Theo dấu dòng tiền tháng 6

Nghiêng theo chiều hướng tích cực

Nhìn lại lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam, tháng 6 luôn là tháng có xác suất điều chỉnh cao nhất trong năm. Nhưng nếu chỉ xét trong 10 năm trở lại đây, xác suất tăng điểm trong tháng 6 lại cao hơn, với 6 lần chỉ số VN-Index xác lập đà tăng trong giai đoạn này, mức tăng trung bình đạt 4,1%.

Tâm lý lo ngại thị trường chứng khoán điều chỉnh trong tháng 6 vẫn xuất hiện, khi đây cũng là thời điểm thị trường rơi vào vùng trũng thông tin, nhưng vẫn có những kỳ vọng chỉ số tiếp tục tăng. Thực tế, thị trường biến động thường không thể hiện rõ ràng một quy luật chu kỳ, bởi sẽ phụ thuộc vào các biến số tại mỗi thời điểm khác nhau. Ở thời điểm cuối tháng 5/2024, biến động tỷ giá USD/VND có dấu hiệu chững lại, nền lãi suất huy động vẫn duy trì ở mức thấp, những yếu tố này đã tác động tích cực tới tâm lý nhà đầu tư cũng như dòng tiền vào thị trường chứng khoán. Bên cạnh đó, mùa công bố kết quả kinh doanh quý I/2024 cho thấy lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết đã tạo đáy và phục hồi tích cực trong quý đầu năm, là yếu tố quan trọng thúc đẩy sự tăng trưởng của VN-Index trong tháng 5 vừa qua.

Theo số liệu của Fiinpro, tại thời điểm cuối tháng 5/2024, chỉ số P/E của VN-Index ở mức 14,15 lần, thấp hơn một chút so với mức P/E trung bình 10 năm của chỉ số (15,3 lần); chỉ số P/B đang ở mức 1,75 lần (thấp hơn mức bình quân 10 năm đang là 2,2 lần), EV/EBITDA tương ứng ở 16,24 lần (thấp hơn bình quân 10 năm mức 18 lần). Như vậy, thị trường có thể đang trong vùng lưỡng lự chờ đợi, với động lực tích cực từ nền lãi suất thấp, áp lực tỷ giá có thể đã được phản ánh phần lớn, nhà đầu tư kỳ vọng lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết đã tạo đáy cuối năm 2023 nhưng mức định giá của thị trường đang ở sát mức bình quân 10 năm trở lại đây.

Ông Đào Hồng Dương, Giám đốc Phân tích cổ phiếu và ngành, Công ty Chứng khoán VPBank (VPBankS) cho rằng, thị trường ở giai đoạn hiện tại vẫn còn nhiều dư địa tăng trưởng, động lực đến từ kết quả kinh doanh quý II/2024 của các doanh nghiệp niêm yết. Trong kịch bản tích cực, nếu thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) toàn sản niêm yết tiếp tục tăng trưởng mạnh vào quý II thì định giá của thị trường trở nên hấp dẫn; đồng thời, niềm tin của nhà đầu tư vào sự phục hồi lợi nhuận của thị trường càng được củng cố vững chắc, nên sẽ chấp nhận mức định giá thị trường cao hơn trung bình 10 năm trở lại đây.

Thị trường chứng khoán tháng 6 cũng được nhìn nhận sẽ vận động cân bằng trong biên độ hẹp, đặc biệt khi chỉ số tiếp cận vùng đỉnh tháng 3, trước khi có những thông tin tiếp theo ảnh hưởng đến xu hướng chính.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Phân tích, Công ty Chứng khoán Dầu khí (PSI) cho rằng, thị trường vẫn nghiêng về xu hướng vận động tích cực, tuy nhiên, giai đoạn này sẽ chịu tác động của nhiều yếu tố vĩ mô. Cụ thể, cuối tháng 6 sẽ là thời điểm công bố các chỉ số kinh tế vĩ mô, trong đó có chỉ số quan trọng là tăng trưởng GDP quý II. Bên cạnh đó, trong tháng 6 còn có những sự kiện đáng chú ý như ngày 6/6, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cắt giảm lãi suất; ngày 12/6, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ họp để bàn về chính sách lãi suất. Nhiều nhận định cho thấy, Fed sẽ giữ nguyên lãi suất trong kỳ họp tới, tuy nhiên, nhà đầu tư luôn chờ đợi thông điệp của cơ quan này về đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên sẽ được tiến hành khi nào.

Cổ phiếu định giá hấp dẫn sẽ hút dòng tiền

Thị trường chứng khoán ở giai đoạn hiện tại vẫn còn nhiều dư địa tăng trưởng, động lực đến từ kết quả kinh doanh quý II/2024 của các doanh nghiệp niêm yết.

Ông Đào Hồng Dương, Giám đốc Phân tích cổ phiếu và ngành, Công ty Chứng khoán VPBank

Kỳ vọng về kết quả kinh doanh quý II/2024 của các nhóm ngành được cho là có thể tác động đến diễn biến của giá cổ phiếu. Thông thường, tỷ trọng lợi nhuận toàn sàn niêm yết tập trung vào một số nhóm ngành lớn. Chẳng hạn, trong quý I/2024, lợi nhuận trước thuế các cổ phiếu niêm yết ngành ngân hàng chiếm 60% tổng lợi nhuận trước thuế toàn sàn; bất động sản chiếm 8%; các ngành bao gồm thực phẩm đồ uống, tài nguyên cơ bản, dịch vụ tài chính, hàng và dịch vụ công nghiệp, xây dựng và vật liệu xây dựng, tiện ích, hóa chất chiếm tổng cộng 26%.

