Thị trường chứng khoán sẽ có những bước thăng hoa trong nửa cuối năm 2024
VN-Index đang vận động với dòng tiền và khối lượng giao dịch có xu hướng yếu dần khi tiến đến ngưỡng cản 1.300 điểm. Khối ngoại liên tục bán ròng trong các tháng vừa qua với giá trị lớn, áp lực tỷ giá tăng cùng với sự điều tiết thu hẹp thanh khoản trên thị trường tiền tệ... là các yếu tố khiến thị trường chứng khoán chưa đạt được sự đồng thuận cho sự bứt phá mạnh mẽ.
Chuẩn bị cho nhịp sóng tăng
Tuy nhiên, nhìn về mặt định giá, sau nhịp điều chỉnh trong nửa cuối tháng 6, P/E của VN-Index đã giảm từ mức 14,3x hồi cuối tháng 5 xuống 14,1x vào cuối tháng 6, vẫn thấp hơn ngưỡng +1 Std của chỉ số này trong một năm qua. Các cổ phiếu vốn hóa lớn trong VN30 đang có định giá P/E là 12,62x, thấp hơn nhiều so với các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ trong VNMID (16,72x) và VNSML (18,66x)
VN-Index có thể vượt 1.400 điểm vào cuối năm. |
Mặt khác, sản xuất, tiêu dùng nội địa, xuất khẩu... phục hồi tích cực, các yếu tố chính sách và luật pháp được thể chế hóa hỗ trợ doanh nghiệp và người dân mang tới kỳ vọng nền kinh tế sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt, thanh khoản thị trường dần được cải thiện, khối ngoại giảm dần đà bán ròng...
Chưa kể, thị trường vàng cũng được bình ổn khi giá vàng miếng SJC đã "đứng yên" xuyên suốt cả tháng 6 qua và được kỳ vọng sẽ tiếp tục ở mức này trong tháng 7. Đây là một tín hiệu tốt cho nền kinh tế khi dòng tiền sẽ không còn chảy vào tích trữ vàng mà sẽ được lưu thông, đóng góp cho tăng trưởng chung.
Hơn nữa, theo Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam, trong tháng 6, nhà đầu tư cá nhân vẫn là lực lượng nòng cốt khi mở mới 106.417 tài khoản và các tổ chức mở mới 163 tài khoản. Tính đến cuối tháng 6/2024, tổng số tài khoản của nhà đầu tư trong nước đạt xấp xỉ 8 triệu tài khoản. Đây là mức cao nhất từ trước đến nay trong lịch sử gần 24 năm của thị trường chứng khoán trong nước. Trong đó, nhà đầu tư cá nhân có hơn 7,98 triệu tài khoản, tương đương 8% dân số.
"Dự báo tháng 7 là thời điểm thị trường hấp thụ tốt yếu tố tiêu cực và tạo ra vùng đi ngang tích lũy với biên độ giá lớn từ 1.300 đến 1.180, chuẩn bị cho nhịp sóng tăng của nửa cuối năm 2024. Về trung hạn, chúng tôi vẫn duy trì kỳ vọng đối với VN-Index tăng trưởng lên vùng 1.350-1.370-1.395 điểm theo báo cáo đầu năm. Mốc xác nhận nhịp tăng mới của thị trường khi giá đóng cửa tuần giao dịch tuần vượt kháng cự 1 ở 1.315 điểm", Chứng khoán ABS nhận định.
Trong báo cáo chiến lược đầu tư nửa cuối năm 2024, Khối Nghiên cứu của CTCP Chứng khoán MB (MBS Research) dự đoán VN-Index sẽ đạt 1.350 - 1.380 điểm vào cuối năm 2024, sau khi lợi nhuận tăng trưởng 20% trong năm tài chính 2024 và mục tiêu P/E 12 - 12,5 lần.
Đồng quan điểm, bà Bùi Thị Quỳnh Nga, chuyên viên Phân tích Cao cấp vĩ mô và chiến lược PHS dự đoán trong kịch bản tích cực, VN-Index có thể chạm 1.452 điểm.
