Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin
Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC tại Hà Nội sau khi mở cửa sáng nay ngày 3/6 giảm 2 triệu đồng/lượng ở chiều mua và 2,5 triệu đồng/lượng ở chiều bán so với ngày cuối tuần trước, thì vào cuối ngày hôm nay đã tiếp tục lao dốc và giảm thêm 1,02 triệu đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra, hiện đứng ở mức 77,98 – 80,00 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên cuối tuần qua tại Mỹ giảm 16,1 USD xuống 2.327,2 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng giảm về dưới 2.320 USD, trước khi trở lại gần 2.330 USD/ounce vào cuối ngày.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 104,71 điểm.
Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 3/6 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.261 đồng/USD, không đổi so với cuối tuần trước. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 25.234 – 25.474 đồng/USD.
Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua tăng nhẹ từ 67.600 USD lên 68.000 USD thì sang ngày hôm nay đã có nhịp tăng lên trên 69.200 USD trước khi lùi về gần mốc 69.000 USD/BTC vào cuối ngày.
Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,12 USD (+0,16%), lên 77,11 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,15 USD (+0,18%), lên 81,26 USD/thùng.
VN-Index tăng gần 20 điểm
Thị trường đã giao dịch khởi sắc ngay từ sớm với dòng tiền sôi động và lan tỏa, đặc biệt là sự trở lại dẫn dắt của nhóm trụ cột ngân hàng, VN-Index có thời điểm đã chạm gần 1.285 điểm, trước khi hạ độ cao về cuối phiên, do áp lực chốt lời ngắn hạn sau phiên hàng giá rẻ ngày thứ Năm tuần trước.
Tuy nhiên, chỉ số đóng cửa vẫn giữ được mốc 1.280 điểm và thanh khoản cải thiện tích cực khi trở lại trên mức 1 tỷ USD tính riêng trên sàn HOSE. Trong đó, nhóm cổ phiếu VN30 vẫn là động lực chính của thị trường.
Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 5,7 triệu đơn vị, với nhưng tổng giá trị vẫn là bán ròng 222,92 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch 3/6: VN-Index tăng 18,28 điểm (+1,45%), lên 1.280 điểm; HNX-Index tăng 1,63 điểm (+0,67%), lên 244,72 điểm; UPCoM-Index tăng 1,05 điểm (+1,09%), lên 96,93 điểm.
Chứng khoán Mỹ
Chứng khoán Mỹ hồi phục trong phiên thứ Sáu (31/5), khi chỉ số giá tiêu dùng cá nhân, một thước đo lạm phát ưa thích của Fed cho dấu hiệu hạ nhiệt.
Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) lõi chỉ tăng 0,2% trong tháng 4, phù hợp so với dự báo và trên cơ sở hàng năm, PCE cốt lõi tháng 4 của Mỹ tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn một chút so với dự báo 2,7% từ các chuyên gia kinh tế.
Trong tuần, Dow Jones mất 0,98%, S&P 500 và Nasdaq Composite lần lượt giảm 0,51% và 1,1%.
Tuy nhiên, tính chung cả tháng 5, Dow Jones tăng 2,3%, S&P 500 tăng 4,8% và Nasdaq Composite tăng 6,88%.
Kết thúc phiên 31/5: Chỉ số Dow Jones tăng 574,84 điểm (+1,51%), lên 38.686,32 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 42,03 điểm (+0,80%), lên 5.277,51 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 2,06 điểm (-0,01%), xuống 16.735,02 điểm.
Chứng khoán châu Á
Chứng khoán Nhật Bản tăng khi chỉ số PCE tháng 4 của Mỹ hạ nhiệt đã hỗ trợ kỳ vọng cắt giảm lãi suất của Fed trong năm nay.
Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 1,13% lên 38.923,03 điểm. Chỉ số Topix rộng tăng 0,92% lên 2798,07 điểm.
Thị trường trước đó đã có đợt điều chỉnh khá mạnh sau khi lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản (JGB) đạt mức cao nhất trong hơn một thập kỷ vào tuần trước, tạo ra lo ngại về tác động tiêu cực đến giá cổ phiếu, Kenji Abe, nhà phân tích cổ phiếu tại Daiwa Securities cho biết.
Lợi suất JGB kỳ hạn 10 năm dao động ở mức 1,06%, sau khi tăng cao tới 1,1% vào thứ Năm, ảnh hưởng bởi khả năng về việc thắt chặt chính sách của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản.
Lĩnh vực tài chính, có xu hướng được hưởng lợi trong môi trường lãi suất cao hơn, đã tăng vào thứ Hai, với ngành bảo hiểm 3,1% và chứng khoán tăng 3,8% và dẫn đầu trong số 33 chỉ số phụ ngành của Sở giao dịch chứng khoán Tokyo.
