Những tưởng thị trường sẽ chuyển hướng tích cực sau phiên khởi sắc hôm qua, nhưng áp lực bán đã xuất hiện và gia tăng ngay khi mở cửa phiên giao dịch sáng 24/5. Mặc dù có thời điểm VN-Index le lói sắc xanh nhưng lực bán luôn thường trực khiến chỉ số này nhanh chóng đảo chiều giảm và ngày càng chuyển biến kém khả quan hơn về cuối phiên sáng.
Diễn biến ảm đạm tiếp tục lan sang phiên giao dịch chiều, đã khiến VN-Index dễ dàng xuyên qua mức giá thấp nhất của phiên sáng.
Bất ngờ lại xảy ra sau mốc thời điểm 14h. Áp lực mạnh và dứt khoát được kích hoạt trên diện rộng khiến các cổ phiếu đua nhau lao dốc, chỉ số VN-Index cắm đầu lao dốc và chỉ đến khi tiếp cận mốc 1.250 điểm mới được “cứu nguy”.
Lực cầu hấp thụ mạnh đã giúp thị trường bật hồi hơn 10 điểm và khép lại phiên cuối tuần trên mốc 1.260 điểm. Đồng thời, thanh khoản thị trường tăng vọt, đứng thứ 2 kể từ đầu năm đến nay khi chỉ thua phiên 18/3 đạt giá trị giao dịch 43.132 tỷ đồng và nếu loại trừ phiên đột biến này thì thanh khoản phiên hôm nay là cao nhất trong hơn 9 tháng.
Đóng cửa, sàn HOSE có 93 mã tăng trong khi có tới 364 mã giảm, VN-Index giảm 19,1 điểm (-1,49%) xuống 1.261,93 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 1,37 tỷ đơn vị, giá trị gần 35.530,9 tỷ đồng, tăng 41,53% về khối lượng và 52,4% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 122,3 triệu đơn vị, giá trị 3.096,65 tỷ đồng.
Nhóm VN30 vẫn là gánh nặng chính khi lấy đi hơn 21 điểm, với 25 mã giảm và chỉ còn 4 mã giữ được sắc xanh. Trong đó, ACB tiếp tục thu hẹp biên độ nhưng vẫn giữ vị trí dẫn đầu của nhóm khi đóng cửa tăng 2,8% với thanh khoản thuộc top 5 mã dẫn đầu, đạt 33,85 triệu đơn vị khớp lệnh; các mã khởi sắc khác là GVR tăng 2,5%, PLX tăng 1,7% và STB tăng 0,5%.
Ngược lại, cổ phiếu BCM giảm sâu nhất khi để mất 4,2%, nhưng FPT là mã tác động lớn nhất tới thị trường khi lấy đi hơn 1,7 điểm của chỉ số chung, đóng cửa mã này đã giảm 4,1% xuống mức 131.900 đồng/CP với thanh khoản tăng vọt lên gần 13,4 triệu đơn vị.
Xét về nhóm ngành, sau chuỗi ngày dài tăng nóng, sự đảo chiều của “anh cả” FPT đã khiến nhóm công nghệ và thông tin trở thành nhóm giảm mạnh nhất thị trường. Ngoài FPT, các mã khác như SGT giảm 3,72%, ITD giảm 4,64%, ELC giảm hơn 4%, CTR giảm 3,88%, CMG giảm 6,13%.
Đáng chú ý, với đà lao dốc của thị trường chung, nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng không thể thoát khỏi phiên giảm mạnh khi chỉ thua nhóm công nghệ và thông tin đôi chút. Trong đó, ngoại trừ duy nhất cổ phiếu nhỏ TVB tăng 3,81%, còn lại đều nới rộng đà giảm với biên độ chủ yếu là 3-4%. Cổ phiếu VIX vẫn dẫn đầu thanh khoản của ngành và thuộc top 3 toàn thị trường với hơn 34,73 triệu đơn vị khớp lệnh, đóng cửa giảm 3,8% xuống mức 17.700 đồng/CP.
Ở nhóm cổ phiếu ngân hàng, ngoài ACB còn có STB và LPB ngược dòng thành công nhưng mức tăng chỉ hơn 0,5%. Trong đó, cặp đôi SHB và MBB đều giảm hơn 1,5%, có thanh khoản cao nhất thị trường, lần lượt đạt hơn 39 triệu đơn vị và 36,36 triệu đơn vị.
