Thủ đoạn lừa đảo mới được ngân hàng cảnh báo, nguy cơ bay sạch tiền
Theo thông báo được đăng tải trên Fanpage của Ngân hàng Wooribank, thời gian gần đây, xuất hiện tình trạng các đối tượng xấu lập website, fanpage giả mạo, sử dụng tên tuổi và logo ngân hàng để tiếp cận khách hàng. Chúng mời gọi tham gia các chương trình vay vốn, gửi tiết kiệm, đầu tư với những ưu đãi hấp dẫn nhưng hoàn toàn sai sự thật. Để chiếm đoạt tài sản, kẻ gian yêu cầu người dùng cung cấp thông tin cá nhân, sau đó lừa đóng các khoản phí vô lý trước khi đánh cắp dữ liệu và chiếm đoạt tiền trong tài khoản. Wooribank khuyến cáo khách hàng chỉ nên giao dịch trên website chính thức và tuyệt đối không chia sẻ thông tin cá nhân qua các kênh không xác thực.
Không riêng Wooribank, Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) cũng cảnh báo nhiều hình thức lừa đảo khác như:
- Đánh cắp chip thẻ trong lúc thanh toán: Kẻ gian lợi dụng sơ hở trong quá trình giao dịch tại quầy để tráo chip thẻ thật bằng chip giả, sau đó sử dụng để thực hiện các giao dịch gian lận mà khách hàng khó phát hiện.

Các ngân hàng khuyến nghị khách hàng luôn cẩn trọng khi nhận được tin nhắn, cuộc gọi lạ; chỉ giao dịch trên các nền tảng chính thức và tuyệt đối không chia sẻ thông tin tài khoản ngân hàng cho bất kỳ ai. (Ảnh minh hoạ)
- Giả danh nhân viên ngân hàng: Các đối tượng gọi điện, nhắn tin mạo danh ngân hàng để yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin thẻ như số thẻ, ngày hết hạn, mã CVV, mã OTP… với lý do nâng hạng thẻ, xác minh tài khoản, nhận ưu đãi. Sau khi lấy được thông tin, chúng chiếm đoạt tiền từ tài khoản.
- Lừa thu phí phát hành hoặc giao thẻ: Kẻ gian mạo danh nhân viên bưu điện, ngân hàng để yêu cầu khách hàng nộp phí phát hành hoặc phí giao thẻ, đồng thời dọa nạt nếu không nộp sẽ bị hủy thẻ. Techcombank khẳng định ngân hàng không thu bất kỳ khoản phí nào khi phát hành hoặc giao thẻ cho khách hàng.
Trong khi đó, Ngân hàng Á Châu (ACB) cũng liên tiếp phát đi cảnh báo trước hai hình thức lừa đảo đang diễn biến phức tạp:
- Bẫy thanh toán nhanh qua mã QR và link chuyển khoản giả mạo: Kẻ gian thu thập thông tin cá nhân từ mạng xã hội, đơn vị giao hàng, sau đó gửi tin nhắn giả danh yêu cầu thanh toán đơn hàng kèm mã QR hoặc link chuyển khoản. Khi người dùng quét mã hoặc nhấp vào link, họ bị dẫn tới các trang giả mạo hoặc bị cài phần mềm độc hại, từ đó lộ toàn bộ thông tin tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng, dữ liệu sinh trắc học… Kẻ gian sau đó thực hiện các giao dịch trái phép, chiếm đoạt toàn bộ số tiền.
- Giả mạo cán bộ Nhà nước, cài ứng dụng độc hại: Các đối tượng gửi tin nhắn chuyên nghiệp, giả làm cán bộ cơ quan nhà nước, yêu cầu người dùng cài đặt ứng dụng "chính phủ" hoặc nhấn vào đường link để cập nhật thông tin. Trên thực tế, đây là các phần mềm hoặc trang web độc hại được thiết kế để đánh cắp thông tin tài khoản. Các kịch bản thường đi kèm nội dung đe dọa như vi phạm pháp luật, cắt điện nếu không thanh toán ngay lập tức, khiến nạn nhân hoang mang làm theo yêu cầu. Sau khi cài ứng dụng hoặc nhấn link, thiết bị của nạn nhân có thể bị kiểm soát từ xa, toàn bộ tài khoản ngân hàng bị xâm phạm và tài sản dễ dàng bị chiếm đoạt.
Trước tình trạng lừa đảo ngày càng tinh vi, các ngân hàng khuyến nghị khách hàng luôn cẩn trọng khi nhận được tin nhắn, cuộc gọi lạ; chỉ giao dịch trên các nền tảng chính thức và tuyệt đối không chia sẻ thông tin tài khoản ngân hàng cho bất kỳ ai.
Xem thêm tại cafef.vn