VN-Index thất bại trước ngưỡng 1280 điểm
Những nỗ lực vượt qua nền giá quanh ngưỡng 1280 điểm – vùng đi ngang đầu tiên của VN-Index hồi giữa tháng 6 vừa qua – đã không thành công. Chỉ số “rướn” lên cao nhất 1283,13 điểm (+6,3 điểm) lúc 10h, nhưng toàn thời gian còn lại đã trượt dốc. Kết phiên VN-Index tăng nhẹ 2,04 điểm.
Thị trường bước vào phiên tăng thứ 4 liên tiếp một cách chậm chạp, giao dịch thận trọng thay vì bùng nổ. Mặc dù VN-Index hôm qua đã vượt qua mức trung bình 20 phiên (MA20) nhưng thanh khoản không gia tăng theo. Giao dịch khớp lệnh sáng nay trên HoSE chỉ tăng nhẹ 3,6% so với sáng hôm qua, đạt khoảng 6.190 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu dẫn dắt không đồng thuận vẫn là yếu tố chính khiến thị trường khó bùng nổ. FPT tăng 1,53%, VPB tăng 1,05% là hai trụ duy nhất đáng kể. VN-Index chốt phiên sáng tăng 0,16%, VN30-Index tăng 0,23%, thậm chí Midcap cũng chỉ tăng 0,19%, Smallcap tăng 0,33%.
Hiện tượng trượt dốc từ từ trong nửa sau phiên sáng là do áp lực bán bắt đầu xuất hiện khá chậm rãi. Thanh khoản tăng chậm trong thời gian này với độ rộng co lại từ từ, cũng như giá cổ phiếu không đỏ quá nhiều. Tại đỉnh lúc 10h VN-Index ghi nhận 233 mã tăng/104 mã giảm, đến cuối phiên còn 178 mã tăng/169 mã giảm. Sự thay đổi này không nhanh và biên độ giảm cũng nhẹ. Toàn sàn HoSE mới có 38 cổ phiếu giảm quá 1% với thanh khoản tập trung chưa tới 3% sàn. Đại đa số cổ phiếu giảm giá chỉ vừa rơi qua tham chiếu. Thanh khoản cao nhất ở nhóm giảm là MWG giảm 0,46% với 160,3 tỷ đồng; DBC giảm 1,16% với 98 tỷ; VRE giảm 0,47% với 94,6 tỷ; ACB giảm 0,41% với 90,3 tỷ; DIG giảm 0,18% với 89 tỷ…
Như vậy dù số lượng mã đỏ đang tăng lên thì biến động giá vẫn chỉ nằm trong khoảng dao động thông thường. Sức ép từ bên bán chủ yếu làm thu hẹp biên độ tăng. Nếu sức ép này không đủ quyết liệt, dù giá cổ phiếu đỏ thì cũng chỉ là điều chỉnh mang tính T+. Các giao dịch ngắn hạn thường lựa chọn giá chốt lời cẩn thận và chấp nhận một biên độ giá lùi hợp lý trước khi mua lại. Ví dụ rổ VN30 sáng nay có khoảng 10 mã đã trượt giá quá 1% so với đỉnh giữa phiên nhưng sức ép đã chững lại về cuối ngày như HPG, MSN, PLX, VCB, VPB. Chỉ vài cổ phiếu bị ép đáng kể đến mức thủng tham chiếu là POW, MWG, VIB.
Dĩ nhiên lượng chốt lời cũng đang kiềm chế cơ hội tăng giá khá rõ. Nhịp “rướn” về giá nửa đầu phiên sáng nay đã gia tăng lợi nhuận tốt ở nhiều cổ phiếu. VN-Index lúc mạnh nhất có tới 144 cổ phiếu tăng hơn 1% so với tham chiếu, nhưng cuối phiên sáng chỉ còn 52 mã, tức là khoảng hai phần ba số cổ phiếu mạnh nhất đã bị ép xuống với biên độ khác nhau. Đại đa số cổ phiếu còn giữ được biên độ tăng tốt là các mã thanh khoản nhỏ. Cụ thể, trong 52 cổ phiếu khỏe nhất, chỉ 16 mã khớp được quá 10 tỷ đồng, còn lại chỉ vài tỷ tới vài chục triệu đồng. VPB tăng 1,05% giao dịch 383,2 tỷ; FPT tăng 1,53% với 374 tỷ; VND tăng 2,78% với 203,8 tỷ; VPI tăng 3,17% với 103 tỷ; CSV tăng 6,97% với 54,5 tỷ; CMG tăng 1,75% với 53,6 tỷ là các cổ phiếu đáng kể nhất. Số còn lại như TLH, SGN, HHS, LSS, LIX… dù tăng trên 3% thì cũng chỉ có rất ít nhà đầu tư tham gia.
Nhà đầu tư nước ngoài sáng nay giảm bán ròng so với sáng hôm qua, còn 377,2 tỷ đồng ở HoSE. Tuy nhiên diện bán lại rộng hơn. VRE -43,2 tỷ, VPB -36 tỷ, MWG -35,5 tỷ, VHM -34,9 tỷ, HPG -33,3 tỷ, FPT -28,7 tỷ, HSG -22,1 tỷ là các mã nổi nhất. Bên mua chỉ có VND, BID là quanh 10 tỷ đồng ròng.
Hiện tượng chậm đà tăng sau nhiều phiên và giá lên cao sớm rồi quay đầu trượt dốc thường là tín hiệu của hoạt động chốt lời. Điều này không có gì đặc biệt vì luôn có nhiều nhà đầu cơ ngắn hạn giao dịch hàng ngày, lợi nhuận tốt là hiện thược hóa. Điều quan trọng là thanh khoản không gia tăng quá nhanh, cũng như biến động giá chủ yếu trong biên độ hẹp, thể hiện đây chỉ là hoạt động chốt lời ngắn hạn thông thường, không phải xả hàng quy mô lớn.
Xem thêm tại vneconomy.vn