Nhóm cổ phiếu bùng nổ trong phiên hôm qua và tiếp tục tỏa sáng đầu phiên sáng nay là bảo hiểm cũng không nằm ngoài vòng xoáy của thị trường, dù mức giảm chỉ hơn 0,5%.
Hầu hết các nhóm ngành đều mất điểm, ngoại trừ nhóm sản xuất nhựa – hóa chất và nhóm bán buôn vẫn thoát hiểm thành công với mức tăng trên dưới 0,5%.
Một số điểm sáng trên thị trường là cặp đôi nhỏ ITA và PLP vẫn giữ được sắc tím và kết phiên đều trong trạng thái dư mua trần với thanh khoản đột biến so với những phiên trước. Trong đó, ITA khớp lệnh 12,77 triệu đơn vị, còn PLP khớp gần 1 triệu đơn vị, trong khi các phiên trước chủ yếu chỉ khớp vài chục nghìn đơn vị.
Trên sàn HNX, thị trường cũng chứng kiến phiên giảm mạnh với thanh khoản tăng vọt.
Chốt phiên, sàn HNX có 50 mã tăng và 136 mã giảm, HNX-Index giảm 5,19 điểm (-2,1%) xuống 241,72 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 146,44 triệu đơn vị, giá trị 3.048,8 tỷ đồng, cùng tăng hơn 43% cả về lượng và giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,9 triệu đơn vị, giá trị 72,92 tỷ đồng.
Điểm sáng thị trường vẫn là NTP dù sắc tím đã không còn xuất hiện. Đóng cửa, NTP tăng 5,7% lên mức 62.600 đồng/CP, khối lượng khớp lệnh đạt 0,81 triệu đơn vị.
Ngoại trừ NTP, nhóm HNX30 có tới 28 mã giảm, trong đó các mã DTD, NVB, DVM có thời điểm nằm sàn và đóng cửa vẫn dẫn đầu nhóm khi giảm 7-9%. Trong đó, SHS và PVS đóng cửa đều giảm 4,1%, với thanh khoản vượt trội trên thị trường, lần lượt đạt 30,5 triệu đơn vị và gần 11,1 triệu đơn vị.
Ở bộ 3 cổ phiếu nhà APEC, IDJ và APS đều đảo chiều giảm mạnh trên dưới 7%, trong khi API tiếp tục khoe sắc tím. Đóng cửa, API tăng 9,3% lên mức 9.400 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh hơn 3 triệu đơn vị.
Trên UPCoM, thị trường giao dịch phân hóa và duy trì đà giảm nhẹ trong suốt cả phiên chiều.
Đóng cửa, UPCoM-Index giảm 0,77 điểm (-0,81%) xuống 94,4 điểm với 152 mã tăng và 167 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 111,33 triệu đơn vị, giá trị 1.605 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 4,75 triệu đơn vị, giá trị 90,72 tỷ đồng.
Cặp đôi mới chào sàn là POM và QBS vẫn là điểm sáng. Kết phiên, POM giữ sắc tím với khối lượng khớp 9,11 triệu đơn vị và dư mua trần hơn 0,9 triệu đơn vị; trong khi QBS tăng 23,1% và khớp gần 8,7 triệu đơn vị.
Cổ phiếu BSR bớt “nóng”, đóng cửa tăng nhẹ 0,9% lên mức 22.600 đồng/CP, thanh khoản vẫn vượt trội thị trường với hơn 23 triệu đơn vị chuyển nhượng thành công.
Một mã đáng chú ý khác trên UPCoM là VEA, kết phiên tăng 2,9% lên mức 42.500 đồng/CP, khối lượng khớp lệnh đạt 3,53 triệu đơn vị.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều giảm, trong đó hợp đồng VN30F2406 đáo hạn gần nhất giảm 22,3 điểm, tương đương -1,7% xuống 1.277,7 điểm, khớp hơn 332.200 đơn vị, khối lượng mở hơn 54.650 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, phiên này CSTB2327 khớp lệnh vượt trội với hơn 6,16 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 31,3% lên 210 đồng/cq, theo sau là CHPG2331 khớp gần 3,9 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 10,5% xuống 940 đồng/cq.