VN-Index "ngắt" đà điều chỉnh, bật tăng hơn 5 điểm
Chung nhịp với đà tăng của các chỉ số chứng khoán Mỹ, VN-Index mở cửa phiên 26/1 với sắc xanh khá tích cực. Tuy nhiên, bên mua dường như khá “dè dặt”, chủ yếu là thăm dò, khiến diễn biến thị trường không có sự bứt phá nổi bật nào.
Giao dịch có phần tích cực hơn đôi chút trong nửa cuối phiên, sắc xanh lan rộng hơn trên bảng điện tử, nhưng VN-Index vẫn chỉ đi ngang với biên độ hẹp quanh 1.175 điểm do nhóm bluechip không tạo được sức bật cao, cũng như lực cầu hạn chế ở các nhóm ngành khác.
Sang phiên chiều, VN-Index duy trì sắc xanh trong “bình yên”, không có điểm nhấn nổi bật nào. Kết phiên, VN-Index dừng tại 1.175,7 điểm, tăng 5,3 điểm (+0,45%). Độ lan tỏa cũng được cải thiện với 253 mã tăng và 193 mã giảm trên sàn HOSE.
Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn trở lại với mức tăng 0,45% của rổ VN30, nổi trội so với nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa - VNMidcap (+0,41%) và nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ - VNSmallcap (+0,27%).
Thanh khoản trên kênh khớp lệnh đạt 12.899 tỷ đồng, có nhỉnh hơn phiên hôm qua nhưng vẫn là mức thấp so với trung bình gần đây.
Sự tích cực của thị trường hôm nay chủ yếu đến từ nhóm cổ phiếu Ngân hàng (+0,8%), với VCB, BID và TCB cùng tăng 1,1%, HDB tăng 1,2%, ACB tăng 1,9%...
Dòng tiền vẫn trong nhịp xoay vòng và luân chuyển tích cực đến nhóm Bất động sản, Xây dựng trong phiên hôm nay. Bật tăng trong các nhóm ngày này có PDR +2,9%, SZC +5,5%, NLG +2,9%, IDJ +3,4%... Trong đó, PDR khớp lệnh đột biến hơn 24 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản thị trường.
Hầu hết các nhóm ngành còn lại cũng đều ở chiều tăng giá nhưng không nhiều cổ phiếu tăng giá mạnh. Nhóm thép có HPG +0,4%, HSG +2%, NKG +0,8%. Nhóm chứng khoán có SSI và VND tăng giá nhẹ, VIX và SHS đứng tham chiếu. HCM tăng hơn 2% còn VCI giảm nhẹ.
Điểm cộng của thị trường hôm nay là khối ngoại quay lại mua ròng 239 tỷ đồng, mua ròng nhiều nhất tại các mã Thép – Tôn mạ như HPG (+92 tỷ đồng), HSG (+83 tỷ đồng), trong đó, HPG được dòng tiền nước ngoài săn đón trong 3 phiên liên tiếp.
Ngoài ra, danh sách mua ròng của khối này còn có: VCG (+76 tỷ đồng), EIB (+69 tỷ đồng), NLG (+68 tỷ đồng), HCM (+53 tỷ đồng); DXG (+38 tỷ đồng); CTG và PDR trên 20 tỷ đồng…
Ngược lại, VHM (-108 tỷ đồng), SAB (-85 tỷ đồng), MSN (-57 tỷ đồng) chịu áp lực rút vốn ngoại nhiều nhất.
Xem thêm tại tapchitaichinh.vn