khoản sẽ tăng cao, hoặc giá sẽ được neo giữ ổn định.

Rổ blue-chips sáng nay chỉ còn duy nhất VIC và FPT là đáng kể. VIC còn tăng 2,8%, FPT tăng 0,98%. Độ rộng đầu phiên của rổ VN30 chỉ duy nhất HDB là đỏ, còn lại toàn tăng. Đến cuối phiên đã có 14 mã rơi qua tham chiếu, 8 mã còn xanh và hầu hết tăng rất yếu. Ngay cả VIC hay FPT cũng chịu ảnh hưởng của áp lực bán: FPT trượt giảm 1,25% so với giá đỉnh đầu ngày, VIC trượt giảm 1,2,9%.

Thống kê trong VN-Index có tới 38% số cổ phiếu phát sinh giao dịch sáng nay đã trượt giảm tối thiểu 1% so với giá cao nhất trong ngày, chỉ 25 mã tăng giá còn giữ được mức cao nhất, tương đương hơn 7% số cổ phiếu có giao dịch. Đây là biểu hiện rõ nhất của áp lực bán đang đè giá xuống trong bối cảnh tiền mua quá yếu.

Số ít cổ phiếu đi ngược dòng sáng nay có được dòng tiền duy trì thanh khoản đáng tin cậy. DGW, HAH, HAG, VIC, EVG là các mã hiếm hoi tăng giá trên 1% với thanh khoản từ 50 tỷ đồng trở lên. Toàn sàn HoSE có 39 mã tăng với biên độ tối thiểu 1% nhưng chỉ khoảng chục mã giao dịch được quá 10 tỷ đồng. Những mã như CCL, TDC, SGR, IMP, TEG, SFC, FDC… tuy tăng giá rất mạnh nhưng thanh khoản quá nhỏ, không phản ánh được cung cầu ở mức độ đáng tin cậy.

Thanh khoản suy kiệt, cổ phiếu giảm giá áp đảo - Ảnh 1

Nhịp trượt giảm sáng nay có nhiều điểm tương đồng với các phiên trước, chủ yếu do cầu giá cao suy yếu và bên cầm cổ chốt lời tăng dần. Điểm tích cực là các giao dịch hạ giá chưa đến mức khiến giá rơi quá sâu. Nói cách khác, người bán vẫn đang giao dịch một cách cầm chừng chứ không bán đổ bán tháo. Chỉ số ít cổ phiếu như HSG, EIB, TCM, HDB, FRT, HDG là bị ép giá rõ rệt với giao dịch khá lớn.

Biên độ của đại đa số cổ phiếu – bất kể là giá tăng hay giảm – đều hẹp, phản ánh sự dao động do không bên nào gây sức ép đủ vượt trội. Do đó trạng thái thanh khoản giảm mạnh bất ngờ cũng chưa phải là xấu, trừ phi giá sụt giảm mạnh hơn nữa. Hiện VN-Index giảm rất nhẹ 0,33 điểm do các trụ vẫn đang giằng co được. Trong 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất có khả năng điều tiết chỉ số này, BID, HPG, GAS, CTG đỏ nhưng không mã nào giảm quá 0,5%. Phía tăng trừ VIC và FPT thì cũng có VCB tăng 0,45%. Mã này tăng nhẹ nhưng vốn hóa rất to nên ảnh hưởng còn lớn hơn cả FPT. Các mã khác giằng co ở tham chiếu. Trạng thái này đủ để chỉ số ổn định và nếu thị trường gia tăng biến động thì các trụ có thể thay đổi trước.

Nhà đầu tư nước ngoài sáng nay bán ròng 249,8 tỷ đồng trên sàn HoSE và không có mã nào bị xả đột biến. Bên bán mạnh nhất là MWG -77,2 tỷ, TCB -22,9 tỷ. Bên mua có VIC +27,7 tỷ, TPB +24,7 tỷ. Khối ngoại bán ròng chủ yếu ở số lượng cổ phiếu, không giống các phiên trước có thỏa thuận đột biến ở các mã cụ thể.

Xem thêm tại vneconomy.vn