Chứng khoán Trung Quốc giảm, ngay cả khi dữ liệu cho thấy hoạt động sản xuất tiếp tục mở rộng trong tháng 5.
Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 0,27% xuống 3.078,49 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 0,25% lên 3.588,75 điểm.
Chỉ số Nhà quản trị Mua hàng (PMI) của Trung Quốc tháng 5 là 51,7 điểm, tăng cao nhất từ giữa năm 2022, theo số liệu công bố của Caixin hôm 3/6.
Chứng khoán Hồng Kông tăng vọt, được nâng đỡ bởi triển vọng cắt giảm lãi suất tại Châu Âu.
Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 1,79% lên 18.403,04 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 2,18% lên 6.531,99 điểm.
Tâm lý được cải thiện khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) được coi là gần như chắc chắn sẽ cắt giảm lãi suất 0,25%, lần đầu tiên trong lịch sử đã “đi trước” Fed trong việc nới lỏng.
Chứng khoán Hàn Quốc tăng mạnh, được thúc đẩy bởi dữ liệu sản xuất tích cực và các cổ phiếu liên quan đến năng lượng nhảy vọt, khi được phê duyệt để tiến hành khoan thăm dò một mỏ giàu tiềm năng ngoài khơi bờ biển phía đông.
Đóng cửa, chỉ số KOSPI tăng 46,00 điểm, tương đương 1,74% lên 2.682,52 điểm.
Chỉ số ngành điện và khí đốt tăng 10,06%, sau khi Tổng thống Yoon Suk Yeol cho biết ông đã bật đèn xanh để tiến hành khoan thăm dò mỏ dầu khí tiềm năng đã được tìm thấy ngoài khơi bờ biển phía đông.
Hoạt động sản xuất của Hàn Quốc tiếp tục mở rộng vào tháng 5 với tốc độ nhanh nhất trong hai năm nhờ tăng trưởng mạnh hơn về sản lượng và đơn đặt hàng.
Theo đó, số lượng đơn hàng đặt mới ghi nhận tăng mạnh nhất kể từ quý II/2021. Kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 58 tỷ USD, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm trước và đạt mức cao nhất trong 22 tháng.
Kết thúc phiên 3/6: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 435,13 điểm (+1,13%), lên 38.923,03 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 8,32 điểm (-0,27%), xuống 3.07849 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 323,43 điểm (+1,79%), lên 18.403,04 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc tăng 46,00 điểm (+0,17%), lên 2.682,52 điểm.
Các thông tin đáng chú ý khác
- Ứng biến trong vạn biến
Rủi ro khó lường như xung đột địa chính trị, lạm phát cao tại một số khu vực trên thế giới, chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương Mỹ và ở trong nước là biến động mạnh của giá vàng, tỷ giá… Thực tế này đòi hỏi nhà đầu tư phải có kiến thức, kỹ năng ứng biến để tránh rủi ro, tối ưu hóa hiệu quả đầu tư..>> Chi tiết
- Nhiều cơ hội đầu tư cho tháng 6
Có thể nói, bất chấp những mối lo về địa chính trị trên thế giới, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thận trọng trong việc hạ lãi suất, tỷ giá và giá vàng trong nước biến động…, niềm tin của nhà đầu tư đã được củng cố, dòng tiền tham gia thị trường có sự cải thiện tích cực..>> Chi tiết
- Chờ khối ngoại dừng bán ròng
Tuần giao dịch cuối tháng 5 đã đưa nhà đầu tư đi qua nhiều cung bậc cảm xúc, từ hưng phấn tưởng chừng VN-Index sắp vượt vùng đỉnh ngắn hạn 1.290 - 1.300 điểm, đến chuyển sang sợ hãi nghĩ tới khả năng thị trường phân phối..>> Chi tiết
- Lãi suất OMO tăng do biến động trên thị trường liên ngân hàng
Trong tuần vừa qua, thị trường liên ngân hàng đã có những biến động đáng chú ý. Lãi suất liên ngân hàng tăng khá mạnh trong ngày 22/5 và ngày 23/5, lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng ngày 23/5 lên tới 5,1%/năm..>> Chi tiết
- OPEC+ gia hạn cắt giảm sản lượng dầu thô đến năm 2025
Hôm Chủ Nhật (2/6), Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh (OPEC+) đã đồng ý gia hạn cắt giảm sản lượng dầu thô chính thức đến năm 2025, đồng thời kéo dài hai biện pháp hạn chế nguồn cung khác trong các giai đoạn khác nhau..>> Chi tiết