Tháo gỡ điểm nghẽn trong quá trình nâng hạng TTCK Việt Nam

Theo tiêu chí xếp hạng của FTSE Russell, Việt Nam hiện có hai vấn đề cốt lõi cần tháo gỡ là yêu cầu ký quỹ trước giao dịch (pre-funding) và giới hạn sở hữu nước ngoài.

FTSE Russell và MSCI đang xếp TTCK Việt Nam vào thị trường cận biên (FM). FTSE đã đưa Việt Nam nhóm chờ nâng hạng lên thị trường mới nổi (EM). Với MSCI, tại thông báo mới nhất, tổ chức này cho biết TTCK Việt Nam đã có cải thiện tiêu chí, đơn cử như khả năng chuyển nhượng, đồng thời ghi nhận việc nỗ lực giải quyết một số vấn đề như giới hạn sở hữu nước ngoài, pre-funding và thiếu công bố thông tin bằng tiếng Anh.

Việt Nam đã đạt 7/9 tiêu chí nâng hạng thị trường đối với FTSE. Với MSCI, Việt Nam vẫn còn 8 tiêu chí cần cải thiện.

Trong thời gian qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã tổ chức nhiều hội thảo với các tổ chức quốc tế như MSCI, FTSE Russell, World Bank... trong nỗ lực tháo gỡ các vướng mắc nâng hạng, thu hút nhà đầu tư quốc tế tiềm năng. Tuy nhiên, để hướng đến mục tiêu nâng hạng đến năm 2025 rất cần sự chung tay của các thành viên toàn thị trường.

 Hội thảo “Tạo động lực nâng hạng thị trường chứng khoán” tổ chức chiều 2/7. (Ảnh chụp màn hình).

Tăng số lượng, chất lượng doanh nghiệp niêm yết

Theo bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Nghiên cứu, Chứng khoán MB (MBS), nhận định TTCK Việt Nam không chỉ dừng lại ở việc nâng hạng mà cần nâng cao chất lượng dòng vốn và chất lượng đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài, để họ đến nhiều và “ở lại” nhiều. Về phía doanh nghiệp cũng cần nâng cao chất lượng công bố thông tin cũng như mức độ tiếp cận của nhà đầu tư nước ngoài.

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phân tích của Chứng khoán VPS, cho rằng trong tương lai thị trường cần có nhiều cổ phiếu bluechip hơn, từ các ngành nghề như ngân hàng, tài chính, tiêu dùng, bán lẻ, năng lượng... Những cổ phiếu lớn đó sẽ đáp ứng được các tiêu chí, khẩu vị rủi ro, hàng hóa để các nhà đầu tư nước ngoài có thể giao dịch.

Ông Trần Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Phân tích của Chứng khoán PSI, nêu hiện trạng gần đây số lượng doanh nghiệp niêm yết mới có dấu hiệu chững lại.

Nguyên nhân chính bao gồm: nền kinh tế và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều biến động nên chưa đạt đủ tiêu chí niêm yết; các điều kiện lên sàn đang được kiểm soát chặt chẽ hơn nhằm bảo vệ nhà đầu tư; các hoạt động đầu tư tư nhân, đầu tư mạo hiểm phát triển mạnh mẽ, cạnh tranh với nhu cầu đại chúng hóa và niêm yết công ty suy giảm; doanh nghiệp chưa nắm rõ về lợi ích cũng như điều kiện để niêm yết.

Về giải pháp, ông Trần Anh Tuấn đề xuất phía cơ quan quản lý thực hiện các biện pháp khuyến khích và thúc đẩy IPO; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp có ROE thấp hoặc biến động; khuyến khích minh bạch hóa thông tin nhằm tăng tính thanh khoản từ phía doanh nghiệp. Phía doanh nghiệp thì cần tăng cường hoạt động quản trị.

Ông Nguyễn Đức Chi, Thứ trưởng Bộ tài chính, ghi nhận đề xuất về việc thúc đẩy tăng số lượng doanh nghiệp niêm yết. Trong đó, Thứ trưởng nói yếu tố minh bạch hóa thì bản thân doanh nghiệp cần tự ý thức, đây là nghĩa vụ và quyền lợi của doanh nghiệp. Cơ quan quản lý sẽ giám sát và đảm bảo thực hiện nghiêm túc các quy định về công bố thông tin.

Tháo gỡ nút thắt pre-funding để nâng hạng đối với FTSE

Tại hội thảo, ông Nguyễn Khắc Hải, Giám đốc Khối phụ trách luật và Kiểm soát tuân thủ, Chứng khoán SSI, chia sẻ ý kiến tháo gỡ yếu tố pre-funding để nâng hạng TTCK Việt Nam lên EM đối với tiêu chí của FTSE.