Dự báo được ông Đào Hồng Dương đưa ra, kết quả kinh doanh quý II/2024 của các doanh nghiệp niêm yết sẽ duy trì được đà tăng trưởng, dựa trên triển vọng kết quả kinh doanh ngành ngân hàng tiếp tục tích cực, khối doanh nghiệp bất động sản có thể phục hồi lợi nhuận so với nền thấp của quý I vừa qua, trong đó bao gồm cả bất động sản dân cư và bất động sản công nghiệp. Bên cạnh đó, những ngành chiếm tỷ trọng lợi nhuận nhỏ cũng đóng góp đáng kể cho sự phục hồi kết quả kinh doanh quý II toàn sàn, có thể kể đến như hàng không, du lịch, giải trí, bán lẻ, công nghệ, vật liệu xây dựng, hóa chất.

Với góc nhìn trên, chuyên gia VPBankS đánh giá cổ phiếu ngân hàng vẫn đang có mức định giá hấp dẫn và khả năng sẽ là nhóm dẫn dắt thị trường (với mức P/E ngành đang dưới 10 lần, P/B ngành dưới 1,6 lần). Nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn còn nhiều dư địa tăng trưởng trên nền tảng kỳ vọng phục hồi NIM nhờ chi phí vốn giảm dần, tác động tích cực tới lợi nhuận. Nhóm dịch vụ tài chính có triển vọng tiếp tục mức tăng trưởng ổn định với sự gia tăng tích cực về quy mô và hiệu suất sinh lời của tài sản thể hiện qua giai đoạn quý I, đặc biệt là quy mô giao dịch và margin toàn thị trường, trong bối cảnh tài sản tài chính ít có biến động do nền lãi suất ổn định, thị trường chứng khoán ổn định.

Trong khi đó, nhóm bất động sản có thể phân hóa mạnh mẽ dựa trên câu chuyện riêng của từng cổ phiếu, xoay quanh các chủ điểm về mở bán dự án, tốc độ và tỷ lệ hấp thụ, câu chuyện chuyển đổi đất công nghiệp, hay cả những doanh nghiệp vượt qua khó khăn thanh khoản ngắn hạn. Đối với những nhóm ngành mà sự phục hồi lợi nhuận đã thể hiện trong kết quả kinh doanh quý I/2024, phần lớn biến động giá cổ phiếu đã phản ánh kết quả này và có lẽ cần chờ đợi một cú huých tiếp theo từ triển vọng kinh doanh bứt phá trong quý II và quý III.

Nhìn xa hơn về cơ hội đầu tư từ nay đến cuối năm 2024, ông Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, những nhóm ngành được hưởng lợi từ chính sách vĩ mô, đầu tư công cũng như nhu cầu tiêu dùng và giá hàng hóa thế giới. Đầu tiên có thể kể tới đó là cổ phiếu ngành dầu khí, khi giá dầu được neo ở mức cao trong quý I/2024, các dự án thăm dò và khai thác dầu khí lớn kỳ vọng được đẩy nhanh tiến độ và là động lực chính cho tăng trưởng của các doanh nghiệp ngành này. Với tính chất quan trọng của dự án - để bù đắp cho các mỏ khí nội địa đang dần cạn kiệt, đại dự án Lô B sẽ sớm được phê duyệt FID trong năm nay. Các doanh nghiệp dầu khí trong nước sẽ được hưởng lợi từ nguồn công việc lớn với tiềm năng từ hoạt động khoan, xây lắp M&C và các dịch vụ liên quan khác.

Bên cạnh đó, có thể kể tới các nhóm ngành khác như ngân hàng, bất động sản, xây dựng - đầu tư công, thép, thủy sản, bán lẻ, phân bón - hóa chất... Đây đều là những ngành được kỳ vọng sẽ có sự cải thiện đáng kể về kết quả kinh doanh quý II/2024 khi xuất nhập khẩu tăng trưởng tích cực so với năm trước nhờ nhu cầu quốc tế tăng và hoạt động sản xuất trong nước hồi phục, số lượng đơn hàng mới cả nội địa và xuất khẩu đều tăng.

Ông Nguyễn Đình Thuận, Phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam cho rằng, bức tranh lợi nhuận quý II/2024 sẽ có sự phân hoá tương đối giữa các nhóm ngành. Nhà đầu tư có thể kỳ vọng tích cực ở một số nhóm như xuất khẩu, bán lẻ trong bối cảnh nhu cầu nội địa và toàn cầu phục hồi. Ngoài ra, nhóm chăn nuôi heo cũng tiềm năng trở thành điểm sáng nhờ câu chuyện giá heo tăng liên tiếp kể từ đầu năm. Ngành ngân hàng vẫn còn mức định giá tương đối hấp dẫn với tiềm năng tăng trưởng của nhóm này, phù hợp cho nhà đầu tư nắm giữ trong trung và dài hạn. Tuy nhiên, theo đánh giá của chuyên gia KBSV, diễn biến các nhóm cổ phiếu trên thị trường sẽ phần nào thuận theo kết quả kinh doanh, bên cạnh những câu chuyện kỳ vọng riêng của từng doanh nghiệp.

Xem thêm tại tinnhanhchungkhoan.vn