Bà Nga phân tích, Chính phủ thể hiện sự chỉ đạo sát sao với quyết tâm nâng hạng thị trường. Đây là cơ sở cho sự phát triển trong dài hạn của thị trường chứng khoán bên cạnh sự phát triển của nền kinh tế.
Bên cạnh đó, lãi suất tiền gửi tuy có tăng nhẹ nhưng vẫn duy trì ở mức thấp, ở kỳ hạn 12 tháng là dưới 6% đối với ngân hàng thương mại cổ phần và giữ nguyên mức 4,7% đối với ngân hàng thương mại quốc doanh, vẫn kém hấp dẫn hơn so với tỷ suất sinh lời kỳ vọng của VN-Index.
“Thị trường chứng khoán vẫn là kênh thu hút vốn của nhà đầu tư", bà Nga nhấn mạnh.
Lựa chọn nhóm ngành ưu tiên
Về chiến lược đầu tư, Chứng khoán ABS khuyến nghị, sau các nhịp điều chỉnh với biên độ giá quanh 60-100 điểm sẽ luôn có hồi phục kỹ thuật nhanh với những phiên tăng điểm nhờ cổ phiếu vốn hóa lớn. Đối với nhà đầu tư ưa thích giao dịch nhanh, cần căn cứ vào mốc hỗ trợ - kháng cự của thị trường và biên độ tăng giảm đặc thù cổ phiếu. Với nhà đầu tư trung dài hạn, nhịp điều chỉnh tích lũy này của thị trường sẽ là cơ hội tham gia với những mã cổ phiếu tạo ra điểm mua trung hạn- dài hạn.
ABS chỉ ra các nhóm ngành ưu tiên bao gồm: Bảo hiểm, Năng lượng, Bất động sản (BĐS) khu công nghiệp, BĐS nhà ở, Phân bón, Dệt may, Hàng không, Ngân hàng... Bên cạnh đó là các cổ phiếu có triển vọng kết quả kinh doanh tích cực, hưởng lợi từ các yếu tố vĩ mô, có mô hình tích lũy phù hợp về khối lượng và thời gian, còn dư địa tăng giá.
MBS Research cũng đưa ra một số nhóm ngành có triển vọng trong nửa cuối năm.
Với nhóm ngân hàng, nhóm phân tích dự báo tăng trưởng lợi nhuận sẽ cải thiện từ mức nền thấp năm trước. Tín dụng sẽ tập trung vào các ngân hàng có khả năng "hy sinh" NIM nhiều hơn so với ngành hoặc chất lượng tài sản vững chắc hơn. Trong khi đó, chất lượng tài sản dự kiến suy giảm vào cuối năm nay so với quý I. Lợi nhuận của các ngân hàng trong danh sách theo dõi dự báo tăng 15,3%. Về định giá, MBS Research cũng nhìn nhận định giá của các ngân hàng hiện đang ở mức rất hấp dẫn, P/B hiện thấp hơn mức trung bình 1 năm, 3 năm và mức đỉnh thiết lập trong năm 2021.
Nhóm BĐS dân cư được nhìn nhận có nhiều tín hiệu hồi phục tích cực khi nguồn cung hồi phục, lãi suất về mức hấp dẫn để kích thích phát triển thị trường. Việc hoàn thiện về hệ thống pháp lý sẽ giúp thị trường BĐS phát triển bền vững ở nguồn cung lẫn nhu cầu. Bên cạnh đó, các hoạt động tái cấu trúc nguồn vốn và MA dự án BĐS sẽ sôi động trong phần còn lại của năm 2024.
Về phía nhóm BĐS khu công nghiệp, MBS đánh giá có nhiều lợi thế nhưng đi kèm với thách thức trong nửa cuối năm 2024.
Nhóm thép được nhận định sẽ bước vào "chu kỳ tăng trưởng mới". Nhóm bán lẻ cũng được kỳ vọng nhờ sự phục hồi tiêu dùng. Ngoài ra, một số ngành như điện, dầu khí, ngành mới liên quan đến trung tâm dữ liệu và bán dẫn, logistics cũng sẽ "sáng cửa" trong nửa cuối năm 2024.
Hải Giang
Xem thêm tại vnbusiness.vn