Theo ông Hải, trong 2 tiêu chí còn thiếu (Việt Nam đã đảm bảo 7/9 tiêu chí), thực chất chỉ còn 1 tiêu chí là pre-funding.  Giải pháp dài hạn, TTCK Việt Nam cần triển khai đối tác thanh toán bù trừ chứng khoán trung tâm (CCP). Điều này liên quan đến hệ thống, nhiều bộ ngành.

Giải pháp ngắn hạn là hỗ trợ giao dịch ký quỹ của nhà đầu tư tổ chức nước ngoài. Tức là không yêu cầu nhà đầu tư nước ngoài ký quỹ 100% nữa, mà công ty chứng khoán đứng ra hỗ trợ thanh toán trong trường hợp họ không sắp xếp đủ tiền thanh toán tại ngày T+2. Số lượng chứng khoán được hỗ trợ giao dịch sẽ chuyển vào tài khoản tự doanh của công ty chứng khoán.

“Đến hiện tại, giải pháp này đã được các bên thống nhất 95% rồi, chỉ còn chờ dự thảo/thông tư được ban hành”. Điều này giúp tháo gỡ được quan trọng nhất là việc tại ngày T+2 nhà đầu tư có đủ tiền hay không và công ty chứng khoán có hỗ trợ hay không. Một yếu tố nữa là công ty chứng khoán có tạo điều kiện thêm, hỗ trợ đến cả ngày T+3 hay không.

Để làm điều này, chuyên gia của SSI cho rằng các công ty chứng khoán cần chuẩn bị 3 việc. Thứ nhất là năng lực tài chính, liên quan đến việc đánh giá năng lực tài chính của nhà đầu tư nước ngoài, và sẽ có hạn mức giao dịch tổng mà công ty chứng khoán cần tuân thủ.

Năng lực tài chính của công ty chứng khoán cũng rất quan trọng khi sau được nâng hạng thì dòng vốn lớn sẽ đổ vào thị trường. Các công ty trong ngành đã và đang tăng vốn năm 2024 – 2025 chính là chuẩn bị cho việc hỗ trợ thanh toán giao dịch cho nhà đầu tư nước ngoài.

Thứ hai là quản trị rủi ro, về mặt thanh toán và hoạt động hệ thống. Thứ ba là cần nâng cấp hệ thống, có thể kết nối trực tuyến các giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài, do khi nâng hạng thì quy mô, tần suất giao dịch của khối này tăng rất đáng kể.

Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cập nhật rằng Bộ Tài chính đã có những bàn bạc tháo gỡ vấn đề này. Bộ đã có những dự thảo thông tư gửi các đơn vị liên quan để lấy ý kiến. Nếu được, trong 1-2 tuần bộ sẽ lại xin ý kiến các bên liên quan, để giúp có một cơ chế khả thi, tháo gỡ được nút thắt này.

Nâng cao tính minh bạch công bố thông tin (CBTT)

Ông Trần Việt Dũng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học Ngân hàng, Học viện Ngân hàng, đề xuất một số giải pháp nâng cao minh bạch thông tin của doanh nghiệp niêm yết.

Thực trạng, tỷ lệ doanh nghiệp niêm yết đạt chuẩn CBTT có xu hướng tăng dần theo thời gian, nhưng chững lại các năm gần đây do một số nguyên nhân.

Đa phần các doanh nghiệp đạt chuẩn công bố thông tin là các doanh nghiệp lớn, đầu ngành. Giai đoạn 2021 – 2023, tỷ lệ doanh nghiệp niêm yết đạt chuẩn công bố thông tin đối với nhóm vốn hóa lớn, vừa, nhỏ đạt lần lượt 61%, 54% và 46%.

Ông Dùng tổng hợp các giải pháp cho yếu tố này kể đến về phía cơ quan quản quản lý cần tăng cường thanh tra, giám sát; ứng dụng AI để giảm hạn chế về nguồn lực của cơ quan quản lý. Việc CBTT bằng tiếng Anh cũng đã được nêu ở dự thảo thông tư mà dự kiến sẽ được thông qua trong thời gian tới...

Trong đó, ý thức tuân thủ trong CBTT của các công ty niêm yết cần được đề cao, dài hạn hơn là cần vượt trên cả mức tuân thủ.

Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi khẳng định CBTT cần minh bạch, đồng thời nhấn mạnh lại cần có ý thức của phía doanh nghiệp. Điều này cũng sẽ được sự giám sát của cơ quan quản lý, nhà đầu tư, các cơ quan truyền thông báo chí. Nếu phát hiện vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm. Về CBTT hai thứ tiếng cũng được quy định trong thông tư sửa đổi sắp tới, để đảm bảo tiêu chí nâng hạng.

Xem thêm tại vietnambiz.vn